Trong suốt thời gian mang thai, nhiều chị em phải chịu đựng những cơn đau đầu, đau nửa đầu dai dẳng. Vậy các bà bầu có được uống thuốc đau đầu khi mang thai không? Liệu việc uống thuốc giảm đau đầu có ảnh hưởng tới thai nhi không?
1. Bà bầu có được uống thuốc đau đầu khi mang thai không?
Thống kê cho thấy có tới 26% thai phụ bị đau đầu do căng thẳng với những triệu chứng như: Đau mơ hồ, đau nửa đầu hoặc cả 2 bên, đau buốt ở 1 hoặc cả 2 mắt,...
Kiểm soát các cơn đau đầu trong và sau khi mang thai là rất cần thiết. Điều này giảm thiểu sự khó chịu về thể chất và tinh thần cho người mẹ để tránh những nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe mẹ và bé. Tuy nhiên, lựa chọn loại thuốc giảm đau đầu như thế nào thì không phải ai cũng nắm rõ.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, phụ nữ mang thai nên được hướng dẫn các phương pháp điều trị phi y tế. Đó là: Nghỉ ngơi đầy đủ, chườm lạnh, chườm nóng, xoa bóp, tập thể dục, vật lý trị liệu,... Trong trường hợp cần dùng thuốc giảm đau đầu, thai phụ cần tham vấn ý kiến bác sĩ để được chỉ định sử dụng các loại thuốc phù hợp.
Uống thuốc đau đầu có ảnh hưởng đến thai nhi không? Các loại thuốc có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Nếu có thể, tốt nhất mẹ bầu nên tránh tất cả các loại thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ (từ tuần thứ 4 - tuần thứ 10) vì đây là giai đoạn dễ xảy ra dị tật cho thai nhi nhất. Tuy nhiên, một số loại thuốc giảm đau vẫn có thể được chỉ định cho mẹ bầu sử dụng (nếu lợi ích của thuốc cho mẹ lớn hơn nguy cơ cho thai nhi). Tất nhiên, điều quan trọng nhất là thai phụ không được tự ý mua thuốc điều trị mà cần đi khám và tham vấn ý kiến của bác sĩ.
2. Phụ nữ mang thai đau đầu uống thuốc gì?
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định cho thai phụ sử dụng các loại thuốc giảm đau đầu sau:
2.1 Paracetamol
Nếu cần uống thuốc đau đầu khi mang thai, các thai phụ có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng Paracetamol. Loại thuốc này cũng có thể sử dụng cho con bú vì có độ an toàn khá cao. Tuy nhiên, như nhiều loại thuốc khác, bà bầu nên hạn chế tới mức tối đa việc phải sử dụng thuốc này. Nguyên nhân vì đã có một số dữ liệu cho thấy trẻ em có phơi nhiễm kéo dài với thuốc trong thai kỳ có thể tăng tỷ lệ hen suyễn, gặp các vấn đề về hành vi, chậm phát triển vận động và giao tiếp.
2.2 Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Các kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, diclofenac,... không nên sử dụng trong 3 tháng đầu của thai kỳ và không dùng sau tuần thứ 30 của thai kỳ, vì có thể gây một số ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi. Trong những thời điểm đó, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định bắt buộc phải sử dụng của bác sĩ.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo mẹ bầu nên dùng thuốc với liều lượng thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể. Nguyên nhân vì việc sử dụng NSAID có thể làm gia tăng nguy cơ sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể sử dụng an toàn trong thời kỳ cho con bú vì lượng thuốc đi qua sữa mẹ là rất ít.
2.3 Thuốc giảm đau Opioid
Các tài liệu y tế cho thấy thuốc giảm đau Opioid (codein, tramadol, dihydrocodeine và morphin) nên tránh sử dụng ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ. Nếu bắt buộc phải sử dụng, chỉ dùng dưới sự hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ.
3. Biện pháp thư giãn, giảm đau đầu không dùng thuốc cho bà bầu
Việc uống thuốc đau đầu khi mang thai chỉ là lựa chọn cuối cùng. Tốt nhất khi bị đau đầu, mẹ bầu trước tiên nên áp dụng các bí kíp kiểm soát cơn đau theo kinh nghiệm dân gian. Nhờ vậy, thai nhi sẽ không phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Bà bầu có thể tham khảo một vài bí kíp kiểm soát các cơn đau đầu sau đây:
- Thư giãn tinh thần: Mẹ bầu nên cố gắng giữ cho tinh thần thoải mái và thư giãn trong suốt thời gian mang thai. Tắm nước nóng chính là một trong những phương pháp thư giãn, giảm nhức đầu hiệu quả. Bên cạnh đó, bà bầu có thể thử uống 1 cốc trà gừng ấm, dành thêm thời gian nghỉ ngơi. Sau khoảng 15 - 30 phút, cơn đau đầu sẽ dịu đi đáng kể, tinh thần của bạn cũng trở nên thoải mái, vui vẻ hơn. Ngoài ra, chị em cũng có thể sử dụng các loại túi chườm hoặc tinh dầu giúp tinh thần thư giãn, giảm nhức đầu;
- Sinh hoạt lành mạnh: Mẹ bầu nên dành thêm thời gian vận động, tập luyện thể dục vừa sức. Thói quen này giúp giải tỏa áp lực, căng thẳng thần kinh và hỗ trợ việc sinh nở dễ dàng hơn. Một số bộ môn vận động phù hợp với phụ nữ mang thai là đi bộ, thiền, yoga,...;
- Dinh dưỡng cân bằng: Để kiểm soát tình trạng đau đầu khi mang thai, mẹ bầu nên quan tâm xây dựng cho mình 1 chế độ dinh dưỡng khoa học. Những thực phẩm có tác dụng kiểm soát cơn đau đầu hiệu quả là quả anh đào, khoai tây,... Mẹ bầu có thể bổ sung chúng vào thực đơn dinh dưỡng hằng ngày. Đồng thời, để hỗ trợ quá trình vận chuyển máu lên não, thai phụ nên ưu tiên đưa những thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn uống của mình.
Có thể thấy, mẹ bầu không nên uống thuốc đau đầu khi mang thai một cách bừa bãi, vì điều này có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Nếu đã áp dụng các biện pháp trị liệu tại nhà nhưng không hiệu quả, thai phụ có thể đi khám để được bác sĩ tư vấn dùng loại thuốc phù hợp với liều lượng tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.