Mã ICD bệnh tay chân miệng và đặc điểm sinh lý của bệnh

Bệnh tay chân miệng thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng điển hình bao gồm sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và vùng mông, đầu gối. Vậy mã ICD 10 bệnh tay chân miệng là gì và đặc điểm sinh lý bệnh tay chân miệng như thế nào?

1. Mã ICD 10 bệnh tay chân miệng là gì?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu mã ICD-10 là phiên bản thứ 10 của bảng Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan (được viết tắt là ICD), đây là bảng mã hóa y tế danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bảng mã ICD 10 có chứa các mã cho các bệnh, dấu hiệu và triệu chứng, các phát hiện bất thường, khiếu nại, hoàn cảnh xã hội và các nguyên nhân bên ngoài của thương tích hoặc bệnh tật.

Mã ICD 10 bệnh tay chân miệng là A08.4: Hand, foot and mouth disease.

2. Đặc điểm sinh lý bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, do một số chủng virus ở đường ruột gây ra. Các virus gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A6, A10, A16 và Enterovirus EV71. Các loại virus này lây lan rất nhanh qua trung gian dịch là chất tiết mũi - họng - miệng, nước bọt hay phân của bệnh nhân.

Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát vào mùa xuân hè khi thời tiết ấm và ẩm, đây là điều kiện thuận lợi cho virus nhân lên và gây bệnh.

Tất cả những người chưa từng bị bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm, cũng có một số người nhiễm virus tay chân miệng nhưng lại không có các biểu hiện ngoài da. Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở nhóm trẻ em dưới 10 tuổi, thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi.

Vì có nhiều loại virus gây ra tay chân miệng, nên một người có thể mắc bệnh này nhiều lần với nhiều chủng virus khác nhau và trẻ em không phải là ngoại lệ.

Theo y văn, có rất nhiều loại virus có thể gây ra các nốt đỏ và vết loét trong miệng. Do đó, bạn cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán xác định.

Thường bác sĩ có thể phân biệt bệnh tay chân miệng với các nhiễm virus khác dựa vào các đặc điểm sau:

  • Tuổi của người bệnh
  • Sự xuất hiện tuần tự của triệu chứng: Đầu tiên là sốt cao, sau đó là đau họng, hình thành các vết loét miệng, rồi đến bọng nước ở lòng bàn tay, tiếp đến ở lòng bàn chân.
  • Tính chất các nốt phỏng ở da, niêm mạc trong bệnh tay chân miệng nhỏ hơn nốt phỏng nước của bệnh thủy đậu và có hình dạng, màu sắc và kích thước đặc thù.
  • Bác sĩ có thể khẳng định bệnh tay chân miệng qua phân lập virus từ các tổn thương trên da.

Bệnh tay chân miệng đa số là nhẹ, bệnh có thể khỏi sau 7- 10 ngày và thường không gây ra biến chứng.

Vì virus EV71 có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... vì vậy cần làm “Xét nghiệm EV71” để xác định xem có phải virus này gây bệnh hay không và có hướng chăm sóc tích cực hơn.

Nguồn bệnh chính là người bị bệnh tay chân miệng, người lành mang virus trong các dịch tiết ở mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng nước hoặc phân của bệnh nhân.

Thời gian ủ bệnh của bệnh tay chân miệng là từ 3 - 7 ngày. Thời gian lây nhiễm bệnh bắt đầu từ vài ngày trước khi bệnh khởi phát cho đến khi hết các vết loét miệng và các phỏng nước, bệnh thường dễ lây nhất trong tuần đầu của bệnh.

Phương thức lây truyền của bệnh tay chân miệng qua hai con đường chính đó là đường “phân-miệng” và tiếp xúc trực tiếp. Tuy nhiên, chủ yếu là lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân dính trên các dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà. Đặc biệt khi bệnh nhân hắt hơi, ho, nói chuyện sẽ tạo điều kiện cho virus phát tán ra môi trường, có thể lây lan trực tiếp từ người sang người.

Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ, ...Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe