Bệnh giang mai được biết đến là một bệnh lây qua đường tình dục có tính nguy hiểm cao với tác nhân gây bệnh là vi khuẩn xoắn Treponema Pallidum. Bệnh giang mai ở nam cũng có tính lây lan và mức độ nghiêm trọng không kém gì giang mai ở nữ giới. Cụ thể hơn, khi nam giới bị nhiễm bệnh giang mai sẽ có triệu chứng thế nào và điều trị ra sao?
1. Những thông tin tổng quan về bệnh giang mai ở nam giới
Giang mai có thể xuất hiện ở nhiều nhóm đối tượng và có khả năng phát triển đều ở cả nam giới lẫn nữ giới. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ nam giới bị bệnh giang mai gần đây đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều này đã đánh lên hồi chuông báo động yêu cầu cấp thiết mỗi người cần có sự chuẩn bị đầy đủ kiến thức cơ bản liên quan đến giang mai.
Giang mai gây ra bởi tác nhân chính là xoắn khuẩn Treponema Pallidum hay dễ gọi hơn là xoắn khuẩn giang mai, thường lây truyền từ người này sang người khác thông qua hoạt động tình dục không an toàn. Loại xoắn khuẩn này là một thực thể yếu và khi ra khỏi cơ thể, chúng rất nhanh sẽ bị tiêu diệt, đặc biệt là với môi trường ở nhiệt độ cao. Chúng cũng có thể chết nếu có sự tiếp xúc với nước cất, oxy, các chất diệt khuẩn thông thường như xà phòng, chất tẩy rửa...
Bên cạnh đó, xoắn khuẩn giang mai cũng có thể lây qua đường máu hoặc qua các vết thương hở. Thai phụ khi bị chẩn đoán mắc bệnh giang mai cũng có thể lây bệnh cho thai nhi trong bụng, dù giới tính là bé nam hay bé nữ. Tuy nhiên, giang mai sẽ không lây qua các tiếp xúc gián tiếp bên ngoài như quần áo, tay nắm cửa hay sử dụng chung bồn vệ sinh.
Đối với nam giới, đối tượng thuộc xu hướng tính dục là đồng tính / lưỡng tính sẽ có khả năng mắc bệnh giang mai cao hơn. Theo thống kê từ CDC, có đến khoảng 60% bệnh nhân nam bị giang mai ở Hoa Kỳ đã xảy ra tình dục với nam giới hoặc với cả nam và nữ giới. Ngoài ra, đối với bệnh nhân đang nhiễm HIV/AIDS, sự suy giảm miễn dịch do hội chứng này gây ra cũng khiến tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nhiều.
2. Bệnh giang mai ở nam biểu hiện triệu chứng như thế nào?
Tùy theo các giai đoạn mà bệnh giang mai ở nam sẽ có các triệu chứng cũng như mức độ triệu chứng khác nhau. Trong đó, giang mai ở nam giới phát triển thành 3 giai đoạn chính:
Giang mai ở giai đoạn đầu có triệu chứng ra sao?
Thời gian ủ bệnh giang mai ở nam thường kéo dài trung bình khoảng 21 ngày kể từ lần đầu tiếp xúc và nhiễm mầm bệnh là xoắn khuẩn giang mai. Sau thời gian ủ bệnh này, xoắn khuẩn sẽ bắt đầu tấn công và gây ra các triệu chứng cụ thể.
Triệu chứng đầu tiên nhất chính là các vết loét sẽ bắt đầu xuất hiện nhưng không gây cảm giác đau và khó chịu cho bệnh nhân, chính vì vậy hầu hết bệnh nhân đều bỏ qua việc khám và kiểm tra cụ thể nguyên nhân gây loét.
Theo thời gian, những vết loét này sẽ dần dần tự biến mất, và điều này càng khiến chúng ta thêm chủ quan ngay trong giai đoạn đầu của bệnh.
Đối với bệnh giang mai ở nam, sự hình thành các vết loét cứng và hình tròn trước hết là ở trên dương vật và vùng quy đầu. Sau khoảng 3 đến 5 ngày, bệnh nhân sẽ nhận thấy có thêm sự xuất hiện của các hạch cứng tại vị trí lân cận. Những vết loét và hạch này duy trì trong khoảng 3 đến 6 tuần và tự nhiên biến mất.
Ở giai đoạn này, nếu bệnh nhân không phát hiện cũng như uống thuốc điều trị kịp thời, xoắn khuẩn giang mai sẽ bắt đầu tấn công vào máu. Khoảng ngày thứ 10, cơ thể bắt đầu sản xuất một lượng kháng thể nhất định đổi với giang mai, có thể sử dụng các xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh.
