Cách làm sạch đờm trong họng cho trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài gây ra bệnh lý đường hô hấp. Đờm trong cổ họng là một trong những dấu hiệu bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi họng, viêm phế quản... việc làm sạch đờm trong họng giúp trẻ hạn chế nguy cơ lan xuống đường hô hấp dưới.

1. Các nguyên nhân nào khiến trẻ sơ sinh bị đờm trong họng?

Sức đề kháng của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện cho nên rất dễ bị các yếu từ bên ngoài ảnh hưởng tới cơ thể, nhất là đường hô hấp. Ngoài ra, khi bị bệnh thì khả năng loại bỏ đờm cũng kém do phản xạ ho còn yếu.

Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố có thể gây ra tình trạng đờm ở cổ họng của trẻ sơ sinh, bao gồm:

  • Viêm mũi họng: Trẻ bị viêm mũi họng có thể do dị ứng, tác nhân virus, vi khuẩn hay nấm đều khiến cho cơ thể tăng tiết dịch mũi họng để loại bỏ tác nhân gây bệnh. Dịch nhầy ở mũi khiến trẻ bị chảy mũi, ngạt mũi, nó có thể chảy xuống họng khiến trẻ bị khò khè, ho hoặc xuống đường hô hấp dưới gây viêm đường hô hấp dưới.
  • Viêm phế quản: Là tình trạng viêm và tăng tiết dịch ở cây phế quản. Khi trẻ bị viêm phế quản thường ho đờm nhiều, nặng thì thấy khó thở, thở nhanh, thở khò khè.
  • Cảm lạnh và cảm cúm: Cả hai loại này đều do virus gây ra. Nhưng các tác nhân virus khác nhau. Thường thì cảm lạnh biểu hiện nhẹ hơn và tiên lượng tốt hơn, trẻ thường xuất hiện các biện hiện như ho, sốt, chảy mũi, ngạt mũi sau khi gặp lạnh. Còn cảm cúm thì trẻ thường sốt cao, mệt mỏi, ho, đau họng, quấy khóc... nặng có thể biến chứng gây viêm đường hô dưới.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Do cơ thắt tâm vị của trẻ chưa hoàn thiện nên trẻ thường xuất hiện tình trạng trào ngược xuất hiện khi thức ăn không tiêu hóa được. Khi trẻ mắc bệnh lý này thường sẽ bị ho nhiều, nôn, dễ tổn thương niêm mạc họng và sinh đờm.
  • Một số yếu tố làm tăng nguy cơ khiến trẻ sơ sinh dễ bị đờm ở cổ họng như: Trẻ bị nhiễm lạnh, môi trường có nhiều khói thuốc lá, ô nhiễm, thời tiết quá khô hanh, thay đổi thời tiết...

2. Cách làm sạch đờm trong cổ họng cho trẻ sơ sinh

Khi trẻ sơ sinh bị đờm ở họng khiến cho bố mẹ rất lo lắng, nhưng các loại thuốc đều rất hạn chế được sử dụng cho trẻ sơ sinh khi chưa cần thiết. Để nhanh chóng làm sạch họng, loại bỏ đờm, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Bổ sung đủ chất lỏng cho trẻ

Nếu trẻ đang bú mẹ hoàn toàn dưới 6 tháng tuổi) thì có thể cho trẻ bú nhiều lần trong ngày hoặc trẻ trên 6 tháng tuổi có thể dùng được nước thì nên cho trẻ uống thêm nước mỗi ngày. Bởi khi cơ thể có đủ nước thì chất nhầy sẽ loãng hơn và bé dễ dàng loại bỏ qua việc hắt hơi, ho.

  • Hút đờm bằng dụng cụ hút mũi

Khi đờm tích tụ ở họng sẽ làm trẻ khó chịu và quấy khóc, còn có thể biến chứng viêm tai giữa hay viêm phổi. Nên bạn có thể sử dụng các dụng cụ an toàn dùng để loại bỏ đờm trong khoang mũi họng cho bé như bóng hút cao su, ống hút mũi dây mềm hay máy hút mũi. Lưu ý là các dụng cụ này luôn được làm sạch trước khi dùng và cần được giữ vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn khi dùng cho trẻ. Nên dùng riêng cho từng trẻ để tránh lây chéo.

Trước khi hút mũi, bạn có thể làm loãng đờm cho trẻ bằng cách nhỏ vào mỗi bên mũi bé vài giọt nước muối sinh lý. Đến khi hút mũi cho trẻ, bạn hãy nâng đầu của bé cao lên một chút để tránh bị sặc, hút từng bên một.

Bạn có thể lặp lại việc hút mũi 2-3 lần mỗi ngày.

  • Nhỏ nước muối sinh lý

Ngoài công dụng làm loãng đờm giúp cho việc hút mũi dễ dàng hơn, nước muối sinh lý giúp sát khuẩn mũi họng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Nhỏ 2-3 giọt vào mỗi bên mũi, rồi bế trẻ theo tư thế đứng để dịch nhầy có thể dễ dàng thoát ra.

  • Vỗ rung cho trẻ

Vỗ rung là biện pháp giúp cho đờm có thể dễ được tống ra ngoài hơn, kích thích gây ho cho trẻ nhằm loại bỏ đờm.

Đặt trẻ sao cho bạn có thể vỗ được vào vùng lưng của trẻ. Bạn khum bàn tay lại và nhẹ nhàng vỗ vào lưng trẻ để giúp long đờm đường hô hấp. Lưu ý khi vỗ rung chỉ nên vỗ nhẹ vào vùng phổi, tránh vỗ vào cột sống hay phần bụng của trẻ.

  • Đảm bảo môi trường sạch sẽ

Tránh khói thuốc lá, bụi bẩn, nấm mốc hay những thứ gì có thể gây dị ứng ở trẻ để hạn chế bệnh tái phát. Thường xuyên vệ sinh chăn, gối, quần áo của trẻ và các vật dụng khác trong nhà sạch sẽ, nhất là thảm trải nhà là nơi chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh. Làm sạch và loại bỏ tác nhân sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ trẻ sơ sinh bị bệnh đường hô hấp.

  • Sử dụng một số loại tinh dầu

Tinh dầu như tràm, sả chanh...giúp làm ấm phòng, giảm nghẹt mũi và giảm sinh đờm. Bạn có thể xông phòng bằng tinh dầu hoặc sử dụng một chút vào chăn, gối, quần áo để trẻ có thể ngửi được.

  • Giữ ấm cơ thể trẻ

Trẻ bị lạnh là một điều kiện thuận lợi cho nhiều vi sinh vật có thể gây bệnh cho trẻ và dịch nhầy sẽ tiết nhiều hơn. Một trong những biện pháp chăm sóc khi trẻ bị đờm ở họng đó là giữ cho cơ thể luôn ấm, tránh lạnh nhất là vào những tháng mùa đông.

  • Tạo ẩm cho phòng của trẻ

Nếu môi trường quá khô sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh hơn và dịch nhầy sẽ khô khó loại bỏ hơn. Do đó, việc tăng độ ẩm trong phòng của trẻ giúp giữ độ ẩm cho đường hô hấp của trẻ giúp làm loãng đờm, tạo cảm giác dễ chịu cho trẻ.

  • Các loại thảo dược

Với trẻ sơ sinh bạn có thể dùng một số công thức từ thảo dược để giúp làm loãng đờm, loại bỏ và làm sạch đờm trong họng nhanh hơn. Một số công thức bạn có thể áp dụng như:

  • Quất gừng và đường phèn: Quất theo đông y có vị chua tính ấm có tác dụng tiêu đờm. Gừng có tính ấm giúp tăng sức đề kháng, trừ hàn và giảm cảm giác buồn nôn. Bạn có thể cắt đôi quả quất bỏ nước lấy phần vỏ, thêm 1 vài lát gừng rồi thêm đường phèn hấp lên cho trẻ uống ngày 3 lần.
  • Lê, hẹ, gừng, đường phèn: Với trường hợp trẻ nhiều đờm, đờm đặc và có màu hơi vàng bạn có thể dùng công thức này. Hẹ có tính ấm, giúp trừ đờm, giải cảm hàn, mà còn có tính kháng sinh có thể loại bỏ một số loại vi khuẩn gây bệnh. Bạn có thể làm loại siro này bằng cách cắt nửa quả lê sạch thành hình hạt lựu, một nắm hẹ, thêm vài lát gừng và đường phèn rồi hấp lên. Cho trẻ dùng ngày 3 lần, nếu trẻ nhai được bạn có thể cho trẻ ăn cả miếng lê.
  • Húng chanh, quất, đường phèn: Húng chanh là một vị thuốc rất hiệu quả trong việc điều trị viêm đường hô hấp, nó có tính ấm giúp trừ đờm, sát khuẩn, giảm ho. Kết hợp với quất và đường phèn làm tăng hiệu quả tiêu đờm. Bạn có thể cho một nắm lá húng chanh, vài quả quất cắt đôi, đường phèn, thêm nước và đun sôi khoảng 10p. Có thể làm nhiều rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 3 ngày. Mỗi ngày cho trẻ uống 3 lần với nước ấm.

Bạn nên chọn những loại thảo dược sạch, nên rửa với muối trước khi làm siro cho trẻ. Trẻ dưới 1 tuổi không nên dùng mật ong vì có thể bị ngộ độc, nhưng nếu trẻ trên 1 tuổi bạn có thể thay thế đường phèn bằng mật ong nếu có giúp tăng tác dụng.

  • Massage cho trẻ

Bạn có thể dùng tinh dầu hoặc nước gừng ấm loãng để tác động lên một số vùng huyệt trên cơ thể. Điều đó giúp làm ấm cơ thể, giảm hình thành đờm trong họng cho trẻ vì theo đông y thì đờm sinh ra chủ yếu do lạnh. Các vùng bạn nên massage như sau lưng (tương ứng với huyết phế du), lòng bàn chân (huyệt dũng tuyền), khủy tay (huyệt khúc trì)... mỗi vùng nên massage 1 đến 2 phút. Kiên trì thực hiện trong vòng 7 ngày, mỗi ngày 1 lần, vừa có thể giảm sinh đờm lại có thể tăng sức đề kháng cho trẻ.

3. Khi nào cần cho trẻ đi khám?

Việc thực hiện các biện pháp ở nhà là cách làm sạch đờm trong cổ họng hiệu quả. Nhưng luôn cần theo dõi những diễn biến bất thường của trẻ, để có thể kịp thời chữa trị. Khi trẻ bị đờm ở họng kèm theo các dấu hiệu dưới đây bạn nên nhanh chóng cho trẻ tới các cơ sở y tế để khám và điều trị:

  • Đờm ở họng có màu bất thường màu xanh lá cây, nâu hoặc đỏ nâu. Có thể do nhiễm vi khuẩn hoặc có máu trong đờm.
  • Có những dấu hiệu của tình trạng suy hô hấp do đờm gây tắc nghẽn hoặc do bệnh lý nghiêm trọng như tím tái quanh vùng môi, khó thở, khò khè, thở nhanh nông, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng.
  • Nôn nhiều, ăn vào lại nôn ra.
  • Bỏ ăn, bú kém, li bì hoặc vật vã kích thích.
  • Trẻ sốt cao, nhiệt độ cơ thể trên 38,5° C và có các dấu hiệu nhiễm trùng như môi khô, hơi thở hôi, lưỡi bẩn.
  • Trẻ ho hoặc đờm kéo dài trên 2 tuần, ho quá nhiều khiến trẻ mệt mỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt và giấc ngủ của trẻ.
  • Trẻ bị chảy dịch ở tai do biến chứng viêm tai giữa.

Làm sạch đờm trong họng giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và cũng hạn chế nguy cơ bệnh diễn biến nặng lên. Cho nên, nếu thấy trẻ sơ sinh bị đờm ở mũi họng bạn hãy thực hiện các biện pháp trên để giúp loại bỏ đờm cho trẻ nhé. Ngoài ra, cũng cần theo dõi sát trẻ nếu có bất thường nên đi khám ngay để được điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe