Bạn nên thoa son dưỡng môi như thế nào để trị môi nứt nẻ?

Khi môi khô đến độ nứt nẻ, các biện pháp khắc phục đơn giản như thoa son dưỡng môi hoặc uống một cốc nước lớn có lẽ là không đủ. Nếu bạn đang tìm cách khắc phục tình trạng môi nứt nẻ có thể làm theo các hướng dẫn đơn giản ở bài viết sau đây.

1. Môi nứt nẻ là gì?

Môi nứt nẻ là tình trạng đôi môi quá khô và để lộ ra những đường nứt trên bề mặt. Bên cạnh đó, nếu đôi môi xuất hiện cảm giác bỏng rát, châm chích hoặc khó chịu thì rất có thể chúng đã bị nứt nẻ nhưng chúng ta không nhìn thấy được.

Nhiều người nghĩ rằng môi nứt nẻ chỉ có thể xảy ra vào mùa đông (mùa lạnh). Nhưng nếu chúng ta không có chế độ chăm sóc đặc biệt, đôi môi hoàn toàn có thể bị khô, đau rát và đóng vảy bất cứ thời điểm nào trong năm. Tình trạng này dễ xảy ra hơn với người có thói quen liếm, cắn môi hoặc sử dụng các sản phẩm gây kích ứng và làm khô môi.

Các triệu chứng của môi nứt nẻ:

  • Môi khô;
  • Xuất hiện vết nứt, bong tróc da;
  • Môi chảy máu;
  • Đỏ;
  • Cảm giác bỏng rát, châm chích hoặc ngứa ran.

2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của môi nứt nẻ

Nhiều vấn đề khác nhau có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tác động làm môi nứt nẻ. Các nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Thời tiết khô hạn;
  • Các yếu tố làm không khí trong nhà quá khô;
  • Thiếu tuyến bài tiết dầu trên môi;
  • Không thoa son dưỡng môi phù hợp;
  • Sử dụng son môi hoặc son dưỡng gây khó chịu;
  • Sử dụng các sản phẩm làm khô môi như tinh dầu bạc hà, long não hoặc axit salicylic;
  • Thời tiết quá nắng nóng;
  • Liếm, chạm hoặc ngoáy môi quá thường xuyên;
  • Không uống đủ nước.
son dưỡng môi
Không thoa son dưỡng môi phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến môi nứt nẻ, khô.

3. Điều trị và phòng ngừa môi nứt nẻ như thế nào?

Môi của con người không có các tuyến bài tiết dầu và chúng hầu như luôn tiếp xúc với các yếu tố môi trường. Vì vậy, nếu chúng ta không chăm sóc thì hoàn toàn có thể gặp phải tình trạng môi nứt nẻ. Vậy chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ sức khỏe đôi môi?

3.1. Thoa son dưỡng môi

Một loại son dưỡng môi tốt có thể là lớp đệm bảo vệ da môi vốn đã mỏng manh khỏi các tác nhân gây hại. Người dùng nên lựa chọn và thoa son dưỡng môi có nhiều chất làm mềm.

Chọn loại son dưỡng môi có chứa petrolatum (một chất có tác dụng khóa ẩm) và dimethicone (giúp ngăn chặn các vết nứt khi môi khô). Đồng thời, bạn có thể sử dụng các sản phẩm có chức năng dưỡng môi khác như thuốc mỡ môi.

Thoa son dưỡng môi sớm và thường xuyên. Dù chọn loại sản phẩm nào thì bạn hãy thoa trước khi dùng son môi hoặc son bóng. Để tăng hiệu quả bảo vệ đôi môi, người dùng hãy thoa son dưỡng môi thường xuyên. Thông thường, bạn cần khoảng 6 - 8 lớp sơn trong ngày, vì vậy hãy thoa lớp son dưỡng môi đầu tiên vào buổi sáng, lớp cuối cùng vào ban đêm và thoa cách mỗi vài giờ trong ngày. Để thuận tiện hơn, chúng ta hãy giữ 1 thỏi son trong ví, 1 trong xe hơi, 1 tại bàn làm việc và 1 thỏi gần giường ngủ.

