Cảm lạnh ở trẻ em

Bài viết bởi Bác sĩ Hồ Thị Anh Thư - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Cảm lạnh là bệnh phổ biến nhất. Cảm lạnh thường xuất hiện ở trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ và có triệu chứng kéo dài hơn người lớn.

1. Nguyên nhân gây cảm lạnh

Cảm lạnh là một nhóm các triệu chứng do một số loại virus khác nhau gây ra. Có hơn 100 loại rhinovirus khác nhau, đây là virus hàng đầu gây cảm lạnh. Các loại virus khác gây cảm lạnh bao gồm enterovirus (echovirus và coxsackievirus) và coronavirus. Do có rất nhiều loại virus gây ra các triệu chứng cảm lạnh, vì vậy một người có thể bị nhiều lần đợt cảm lạnh mỗi năm hoặc hàng chục lần trong suốt cuộc đời.

Trẻ em dưới 6 tuổi trung bình có 6 đến 8 lần cảm lạnh mỗi năm (lên đến một lần mỗi tháng, từ tháng 9 đến tháng 4), với các triệu chứng kéo dài trung bình 14 ngày. Điều này có nghĩa là một đứa trẻ có thể bị bệnh với các triệu chứng cảm lạnh từng đợt mà không có gì đáng lo ngại. Trẻ đi học nhà trẻ dường như bị cảm lạnh nhiều hơn trẻ được chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, những trẻ này khi vào trường tiểu học, trẻ ít bị cảm lạnh hơn, có lẽ vì đã được miễn dịch.

Theo mùa:

Cảm lạnh thường xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, mặc dù hầu hết các trường hợp cảm lạnh xảy ra vào những tháng mùa thu và mùa đông. Cảm lạnh không phải do khí hậu lạnh hoặc tiếp xúc với không khí lạnh.

Đường lây truyền:

Cảm lạnh lây truyền từ người sang người, do tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc với virus trong môi trường. Cảm lạnh dễ lây lan nhất trong 2 đến 4 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng.

Tiếp xúc trực tiếp:

Những người bị cảm lạnh thường mang virus cảm lạnh trên tay, có khả năng lây nhiễm cho người khác trong ít nhất hai giờ. Nếu một đứa trẻ bị cảm lạnh chạm vào một đứa trẻ hoặc người lớn khác, sau đó những đối tượng này lại chạm vào mắt, mũi hoặc miệng, chính vì vậy virus có thể lây nhiễm sang người đó.


Cảm lạnh là bệnh lý lây truyền từ người sang người
Cảm lạnh là bệnh lý lây truyền từ người sang người

Lây nhiễm từ virus trên bề mặt:

Một số vi-rút cảm lạnh có thể tồn tại 1 ngày trên các bề mặt (chẳng hạn như mặt bàn, tay nắm cửa hoặc đồ chơi).

Hít phải các hạt virus:

Các giọt chứa các virus có thể ở ngoài không khí do người cảm lạnh thở hoặc ho. Rhinovirus thường không lây truyền do tiếp xúc với các giọt nhỏ, mặc dù virus cúm và coronavirus có thể lây truyền qua các giọt nhỏ. Virus cảm lạnh thường không lây qua nước bọt.

2. Triệu chứng cảm lạnh

Các triệu chứng của cảm lạnh thường bắt đầu từ một đến hai ngày sau khi tiếp xúc. Ở trẻ em, nghẹt mũi là triệu chứng nổi bật nhất. Trẻ cũng có thể chảy nước mũi trong, vàng hoặc xanh. Sốt (nhiệt độ trên 38 ° C) thường gặp trong ba ngày đầu tiên của bệnh.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau họng, ho, khó chịu, khó ngủ và giảm cảm giác thèm ăn. Niêm mạc của mũi có thể trở nên đỏ và sưng lên, và có thể xuất hiện hạch cổ.

Các triệu chứng của cảm lạnh thường nặng nhất trong 10 ngày đầu tiên. Tuy nhiên, một số trẻ vẫn tiếp tục bị sổ mũi, nghẹt mũi và ho kéo dài hơn 10 ngày. Ngoài ra, không có gì lạ khi trẻ có thể bị đợt cảm lạnh lần thứ hai khi triệu chứng của cảm lạnh đầu tiên đang biến mất; điều này có thể khiến trẻ bị cảm lạnh kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng, đặc biệt là trong mùa thu và mùa đông. Đây không phải là nguyên nhân đáng lo ngại, trừ khi trẻ có bất kỳ triệu chứng nào nghiêm trọng sẽ được đề cập dưới đây.

Các triệu chứng của dị ứng (viêm mũi dị ứng) hơi khác so với cảm lạnh và có thể bao gồm ngứa mũi và ngứa mắt.

3. Biến chứng cảm lạnh

Hầu hết trẻ em bị cảm lạnh không có biến chứng. Tuy nhiên, cha mẹ nên lưu ý các dấu hiệu và triệu chứng của biến chứng có thể gặp.

Nhiễm trùng tai

Từ 5 đến 19% trẻ em bị cảm lạnh diễn tiến thành nhiễm trùng tai do vi khuẩn hoặc virus. Nếu một trẻ bị sốt (nhiệt độ cao hơn 38°C) sau ba ngày đầu tiên của triệu chứng cảm lạnh, thì có thể là do nhiễm trùng tai.

Hen suyễn

Cảm lạnh có thể gây ra triệu chứng thở khò khè ở trẻ chưa từng thở khò khè trước đó hoặc làm cho bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng hơn ở những trẻ có tiền sử mắc bệnh này.

Viêm xoang

Trẻ bị nghẹt mũi quá 10 ngày không cải thiện trong có thể bị nhiễm trùng xoang do vi khuẩn.

Viêm phổi

Trẻ bị sốt sau ba ngày đầu khi có các triệu chứng cảm lạnh có thể bị viêm phổi do vi khuẩn, đặc biệt nếu trẻ bị ho và thở gấp.


Cảm lạnh có thể gây ra triệu chứng thở khò khè của bệnh lý hen suyễn ở trẻ
Cảm lạnh có thể gây ra triệu chứng thở khò khè của bệnh lý hen suyễn ở trẻ

4. Điều trị cảm lạnh

Điều trị triệu chứng:

Điều trị cảm lạnh ở trẻ khác với điều trị cho người lớn. Thuốc kháng histamine, thuốc giảm nghẹt mũi, thuốc ức chế ho và thuốc long đờm, đều được bán trên thị trường để điều trị giảm triệu chứng của cảm lạnh. Tuy nhiên, có rất ít thử nghiệm lâm sàng các sản phẩm này ở trẻ, và không có nghiên cứu nào chứng minh các thuốc này đem lại lợi ích cho trẻ.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã khuyến cáo không nên sử dụng các loại thuốc này ở trẻ em dưới 6 tuổi. Các loại thuốc này không chứng minh được là có hiệu quả và có khả năng gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm. Đối với trẻ em trên 6 tuổi, thuốc cảm có thể có ít rủi ro hơn; tuy nhiên, vẫn không có lợi ích nào được chứng minh.

Cha mẹ có thể cho acetaminophen (biệt dược: Tylenol) để điều trị cho trẻ khi trẻ thấy khó chịu vì sốt trong vài ngày đầu bị cảm. Ibuprofen có thể được dùng cho trẻ em trên 6 tháng. Trẻ em dưới 18 tuổi không nên dùng aspirin.

Không khí được làm ẩm có thể cải thiện các triệu chứng nghẹt mũi và chảy nước mũi. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể thử nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý để làm loãng chất nhầy, tiếp theo dùng hút bầu để loại bỏ tạm thời chất tiết trong mũi. Trẻ lớn hơn có thể thử dùng nước muối sinh lý xịt mũi.

Mật ong có thể hữu ích đối với chứng ho về đêm ở trẻ em trên 12 tháng.

Cha mẹ nên khuyến khích con mình uống đủ chất lỏng; không cần thiết phải uống quá nhiều chất lỏng. Trẻ thường chán ăn khi bị cảm và có thể ăn ít hơn bình thường. Nếu trẻ nhỏ hoàn toàn không ăn hoặc uống trong một thời gian dài, cha mẹ nên cho trẻ đi khám.

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh không có hiệu quả trong điều trị cảm lạnh. Thuốc có thể cần thiết nếu cảm lạnh phức tạp do nhiễm trùng do vi khuẩn như nhiễm trùng tai, viêm phổi hoặc viêm xoang. Khi cha mẹ nghĩ rằng con mình diễn tiến thành những bệnh nhiễm trùng này thì nên đưa trẻ đi khám.

Việc sử dụng kháng sinh không phù hợp có thể dẫn đến kháng thuốc và nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như phản ứng dị ứng.

Phương pháp điều trị bằng thảo dược và thuốc thực phẩm chức năng

Một số sản phẩm thực phẩm chức năng, bao gồm kẽm và các sản phẩm thảo dược như echinacea (hoa cúc tím), được quảng cáo để điều trị hoặc ngăn ngừa cảm lạnh. Có một số bằng chứng cho thấy việc sử dụng dự phòng vitamin C có thể làm giảm thời gian bị cảm lạnh thông thường ở trẻ em. Ngoại trừ vitamin C, không có phương pháp điều trị nào được chứng minh là có hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng; việc sử dụng các thuốc này không được khuyến khích.


Trẻ bị cảm lạnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ Nhi khoa
Trẻ bị cảm lạnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ Nhi khoa

5. Phòng ngừa cảm lạnh

Các biện pháp vệ sinh đơn giản có thể giúp ngăn ngừa nhiễm virus cảm lạnh. Các biện pháp này bao gồm:

Rửa tay là cách cần thiết và có hiệu quả cao để ngăn ngừa sự lây lan nhiễm trùng. Tay phải được làm ướt bằng nước và xà phòng thường, và chà xát với nhau trong 15 đến 30 giây. Không nhất thiết phải sử dụng xà phòng rửa tay diệt khuẩn. Cha mẹ và trẻ nên rửa tay trước, sau khi ăn và sau khi ho, hắt hơi.

Thuốc rửa tay nhanh chứa cồn là một giải pháp thay thế tốt để khử trùng tay nếu không có bồn rửa tay. Nên thoa đều tay lên toàn bộ bề mặt bàn tay, ngón tay, cổ tay cho đến khi khô và có thể dùng nhiều lần. Có thể sử dụng các loại thuốc này nhiều lần mà không gây kích ứng da hay mất tác dụng.

Có thể khó hoặc không thể tránh hoàn toàn việc tiếp xúc những người bị bệnh, mặc dù vậy, cha mẹ đang bị bệnh nên cố gắng hạn chế tiếp xúc trực tiếp với trẻ.

Hầu hết trẻ em bị cảm lạnh không cần phải nghỉ học. Vì trẻ đã lây lan virus trước khi trẻ biểu hiện triệu chứng cảm lạnh.

Sử dụng chất tẩy rửa gia dụng diệt virus, chẳng hạn như phenol / cồn có thể giúp giảm lây truyền virus.

6. Khi nào trẻ cần đi khám?


Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, cha mẹ nên đưa trẻ khám ngay:

  • Từ chối uống bất cứ thứ gì trong thời gian dài
  • Thay đổi hành vi, bao gồm cáu kỉnh hoặc thờ ơ (giảm phản ứng)
  • Khó thở, khó thở hoặc thở gấp
  • Sốt trên 38,4 ° C kéo dài hơn ba ngày.
  • Tình trạng nghẹt mũi trở nên tồi tệ hơn hoặc không cải thiện trong vòng 10 ngày.
  • Mắt đỏ hoặc chảy ghèn vàng.
  • Có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm trùng tai (đau tai, trẻ tự cấu tai, quấy khóc).

Cha mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tin để được thăm khám và điều trị bệnh lý kịp thời
Cha mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tin để được thăm khám và điều trị bệnh lý kịp thời

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] US Food and Drug Administration. Public Health Advisory. Nonprescription cough and cold medicine use in children. FDA recommends that over-the-counter (OTC) cough and cold products not be used for infants and children under 2 years of age. www.fda.gov/Drugs/DrugSafety/PostmarketDrugSafetyInformationforPatientsandProviders/DrugSafetyInformationforHeathcareProfessionals/PublicHealthAdvisories/UCM051137 (Accessed on August 31, 2011).

[2] Gonzales R, Malone DC, Maselli JH, Sande MA. Excessive antibiotic use for acute respiratory infections in the United States. Clin Infect Dis 2001; 33:757.

[3] Heikkinen T, Järvinen A. The common cold. Lancet 2003; 361:51.

[4]Clemens CJ, Taylor JA, Almquist JR, et al. Is an antihistamine-decongestant combination effective in temporarily relieving symptoms of the common cold in preschool children? J Pediatr 1997; 130:463.

[5] Paul IM, Yoder KE, Crowell KR, et al. Effect of dextromethorphan, diphenhydramine, and placebo on nocturnal cough and sleep quality for coughing children and their parents. Pediatrics 2004; 114:e85.

[6] Cohen HA, Rozen J, Kristal H, et al. Effect of honey on nocturnal cough and sleep quality: a double-blind, randomized, placebo-controlled study. Pediatrics 2012; 130:465.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe