Người có nhóm máu A nên sàng lọc ung thư dạ dày sớm, có đúng hay không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thiện Quang - Bác sĩ Nội ung Bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Theo công bố của tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (IARC), mỗi năm có khoảng 870.000 người mới mắc, 650.000 người chết do ung thư dạ dày. Có nhiều quan điểm cho rằng người có nhóm máu A sẽ có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn, vậy quan điểm này có chính xác hay không?

1. Khái niệm về ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là loại ung thư thường gặp nhất trong số các loại ung thư của đường tiêu hoá. Theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày tại Việt Nam là nam giới chiếm 19,3/100.000 người và ở nữ chiếm 9,1/100.000 người. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 40 - 60. Tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao gấp 2 lần nữ giới.

Ung thư dạ dày là do các tế bào trong dạ dày bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát. Khối tế bào đó tạo thành các khối u, có thể lan sang các khu vực khác trong cơ thể ( di căn). Ung thư dạ dày xảy ra do cơ chế sinh bệnh có liên quan đến vi khuẩn H. pylori, chế độ ăn và một số yếu tố môi trường,...

2. Có đúng là người có nhóm máu A sẽ dễ mắc ung thư dạ dày không?


Thống kê lâm sàng cho thấy có 1/3 số người mắc bệnh ung thư thuộc nhóm máu A
Thống kê lâm sàng cho thấy có 1/3 số người mắc bệnh ung thư thuộc nhóm máu A

Tính đến hiện nay, vẫn chưa có một cơ sở khoa học nào khẳng định rằng người có nhóm máu A sẽ chắc chắn bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, theo Health Sina, đặc điểm nhóm máu có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh ung thư. Các nhà nghiên cứu cho rằng nhóm máu được quy định bởi lượng kháng nguyên và kháng thể, chúng giống như một hàng rào tự nhiên chống lại sự xâm lược của các vật chất ngoại lai. Bên cạnh đấy, theo một nghiên cứu của tạp chí Dịch tễ học tại Mỹ: Người nhóm máu A có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 15-20% so với các nhóm máu khác.

Để giải thích về điều này, nhóm tác giả đã đưa ra rằng: Nguyên nhân liên quan đến vi khuẩn H.pylori, có tên đầy đủ là Helicobacter pylori. Đây là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày người. H.pylori sinh sống và phát triển trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn Helicobacter pylori có thể là nguyên nhân gây ra những tổn thương như loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày.

Những người nhóm máu A có phản ứng miễn dịch kém với vi khuẩn H.pylori và do đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Thống kê lâm sàng cho thấy, có 1/3 số người mắc bệnh ung thư thuộc nhóm máu A và chiếm nhiều nhất là ung thư dạ dày.

3. Khi nào nên đi sàng lọc ung thư dạ dày ?


Cần sàng lọc ung thư dạ dày càng sớm khi cảm thấy bụng khó chịu nhẹ như buồn non, mất cảm giác ngon miệng
Cần sàng lọc ung thư dạ dày càng sớm khi cảm thấy bụng khó chịu nhẹ như buồn non, mất cảm giác ngon miệng

Cần sàng lọc ung thư dạ dày càng sớm càng tốt khi gặp phải các triệu chứng sau đây:

  • Bụng cảm thấy khó chịu nhẹ như buồn nôn và mất cảm giác ngon miệng.
  • Khó nuốt do khối u liên quan đến phần trên của dạ dày, gần thực quản.
  • Cảm giác đầy bụng ngay cả khi chỉ dùng một lượng nhỏ thức ăn.
  • Mệt mỏi, uể oải thường xuyên.
  • Giảm cân thất thường.
  • Thiếu máu thiếu sắt.
  • Mất máu - Nôn ra máu hoặc chất giống bã cafe hoặc đại tiện phân đen hoặc ra máu.
  • Buồn nôn và nôn - Triệu chứng muộn do sự tắc nghẽn lưu thông dạ dày do ung thư tiến triển.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe