Tình trạng đau nhức xương khớp ở người già không chỉ tác động lớn đến thể chất mà còn ảnh hưởng tinh thần và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể khắc phục thông qua nhiều phương pháp khác nhau. Dưới đây là một số cách giúp giảm đau nhức xương khớp mà người lớn tuổi và người thân có thể tham khảo.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Tình trạng đau nhức xương khớp ở người già
Người lớn tuổi dễ mắc các bệnh về xương khớp như loãng xương, thoái hóa sụn khớp, thoái hóa đốt sống, thoái hóa khớp gối… Chất lượng xương và sụn khớp giảm dần theo thời gian, khiến sức khỏe xương khớp suy yếu khi tuổi tác tăng cao. Sụn khớp bị mòn đi, làm giảm độ linh hoạt của cơ xương, gây khó khăn trong việc di chuyển.
Ở phụ nữ mãn kinh, sự suy giảm nội tiết tố nữ làm giảm khả năng hấp thụ canxi vào xương, khiến họ dễ bị loãng xương hơn so với nam giới. Những người từng bị chấn thương xương khớp, béo phì hoặc mắc các bệnh về chuyển hóa cũng có nguy cơ gặp các vấn đề về khớp xương khi về già.
Khi bước qua tuổi 50, hầu hết mọi người bắt đầu cảm nhận các dấu hiệu lão hóa của xương khớp, chẳng hạn như những cơn đau nhức mỏi thường xuyên, khớp co cứng vào buổi sáng, đau lưng và đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi. Các bệnh lý về xương khớp cần được điều trị kịp thời, nếu để lâu có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí làm tăng nguy cơ gãy xương ngay cả khi gặp phải chấn thương nhẹ.
2. Cách điều trị đau nhức xương khớp ở người già
2.1. Sử dụng thuốc
2.1.1. Điều trị loãng xương
Một số loại thuốc điều trị loãng xương dành cho người cao tuổi bao gồm:
- Người từ 50 tuổi trở lên nên bổ sung vitamin D với liều lượng 800 - 1.000 IU/ngày, giúp tăng khả năng hấp thụ canxi.
- Bisphosphonate: Nhóm bisphosphonate được chia thành hai loại chính là bisphosphonate không chứa amin và bisphosphonate chứa amin (như pamidronate).
2.1.2. Điều trị thoái hóa khớp
Một số thuốc điều trị thoái hóa khớp cho người cao tuổi như:
- Thuốc giảm đau acetaminophen.
- Các thuốc chống viêm không steroid như celecoxib, etoricoxib, meloxicam hoặc diclofenac chỉ nên sử dụng trong các giai đoạn tiến triển của bệnh để giảm viêm và đau. Lưu ý rằng những loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ cho dạ dày, ruột, thận, hệ tim mạch…
Trắc nghiệm: Đau nhức xương khớp ở người trẻ có nguy hiểm?
Lâu nay, nhiều người lầm tưởng bệnh đau nhức xương khớp chỉ là căn bệnh ở người trung niên, cao tuổi, những người lao động nặng. Thực tế, căn bệnh này đang diễn ra phức tạp ở cả những người trẻ.
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Vũ Tú Nam , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
2.2. Xoa bóp
Xoa bóp là một trong những cách khắc phục triệu chứng đau nhức xương khớp ở người già được áp dụng phổ biến. Một số bài tập xoa bóp như massage bằng đá nóng, khăn nóng hoặc xoa bóp yoga thái giúp thư giãn cơ và giảm nhức mỏi xương từ bên trong.
2.3. Chữa đau nhức xương khớp ở người già bằng bài thuốc dân gian
Trong dân gian có nhiều bài thuốc giúp giảm đau nhức xương khớp hiệu quả và được áp dụng rộng rãi. Một số bài thuốc dân gian bệnh nhân có thể tham khảo như chườm lá lốt, chườm ngải cứu hoặc ngâm chân với gừng.
2.4. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp khôi phục chức năng của cơ, xương và khớp mà không xâm lấn. Bệnh nhân có thể luyện tập vật lý trị liệu dạng chủ động, gồm các bài tập thể chất để tăng sức mạnh cơ bắp và sự dẻo dai cho xương khớp. Ngoài ra, bệnh nhân có thể thực hiện vật lý trị liệu dạng bị động giúp giảm cơn đau và chèn ép dây thần kinh nhờ vào sự hỗ trợ của các thiết bị như sóng âm, nhiệt….
2.5. Trị liệu thần kinh cột sống
Đây là phương pháp được giới y học đánh giá cao trong việc điều trị triệu chứng về xương khớp ở người già. Trị liệu thần kinh cột sống có khả năng tác động đúng nguyên nhân gốc rễ gây bệnh, trị dứt điểm cơn đau và mang tính an toàn cao.
2.6. Phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ được chỉ định cho những trường hợp bệnh nghiêm trọng hoặc khi áp dụng các phương pháp kể trên nhưng không có hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì thế người bệnh cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi thực hiện.
3. Những điều cần chú ý để giảm đau nhức xương khớp ở người cao tuổi
3.1. Chế độ ăn uống hợp lý
- Ăn nhiều thực phẩm chứa canxi như: Tôm, cua, ốc, sữa, phô mai...
- Ăn nhiều thực phẩm chứa axit béo omega 3 như: các loại hạt, cá...
- Tăng cường tiêu thụ các loại rau xanh như cải xanh, rau chân vịt và cải xoăn để giảm nguy cơ viêm nhiễm.
- Bổ sung thêm vitamin C và vitamin D...
3.2. Tập thể dục thường xuyên
Người cao tuổi nên tập các bài thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, tập dưỡng sinh để duy trì sự dẻo dai và linh hoạt của các khớp, đồng thời giữ cân nặng ở mức phù hợp. Vận động thường xuyên mang lại các lợi ích như:
- Bôi trơn khớp.
- Nuôi dưỡng sụn khớp.
- Bảo vệ khớp.
- Cân bằng cơ thể.
- Nâng cao sức khỏe.
- Ngăn ngừa cơn đau.
- Giảm căng thẳng.
- Cải thiện giấc ngủ.
- Giảm mệt mỏi.
3.3. Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh
Không khí lạnh có thể gây ra các cơn đau nhức xương khớp ở người già. Do đó, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể và hạn chế ra ngoài khi trời lạnh để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến xương khớp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế đa khoa chuyên thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa, thoát vị và đau nhức xương khớp. Tại Vinmec, các bệnh lý cơ xương khớp được chẩn đoán và điều trị bằng các phương pháp y học hiện đại, không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát.
Thành công này có được nhờ vào việc Vinmec luôn trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, quy trình thăm khám, điều trị được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn, đảm bảo mang lại kết quả điều trị tối ưu cho Quý khách hàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.