Giang mai ở giai đoạn 2 phát triển triệu chứng ra sao?
Ở giai đoạn 2, xoắn khuẩn bắt đầu đi đến khắp nơi trên cơ thể, bao gồm niêm mạc, máu và da..., từ đó tạo ra hàng loạt các vết thương khác nhau:
- Phát ban hồng nhạt trên da với màu hồng nhạt, thường không gây đau. Các ban hồng này xuất hiện chủ yếu ở ngực, trên hai tay, trên vùng bụng và ở hai bên sườn.
- Da nổi các mảng sẩn đỏ hồng dưới dạng vảy nến hoặc mụn trứng cá, có khi là sẩn hoại tử... Khi có nhiều tác động lực đến các sẩn đỏ này, chúng sẽ vỡ và chảy nước ra ngoài, tạo cơ hội nhiễm trùng cơ hội cao hơn.
- Một số bệnh nhân cũng xuất hiện mụn cóc, phỏng nước ở những khu vực ẩm ướt trên cơ thể, đối với nam giới thường là ở phần bìu.
- Bệnh nhân thường xuyên bị cảm cúm và mệt mỏi, họng đau, đầu đau nhức, tê mỏi chân tay và cơ bắp, rụng tóc nhiều, hạch phát triển ở nhiều nơi.
- Ở một số ca bệnh giang mai ở nam, bệnh nhân cũng kèm thêm các bệnh nguy hiểm khác như viêm gan, viêm thận, viêm màng bồ đào, viêm khớp, các vấn đề viêm nhiễm ở thị giác như viêm giác mạc hay viêm thần kinh thị giác...
Giang mai ở nam trong giai đoạn 3 và triệu chứng cụ thể
Giai đoạn cuối của bệnh giang mai đến rất lâu, thậm chí từ 10 năm đến 30 năm sau lần đầu tiên tiếp xúc với xoắn khuẩn giang mai. Ở giai đoạn này, toàn bộ các cơ quan cũng như hệ cơ quan lớn nhỏ trong cơ thể đều bị xoắn khuẩn giang mai tấn công, tạo ra vô số các tổn thương ở bộ phận quan trọng như tim, não bộ, dây thần kinh, gan, xương khớp và từng mạch máu.
Bệnh giang mai ở nam trong giai đoạn cuối sẽ gây nên rất nhiều triệu chứng mang tính nghiêm trọng như:
- Dáng đi mất cân bằng, siêu vẹo, và bất thường.
- Tay và chân gần như tê liệt.
- Mất trí nhớ, mù lòa và các rối loạn tâm thần khác.
- Co giật, phình động mạch hoặc viêm động mạch.
- Bệnh nhân có thể bại liệt toàn bộ cơ thể hay thậm chí là tử vong.
3. Bác sĩ giải đáp khi bị bệnh giang mai ở nam có chữa được không?
Câu trả lời là tùy vào giai đoạn tiến triển hiện tại của bệnh. Đối với giai đoạn cuối, mọi phương pháp điều trị đều mang tính kìm hãm xoắn khuẩn và kéo dài sự sống, không thể trị bệnh dứt điểm. Trong khi đó, ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, bệnh nhân vẫn còn nhiều hy vọng trong việc điều trị giang mai.
Điều trị giang mai bằng kháng sinh là biện pháp đơn giản và thường được sử dụng nhiều nhất để điều trị bệnh giang mai nói chung, không chỉ riêng ở nam giới. Tùy theo giai đoạn bệnh đã phát triển nghiêm trọng hay chưa và tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ có nhiều cách kê toa thuốc kháng sinh khác nhau.
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể chỉ cần tiêm tĩnh mạch một đến hai liều là có thể khắc chế gần như hoàn toàn xoắn khuẩn. Tuy nhiên, nếu ở giai đoạn cuối, bệnh nhân cần phải điều trị bằng liều kháng sinh rất cao và tiêm vào tĩnh mạch ít nhất 10 ngày liên tục.
Đối với phụ nữ mang thai, cần cân nhắc một số loại kháng sinh thay thế để phòng tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi trong bụng.
Có thể nói, mặc dù đã có những loại kháng sinh và kháng sinh đồ cụ thể để điều trị giang mai, thực tế cũng có rất ít bệnh nhân tiến triển bệnh đến giai đoạn cuối trong thời đại của y học hiện đại hôm nay. Tuy nhiên, bệnh giang mai ở nam vẫn đang có tỷ lệ tăng rất nhanh trong thời gian gần đây.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.