Các loại son dưỡng môi tự nhiên như:

  • Sáp ong;
  • Bơ hạt mỡ;
  • Bơ dừa;
  • Dầu ô liu;
  • Dầu dừa;
  • Dầu hạnh nhân;
  • Dầu jojoba;
  • Dầu tầm xuân;
  • Thoa gel từ lá nha đam tươi lên môi để làm dịu đôi môi bị đau hoặc mềm;
  • Trộn mật ong và nước hoa hồng rồi thoa lên môi khoảng 15 phút trước khi rửa sạch. Mật ong và nước hoa hồng giúp ngăn ngừa nứt nẻ và dưỡng ẩm sâu.

3.2. Bảo vệ đôi môi khi ra ngoài

Chúng ta có thói quen che chắn tay chân khi nhiệt độ giảm xuống. Vậy bạn hoàn toàn có thể làm điều tương tự cho đôi môi. Mang khăn quàng cổ khi chúng ta ra ngoài trời lạnh và hãy nhớ chọn loại son dưỡng môi có khả năng chống tia UV phổ rộng quanh năm.

3.3. Uống nhiều nước

Uống nhiều nước có rất nhiều lợi ích cho cơ thể và một trong số đó là chống lại tình trạng mất nước dẫn đến tình trạng môi nứt nẻ. Ăn các loại rau chứa nhiều nước cũng sẽ giúp tăng cường lượng nước trong cơ thể.

son dưỡng môi
Bên cạnh việc thoa son dưỡng môi, uống nhiều nước cũng là phương pháp giúp phòng ngừa môi nứt nẻ.

3.4. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà

Những thiết bị này cung cấp độ ẩm cho làn da và đôi môi. Thật tuyệt vời khi có một chiếc ở nơi làm việc cũng như ở nhà, đặc biệt là vào mùa đông. Chúng ta nên bật chế độ này vào ban đêm để bổ sung dưỡng chất cho da trong suốt thời gian ngủ nghỉ.

3.5. Hạn chế liếm môi

Mặc dù liếm môi tạo cảm giác khá dễ chịu, nhưng sự thật hành động này là điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm đối với sức khỏe đôi môi. Khi nước bọt của bạn khô đi, da môi sẽ mất nhiều độ ẩm hơn. Thay vì liếm, chúng ta hãy thoa son dưỡng môi sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn.

3.6. Đừng lột hoặc cắn da bị bong tróc

Da môi của con người rất mỏng manh. Vì vậy, lột hay cắn da môi thể khiến nó chảy máu, đau, làm chậm quá trình lành vết thương và gây kích ứng nhiều hơn.

3.7. Không tẩy tế bào chết

Tẩy tế bào chết có thể gây thêm tổn thương cho đôi môi nứt nẻ. Thay vào đó, bạn hãy thoa son dưỡng môi hoặc thuốc mỡ và bật máy tạo độ ẩm trong nhà.

son dưỡng môi
Không nên tẩy tế bào chết vì có thể gây thêm tổn thương cho đôi môi nứt nẻ. Thay vào đó, bạn hãy thoa son dưỡng môi hoặc thuốc mỡ.

3.8. Hãy lắng nghe sức khỏe đôi môi

Một số phương pháp điều trị có thể gây hại nhiều hơn lợi. Các thành phần như bạch đàn, tinh dầu bạc hà và long não có thể làm khô hoặc kích ứng môi của bạn. Do đó, hãy tránh xa các thành phần đó, đặc biệt nếu bạn là người có môi dễ bị khô, nứt nẻ.

Một số người bị dị ứng với các loại dầu và chất dưỡng ẩm có nguồn gốc thực vật như sáp ong, bơ hạt mỡ, hạt thầu dầu và dầu đậu nành có thể chuyển sang các sản phẩm làm từ petroleum.

3.9. Liên hệ với bác sĩ

Gặp bác sĩ da liễu nếu tình trạng môi nứt nẻ vẫn dai dẳng. Vết nứt nẻ không lành, mặc dù đã sử dụng son dưỡng môi thường xuyên có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc một vấn đề nghiêm trọng hơn, như ung thư hoặc một tình trạng tiền ung thư (được gọi là viêm môi hoạt hóa).

Có rất nhiều nguyên nhân khiến đôi môi trở lên nứt nẻ. Vì thế bạn có thể sử dụng son dưỡng môi và một số dưỡng chất để điều trị. Trong một số trường hợp không khỏi, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, nivea.com.au

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan