Phát triển giác quan của bé: Vị giác

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Vị giác chính là phương tiện giúp bé làm quen với thế giới xung quanh. Khi bắt đầu ăn dặm, trẻ dùng miệng để thử các món ăn, thậm chí là các vật dụng trong nhà. Vậy trẻ sẽ phát triển vị giác như thế nào?

1. Thời điểm phát triển vị giác ở trẻ sơ sinh?

Vị giác của trẻ sơ sinh bắt đầu phát triển từ khi ở trong bụng mẹ. Khi mang thai được 9 tuần, miệng và lưỡi của bé đã hình thành cùng với các nụ vị giác đầu tiên.

Khi còn là thai nhi, trẻ bắt đầu cảm nhận các vị mặn, ngọt, cay, đắng thông qua nước ối. Nước ối được tạo ra từ cơ thể mẹ, thông quá quá trình chuyển hóa và vận chuyển thức ăn trong máu.

Sau khi chào đời, vị giác của bé tiếp tục phát triển. Bé có thể cảm nhận vị chua và ngọt nhưng yêu thích vị ngọt hơn. Điều này giải thích tại sao bé lại thích vị sữa mẹ.

Vị giác và khứu giác được liên kết với nhau và cùng tiếp tục phát triển khi bé chào đời. Bé có thể ngửi thấy mùi sữa, thậm chí là sự khác biệt giữa sữa mẹ và các bà mẹ khác.

Sữa mẹ có tự hết khi không cho con bú?
Trẻ sơ sinh rất yêu thích sữa mẹ

2. Vị giác của trẻ sơ sinh tiếp tục phát triển như thế nào?

Vị giác phát triển rất tốt khi bé mới sinh và sẽ ngày càng hoàn thiện khi lớn dần.

2.1. Giai đoạn sơ sinh đến 3 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, vị giác của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm. Trên thực tế, trẻ nhỏ có sự phân bố nụ vị giác rộng hơn người trưởng thành. Ở trẻ sơ sinh, nụ vị giác có thể được tìm thấy trên amidan, mặt sau của cổ họng và lưỡi.

Trong ba tháng đầu sau sinh, trẻ có thể phân biệt được vị ngọt và vị đắng. Trẻ thích vị ngọt, đặc biệt là vị của sữa mẹ.

Trẻ 3 tháng tuổi
Trẻ 3 tháng tuổi đã bắt đầu biết được vị ngọt và đắng

2.2. Giai đoạn 3 đến 6 tháng tuổi

Đến 3 tháng tuổi, lưỡi của trẻ đã phát triển. Bố mẹ có thể quan sát thấy trẻ bắt đầu dùng lưỡi để ngậm đồ chơi hoặc chăn gối. Điều này khẳng định sự tò mò của trẻ trong việc cảm nhận mùi vị từ các vật dụng xung quanh.

Khi bé được 5 tháng tuổi, vị giác phát triển thêm, bé bắt đầu phản ứng rõ ràng hơn với vị mặn. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không nên vì thế mà cho trẻ ăn mặn ở giai đoạn này.

2.3. Giai đoạn 6 đến 12 tháng tuổi

Sau 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu được cho ăn thức ăn dặm. Trẻ có thể ngay lập tức thích một số loại thức ăn và từ chối số còn lại. Lời khuyên cho các bậc cha mẹ là nên cho trẻ ăn ít nhất 8 lần trước khi quyết định trẻ không thích món ăn đó.

Đến khoảng 7 tháng hoặc 8 tháng tuổi, trẻ bắt đầu thử thức ăn bằng tay. Đây là cơ hội để các bà mẹ cho trẻ thử các vị mới từ các loại trái cây và rau củ mềm.

ăn dặm ở trẻ sinh non
Ở giai đoạn này trẻ đang bắt đầu với việc ăn dặm

3. Liệu trẻ có thừa hưởng sở thích ăn uống từ gia đình?

Sở thích ăn uống của bé bị ảnh hưởng bởi tất cả các yếu tố, trong đó chỉ một số là do di truyền.

Em bé có khả năng ăn và thích rất nhiều loại thức ăn, không kể các món mà các bà mẹ thường ăn trong quá trình mang thai hay các món ăn mới. Do đó, bạn nên cho trẻ thử nhiều loại thức ăn.

Bé dễ bắt chước phản ứng của các bà mẹ với các loại thức ăn. Do đó, các bà mẹ nên che giấu cảm xúc đối với một số món ăn không yêu thích khi cho bé ăn, đặc biệt là các món ăn lành mạnh.

Thời gian cho con bú cũng tác động đến sự đa dạng ăn uống của trẻ khi lớn lên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hương vị khác nhau có trong sữa mẹ có tác động tích cực đến vị giác của trẻ sơ sinh, giúp trẻ cởi mở hơn với các món ăn khác khi lớn lên.

Vị giác của trẻ
Vị giác của trẻ có thể bị ảnh hưởng từ người mẹ

4. Làm thế nào để giúp trẻ ăn uống đa dạng hơn?

Trẻ có xu hướng thích các món ăn đã quen ăn khi còn nhỏ. Do đó, ở giai đoạn này, gia đình nên cho em bé thử nhiều loại thức ăn với nhiều vị khác nhau. Lần đầu cho bé ăn dặm, bạn nên chọn trái cây hoặc rau củ xay nhuyễn. Sau đó, mới dần cho trẻ ăn các món ăn mới.

Trẻ sơ sinh không nhất thiết lúc nào cũng phải ăn các loại thức ăn nhạt nhẽo. Nếu gia đình muốn thay đổi khẩu vị, hãy tìm và xem các video hướng dẫn tự chế biến các món ăn “mạo hiểm” hơn đối với trẻ nằm trong danh mục cho phép.

Tốc độ cảm nhận thức ăn của trẻ có thể khác với người lớn. Do đó, hãy để bé từ từ làm quen với các món ăn. Ban đầu, đối với một số vị, có thể trẻ sẽ nếm rồi nhả ra, nhưng dưới sự khuyến khích của gia đình, trẻ sẽ dần quen và thử nhiều món ăn khác nhau khi lớn dần.

Gia đình không nên cho muối và đường vào thức ăn của trẻ. Vì lúc này, thận chưa sẵn sàng để lọc các loại thức ăn chứa 2 loại gia vị này. Ngoài ra, thức ăn chứa muối và đường cũng làm giảm cảm giác ngon miệng của trẻ với các món ăn lành mạnh hơn.

Nhóm đường, muối
Không nên cho muối và đường vào thức ăn của trẻ

5. Tại sao trẻ luôn thử cho mọi thứ vào miệng?

Bé sử dụng miệng như một cách để khám phá, học hỏi và cảm nhận thế giới xung quanh.

Ở trẻ sơ sinh, miệng nhạy cảm hơn bàn tay hoặc ngón tay. Nó là một cách thuận tiện để nhận biết các mùi vị khác nhau, cả thực phẩm và phi thực phẩm. Đó là lý do tại sao gia đình thường thấy trẻ nhỏ nhặt đồ chơi, sách và các đồ vật khác và ngay lập tức cho vào miệng.

Gia đình có thể lo lắng khi nghĩ rằng bé sẽ cho bất cứ thứ gì vào miệng. Tuy nhiên, trên thực tế, bé thường không cố gắng chạm vào các vật dụng sắc nhọn, bẩn thỉu hoặc nguy hiểm.

Gia đình có thể thỏa mãn nhu cầu khám phá của trẻ bằng cách đưa ra những đồ chơi thú vị và phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Đồ chơi lý tưởng nên có cấu tạo khác nhau hoặc có màu sắc thú vị, ánh sáng hoặc tiếng động. Khi được 12 đến 18 tháng tuổi, bé ít sử dụng miệng để khám phá và nhận biết các đồ vật hơn.

Trẻ phát triển vị giác rất nhanh chóng để khám phá thế giới xung quanh. Cha mẹ có thể để con thoải mái vận động, chế biến đa dạng món ăn để trẻ phát triển vị giác. Tuy nhiên, mẹ cần chú ý, tránh để trẻ đến gần các khu vực có ổ điện, đồ vật sắc nhọn, phích nước nóng,... để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan