Điều gì xảy ra nếu trẻ có amidan quá lớn?

Bệnh Amidan là những bệnh tưởng chừng như đơn giản nhưng dễ để lại những hệ quả cho trẻ em. Ngoài trường hợp amidan to bẩm sinh, tình trạng amidan quá lớn, amidan sưng to liên tục còn cảnh báo mức độ viêm nhiễm nghiêm trọng, cần được khắc phục nhanh chóng nếu không có thể dẫn đến những biến chứng khó tiên lượng.

1. Vai trò của amidan

Amidan là một trong những tổ chức lympho (tổ chức bạch huyết) ở vùng mũi họng. Bao gồm tổ chức amidan khẩu cái (gọi chung là amidan), amidan đáy lưỡi, amidan ở vùng vòm mũi họng (VA) và amidan vòi. Những tổ chức này khi trẻ mới sinh ra những năm tháng đầu đời thường có tác dụng tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.

2. Vì sao trẻ em hay bị viêm amidan?

Do amidan là tổ chức miễn dịch của cơ thể nên khi có những tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, amidan sẽ có những phản ứng để chống lại những tác nhân đó. Viêm amidan cũng là một phản ứng của cơ thể đối với việc bị lạnh, nhiễm virus, vi khuẩn...từ đó tạo ra kháng thể giúp cơ thể trẻ hình thành sức đề kháng. Trẻ em cũng là đối tượng rất nhạy cảm với thời tiết, nhiệt độ nóng lạnh..v.v..


Virus là một trong những tác nhân gây bệnh viêm amidan ở trẻ em
Virus là một trong những tác nhân gây bệnh viêm amidan ở trẻ em

3. Nguyên nhân khiến amidan quá lớn

Amidan quá lớn (hay còn gọi là chứng phì đại amidan) thể hiện khi mô hạch hạnh nhân to bất thường, có thể dẫn đến khó nuốt và thở. Tình trạng phì đại amidan hoặc amidan quá lớn là một tình trạng rất phổ biến ở trẻ nhỏ có thể là do bẩm sinh, do di truyền (chứng amidan to bẩm sinh) nhưng mặt khác cũng có thể là từ những nguyên nhân sau:

  • Do viêm amidan mãn tính: Amidan quá lớn thường là hệ quả của bệnh viêm amidan mãn tính nhưng không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, để lâu ngày chuyển sang biến chứng sưng tấy amidan gây viêm amidan phì đại.
  • Do bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp: Một số bệnh mạn tính về đường hô hấp như: Hen suyễn, viêm xoang, viêm mũi mạn tính...nếu không được điều trị kịp thời cũng có thể gây bệnh.
  • Viêm nhiễm ở vùng miệng như sâu răng, viêm lợi...cũng có thể khiến amidan nhiễm khuẩn, sưng tấy, phì đại.
  • Do tạng bạch huyết quá phát: Một số cá nhân có tổ chức bạch huyết phát triển mạnh nên nhiều hạch ở cổ, họng quá phát làm hệ miễn dịch suy giảm, tạo điều kiện cho virus dễ dàng xâm nhập gây viêm và hình thành amidan phì đại.
  • Phản ứng do dị ứng: Amidan quá lớn còn có thể là hệ quả của việc cơ thể phản ứng với môi trường, hóa chất, bị dị ứng. Trong một số trường hợp khói thuốc lá và ô nhiễm không khí có thể làm cho amidan lớn hơn.
  • Phẫu thuật amidan chưa thành công: Trong một số trường hợp, việc can thiệp phẫu thuật amidan nhưng không thành công có thể khiến tổ chứng này xung huyết, sưng tấy và to lên..

Nhìn chung, nguyên nhân phổ biến nhất khiến amidan quá lớn là do tái phát bệnh và nhiễm trùng trong và xung quanh khu vực cổ họng. Do amidan sản xuất kháng thể chống lại nhiễm trùng nên khi trẻ bị bệnh, phần lớn thời gian amidan sẽ luôn bị kích thích và phản ứng to hơn bình thường.

4. Dấu hiệu trẻ bị viêm amidan quá lớn

Amidan quá lớn thường bít tắc đường thở gây ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp của trẻ. Thường trẻ sẽ có biểu hiện ngủ ngáy, khó thở, có những lúc ngưng thở lúc ngủ. Tình trạng thiếu oxy kéo dài như vậy cũng gây ảnh hưởng lên nhiều cơ quan khác nhau như thần kinh, tim, phổi, phát triển bất thường vùng sọ mặt...


Amidan quá lớn sẽ gây tắc đường thở khiến trẻ thường ngủ ngáy
Amidan quá lớn sẽ gây tắc đường thở khiến trẻ thường ngủ ngáy

Nhìn chung, các dấu hiệu phổ biến của chứng phì đại amidan (amidan quá lớn) là:

  • Hôi miệng, hơi thở của trẻ có mùi khó chịu
  • Trẻ thường xuyên thở bằng miệng
  • Trẻ ngáy to khi ngủ, thậm chí có lúc ngưng thở khi ngủ.
  • Trẻ chán ăn, giảm hứng thú ăn, không có khả năng tăng cân
  • Thường xuyên thấy mệt mỏi, suy nhược
  • Trẻ bị viêm tai mãn tính (bị giảm thính lực)
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng xoang tái phát

Amidan thường xuyên có thể gây nhiều biến chứng như viêm tế bào, áp-xe quanh amidan, áp-xe cạnh họng, nhiễm trùng vùng sau họng, viêm cầu thận, viêm cơ tim, viêm khớp....

5. Các biện pháp điều trị

Để chăm sóc con bị viêm amidan, cha mẹ có thể áp dụng tạm các biện pháp khắc phục tại nhà như sau để cho con cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Cho trẻ hít hơi nước để giảm bớt dịch mũi nhầy và thúc đẩy hệ thống thoát nước nhằm cải thiện hơi thở.
  • Kết hợp dùng nước muối ấm để súc miệng và cải thiện sự khó chịu ở vùng cổ họng. Nước muối cũng có tác dụng ngăn chặn nhiễm trùng lây lan.
  • Dùng mật ong nguyên chất (có đặc tính kháng khuẩn) và củ nghệ (đặc tính chống viêm) tạo thành hỗn hợp sệt ăn 4 lần/ngày, giúp giảm sưng và ngăn ngừa nhiễm trùng thêm.

Chứng phì đại amidan thường chỉ đòi hỏi điều trị nếu tình trạng bệnh ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt của trẻ (ăn, ngủ, thở...).. Tuy nhiên, nếu phì đại amidan gây ra bởi nhiễm trùng tiềm ẩn, cha mẹ có thể cho trẻ dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Nếu phì đại amidan từ nguyên nhân dị ứng, dùng bình xịt corticosteroid vào mũi hoặc uống thuốc kháng Histamin có thể là biện pháp khá hữu hiệu để giảm nhẹ các triệu chứng.

Ngoài ra nếu tình trạng tắc nghẽn, ngưng thở khi ngủ diễn ra theo xu hướng trầm trọng, gia đình có thể cân nhắc cho trẻ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ amidan (cắt amidan). Đây là một thủ thuật đơn giản được thực hiện bằng gây mê toàn thân, trẻ được về nhà trong ngày và hồi phục hoàn toàn trong 7-10 ngày.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là hệ thống bệnh viện uy tín, chất lượng cao trong khám, chẩn đoán và điều trị các vấn đề liên quan đến tai mũi họng, trong đó có viêm amidan. Khách hàng cần tư vấn hay hỗ trợ từ các dịch vụ chất lượng cao từ Vinmec xin vui lòng liên hệ đặt khám TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe