Trẻ bị hăm tã: Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Vùng mặc tã của con bạn bị kích thích và ửng đỏ là triệu chứng hăm tã phổ biến. Da bé cũng có thể hơi sưng và ấm khi chạm vào. Hăm tã nhẹ chỉ xuất hiện một vài đốm đỏ ở một khu vực nhỏ. Nặng hơn, vết sưng đỏ sẽ lan rộng đến bụng và đùi của bé.

1. Nguyên nhân khiến bé bị hăm tã

Hầu hết các bé đều mắc phải chứng hăm tã, đặc biệt là trong năm đầu đời. Nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ sơ sinh có thể do:

  • Ẩm ướt

Ngay cả loại tã thấm hút nhất cũng để sẽ lại hơi ẩm trên da trẻ. Khi nước tiểu của con bạn trộn với vi khuẩn từ phân, sẽ phân hủy thành amoniac gây khó chịu trên da. Đây là lý do vì sao trẻ thường xuyên đi tiêu hoặc tiêu chảy dễ bị hăm tã hơn.

Mặc dù trẻ mặc tã ướt hoặc bẩn quá lâu có nhiều khả năng bị hăm tã hơn, nhưng ngay cả khi bạn siêng năng thay tã, trẻ có làn da nhạy cảm vẫn có thể bị phát ban.

  • Kích ứng và nhạy cảm

Chứng hăm tã ở trẻ sơ sinh có thể là kết quả của việc tã cọ sát vào da của bé, đặc biệt là nếu bé nhạy cảm với hóa chất. Thành phần dễ gây kích ứng trong tã giấy dùng một lần là hương liệu nước hoa tạo mùi thơm, đối với tã vải là bột giặt bạn dùng để làm sạch. Sản phẩm sử dụng trong quá trình thay tã - như kem dưỡng ẩm hoặc phấn em bé, cũng có thể gây kích ứng cho làn da của con bạn.

  • Thức ăn mới

Giai đoạn bé bị hăm tã cũng thường là khi bắt đầu ăn dặm hoặc thử một món ăn mới. Thực phẩm mới sẽ thay đổi thành phần của phân, đặc biệt là các axit trong dâu tây và nước ép trái cây nhiều khả năng gây rắc rối cho trẻ. Thử một món ăn mới cũng có thể làm tăng tần suất đi nặng của con bạn. Nhìn chung trẻ bú sữa mẹ thường ít bị hăm tã, nhưng vẫn có nguy cơ phản ứng với những món mẹ đã ăn.

ăn dặm
Một thức ăn mới trong quá trình ăn dặm cũng khiến bé bị hăm tã
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm men

Vùng mặc tã thường ấm và ẩm ướt - là môi trường thích hợp với vi khuẩn và nấm men. Vì vậy, chúng dễ dàng sinh sôi và phát triển ở đây, dẫn đến nhiễm trùng. Loại phát ban này rất thường xuất hiện trong các ngấn, nếp gấp trên da của trẻ. Bệnh tưa miệng là một dạng nhiễm trùng nấm men miệng. Một số trẻ em mắc bệnh tưa miệng cũng bị nhiễm trùng nấm men ở khu vực mặc tã lót.

  • Kháng sinh

Trẻ em dùng thuốc kháng sinh, hoặc trẻ em có mẹ cho con bú dùng kháng sinh, đôi khi sẽ bị nhiễm nấm men. Nguyên nhân là do những loại thuốc này tiêu diệt luôn cả lợi khuẩn - vốn giữ chức năng kiểm soát nấm men và vi khuẩn có hại gây bệnh. Thuốc kháng sinh cũng có thể gây tiêu chảy, góp phần khiến bé bị hăm tã.

2. Khi nào nên đưa bé bị hăm tã đi khám bác sĩ?

Nếu phát hiện sớm và chăm sóc bé cẩn thận , bạn có thể loại bỏ phát ban trên da bé trong 3 - 4 ngày mà không cần đến bác sĩ. Nhưng hãy đưa bé đến cơ sở y tế ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng, bao gồm:

  • Phồng rộp
  • Mụn nhọt chứa đầy mủ
  • Rỉ dịch vàng
  • Lở loét

Bác sĩ có thể kê toa thuốc uống hoặc bôi kháng sinh cho con bạn. Đối với chứng hăm tã do nhiễm trùng nấm men, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống nấm có / không kê đơn hoặc thuốc mỡ.

Lưu ý, cũng nên đi khám bác sĩ nếu bé bị hăm tã kèm theo sốt hoặc phát ban không khỏi sau vài ngày điều trị tại nhà.

Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh
Nếu bị hăm tã nặng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc uống hoặc bôi kháng sinh cho trẻ

3. Trẻ bị hăm tã phải làm sao?

Nếu phát hiện bé bị hăm tã, hãy thực hiện các bước sau để chữa lành da cho con bạn:

  • Giữ trẻ luôn sạch sẽ và khô ráo bằng cách thay tã thường xuyên, bao gồm thức dậy giữa đêm để thay tã
  • Rửa sạch vùng tã mỗi lần thay. Không dùng khăn giấy ướt có chứa cồn hoặc nước hoa. Thay vào đó, bạn có thể dùng bông gòn và một chai xịt hoặc chậu nước ấm để vệ sinh nhẹ nhàng cho bé.
  • Vỗ nhẹ lên da bé, không chà xát khi làm vệ sinh.
  • Sử dụng thuốc mỡ tạo để bảo vệ làn da khỏi kích ứng bởi phân và nước tiểu. Bôi một lớp dày vừa đủ để không phải sử dụng thuốc mỡ ở mỗi lần thay tã. Cách này cũng giúp ngăn ngừa kích ứng da do cọ xát nhiều. Có một số loại thuốc mỡ tốt được bày bán rộng rãi bao gồm mỡ khoáng (vaseline) hoặc oxit kẽm.
Thuốc mỡ
Thuốc mỡ có tác dụng bảo vệ da trẻ khỏi phân và nước tiểu
  • Mặc tã hơi rộng hoặc sử dụng một cái tã lớn hơn một chút để cho phép lưu thông không khí tốt hơn. Nếu bạn sử dụng tã dùng một lần, hãy thử một nhãn hiệu khác để xem có cải thiện tình hình không. Ví dụ, có nhiều loại dành cho da nhạy cảm và tăng cường thấm hút, chống ẩm cho bé.
  • Khi thời tiết đẹp hãy cho bé ra chơi bên ngoài càng lâu càng tốt, đồng thời bỏ tã và không dùng thuốc mỡ. Tiếp xúc với không khí tự nhiên sẽ tăng tốc độ chữa lành.
  • Cân nhắc để con bạn ngủ trần khi bé đang bị phát ban. Có thể dùng nệm chống thấm hoặc lót một tấm nhựa dưới tấm vải để bảo vệ nệm.

4. Phòng ngừa hăm tã ở trẻ sơ sinh

Một số biện pháp phòng ngừa hăm tã hăm tã ở trẻ sơ sinh là:

  • Thay tã cho con thường xuyên hoặc càng sớm càng tốt sau khi tã bị ướt hoặc bẩn, mục tiêu là luôn giữ cho khu vực này khô ráo.
  • Làm sạch khu vực sinh dục của con thật cẩn thận mỗi lần thay tã.
  • Chỉ vỗ nhẹ cho da khô ráo, không bao giờ được chà xát. Bạn cũng có thể sử dụng máy sấy tóc bật ở mức thấp để làm khô vùng tã sau khi thay.
  • Nếu con dễ bị hăm tã, hãy bôi một lớp thuốc mỡ mỏng lên da bé sau mỗi lần thay tã.
  • Không sử dụng các loại phấn bột vì các hạt có thể gây hại cho phổi của trẻ nếu hít phải. Một số chuyên gia cho rằng phấn bột có thể làm cho chứng hăm tã nấm men tồi tệ hơn.
  • Khi con bạn bắt đầu ăn dặm, hãy thử từng món một. Chờ đợi một vài ngày trước khi thay đổi loại thực phẩm mới để dễ dàng xác định xem bé có nhạy cảm với món đó hay không. Nếu có, hãy tránh dùng thực phẩm đó trong thời gian này.
  • Đừng mặc tã quá chặt khiến không khí không thể lưu thông.
  • Sử dụng chất tẩy không mùi để giặt tã vải. Bỏ qua nước xả làm mềm vải vì có thể gây kích ứng da con trẻ.
  • Giặt tã bằng nước nóng, xả và vắt ít nhất 2 lần. Bạn cũng có thể thêm một nửa chén giấm vào lần giặt đầu tiên để loại bỏ các chất gây kích ứng.
  • Cho con bú càng lâu càng tốt vì hăm tã xảy ra ít hơn ở trẻ bú mẹ.
  • Khi con bạn cần dùng thuốc kháng sinh, hãy hỏi bác sĩ về việc cho bé uống một loại men vi sinh. Probiotic kích thích sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh trong ruột, nhờ đó làm giảm nguy cơ hăm tã ở trẻ sơ sinh.
  • Nếu con bạn đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo, hãy chắc chắn rằng những người chăm sóc bé hiểu tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa này.
Thay tã vải
Thường xuyên thay tã giúp trẻ không bị hăm tã

Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Nguồn tham khảo:babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan