Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Thuốc tránh thai kết hợp là biện pháp tránh thai tạm thời, chứa 2 loại nội tiết tố nữ là estrogen và progestin. Đây là biện pháp tránh thai hiệu quả và được sử dụng khá phổ biến.
1. Thuốc tránh thai kết hợp là gì?
Viên thuốc tránh thai kết hợp là biện pháp tránh thai tạm thời, chứa 2 loại nội tiết là estrogen và progestin. Sự kết hợp giữa estrogen và progestin giúp ngăn chặn sự rụng trứng, thay đổi niêm mạc của tử cung để ngăn ngừa thai nhi phát triển và thay đổi chất nhầy ở cổ tử cung để ngăn chặn tinh trùng xâm nhập. Sử dụng viên thuốc tránh thai kết hợp đòi hỏi khách hàng phải uống thuốc đều đặn. Khách hàng nhiễm HIV hay có bạn tình nhiễm HIV có thể sử dụng viên thuốc tránh thai kết hợp nhưng cần lưu ý là biện pháp ngừa thai này không giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS.
Bên cạnh được biết đến như một phương pháp ngừa thai rất hiệu quả, thuốc tránh thai dạng phối hợp Estrogen và Progestin còn được sử dụng để:
- Điều trị mụn bằng cách ức chế các chất tự nhiên là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá;
- Hạn chế các triệu chứng thể chất và cảm xúc tiền kinh nguyệt ở phụ nữ;
- Điều trị kinh nguyệt không đều, thiếu máu do hành kinh nhiều hoặc đau bụng kinh dữ dội;
- Chủ động dời ngày hành kinh;
- Đôi khi được ứng dụng chữa lạc nội mạc tử cung.
2. Cách sử dụng thuốc tránh thai kết hợp
2.1. Nếu bạn hiện đang không sử dụng biện pháp tránh thai sẽ bắt đầu uống thuốc
- Trong vòng 5 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh hoặc trong vòng 7 ngày sau phá thai/sẩy thai.
- Ở bất cứ thời điểm nào nếu biết chắc là không có thai. Cần phải sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ (như tránh giao hợp hoặc sử dụng bao cao su...) trong 7 ngày kế tiếp nếu: bắt đầu sau 5 ngày đầu của chu kỳ kinh, hoặc không có kinh, hoặc bắt đầu từ tuần thứ 4 sau sinh nếu không cho con bú và chưa có kinh trở lại.
2.2. Nếu bạn đang sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết sẽ bắt đầu uống thuốc
Ngay lập tức nếu đang sử dụng liên tục và đúng cách hoặc nếu biết chắc là không có thai hoặc ở thời điểm lặp lại mũi tiêm.
2.3. Nếu bạn đang sử dụng biện pháp tránh thai không nội tiết sẽ bắt đầu uống thuốc
- Trong vòng 5 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh. Những người đang sử dụng dụng cụ tránh thai trong tử cung có thể được lấy dụng cụ ra ở thời điểm này.
- Ở bất cứ thời điểm nào nếu biết chắc là không có thai. Nếu bắt đầu uống thuốc sau có kinh hơn 5 ngày, bạn cần phải sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp. Những chị em đang sử dụng dụng cụ tránh thai trong tử cung có thể được lấy ra ở chu kỳ kinh sau.
Cách sử dụng thuốc tránh thai kết hợp:
- Uống mỗi ngày 1 viên, nên vào giờ nhất định để dễ nhớ, theo chiều mũi tên trên vỉ thuốc (vỉ thuốc nên dán ngày để tránh quên).
- Khi hết vỉ thuốc, phải uống viên đầu tiên của vỉ tiếp theo vào ngày hôm sau dù đang còn kinh (với vỉ 28 viên) hoặc nghỉ 7 ngày rồi dùng tiếp vỉ sau, dù đang còn kinh (với vỉ 21 viên).
3. Những phụ nữ nào không nên sử dụng thuốc tránh thai kết hợp
3.1. Chống chỉ định tuyệt đối
- Đang có thai hoặc nghi ngờ có thai.
- Đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau sinh.
- Phụ nữ lớn tuổi (≥ 35 tuổi) và hút thuốc lá thường xuyên ≥ 15 điếu/ngày.
- Có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành (lớn tuổi, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp...)
- Tăng huyết áp: HA tâm thu ≥ 160 mmHg, HA tâm trương ≥ 100 mmHg).
- Đã hoặc đang bị bệnh lý tim mạch và đông máu như bệnh lý mạch máu, thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, bệnh lý đông máu, bệnh thiếu máu cơ tim, bệnh lý van tim phức tạp, tai biến mạch máu não, cơ địa huyết khối di truyền.
- Sắp phẫu thuật phải nằm trên 1 tuần.
- Đau nửa đầu (migrain).
- Đang bị ung thư vú.
- Đái tháo đường có biến chứng (thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu).
- Đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid (hoặc không làm xét nghiệm).
- Đang bị bệnh gan nặng có suy giảm chức năng gan trầm trọng như viêm gan cấp đang diễn tiến, xơ gan mất bù, u gan (ngoại trừ trường hợp tăng sinh lành tính dạng nốt-benign focal nodular hyperplasia).
3.2 Chống chỉ định tương đối
- Đang cho con bú sau sinh từ 6 tuần đến 6 tháng hoặc không cho con bú trong vòng 4 tuần sau sinh.
- Lớn tuổi (≥ 35 tuổi) và hút thuốc lá dưới 15 điếu/ngày.
- Đã hoặc đang bị tăng huyết áp: HA tâm thu từ 140 đến 159 mmHg hoặc HA tâm trương từ 90 đến 99 mmHg).
- Đã hoặc đang bị tăng lipid máu hoặc tăng cholesterol do uống thuốc tránh thai.
- Đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại.
- Sỏi mật đang điều trị nội khoa hoặc xơ gan còn bù
- Đang sử dụng một số loại thuốc như rifampicin/rifabutin, thuốc kháng virus nhóm ức chế protease Ritonavir-booster (Ritonavir-booster protease inhibitor) và một số thuốc chống co giật như phenytoin, carbamazepin, barbiturat, primidon, topiramat, oxcarbazepin hoặc lamotrigin.
4. Những tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc tránh thai kết hợp
- Rối loạn kinh nguyệt:
- Kinh nguyệt không đều: nhiều phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai gặp tình trạng kinh nguyệt không đều, tình trạng này sẽ giảm và hết sau vài tháng sử dụng thuốc.
- Mất kinh: Đây cũng là tình trạng nhiều chị em gặp phải khi sử dụng thuốc tránh thai.
- Ra máu, ra máu nhiều (từ gấp đôi bình thường trở lại) hoặc kéo dài (8 ngày trở lên)
- Nhức đầu: Bạn có thể được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau để giảm tình trạng đau đầu hoặc được khuyên chuyển sang sử dụng biện pháp tránh thai khác hay loại thuốc tránh thai khác không có estrogen nếu bạn bị đau nửa đầu (migrain) hoặc tình trạng nhức đầu trở nên trầm trọng hơn.
- Buồn nôn, chóng mặt: Nếu gặp phải tình trạng này bạn nên uống thuốc trước khi ngủ hoặc uống thuốc trong khi ăn.
- Căng ngực: Bạn có thể thử chườm ngực bằng khăn lạnh hoặc ấm. Có thể sử dụng một số thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen hay paracetamol nhưng nên có chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nổi mụn: bạn nên uống loại thuốc tránh thai khác ít nhất trong 3 tháng nếu khách hàng đã uống thuốc tránh thai nhiều tháng và tình trạng mụn vẫn không giảm hoặc gia tăng.
Để đạt hiệu quả ngừa thai cao cần phải sử dụng thêm phương pháp ngừa thai khác nếu bị nôn mửa hoặc tiêu chảy khi đang dùng thuốc tránh thai. Cần hỏi ý kiến bác sĩ để chuẩn bị một biện pháp tránh thai khác trong trường hợp cần thiết. Tiếp tục thuốc tránh thai hàng ngày ngay cả khi bạn đang rối loạn dạ dày, hoặc không nghĩ rằng bạn có khả năng mang thai. Lưu ý không tự ý ngưng dừng thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.