Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đau tinh hoàn bên phải hay bên trái có thể là biểu hiện bệnh lý, làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm nhu cầu tình dục và ảnh hưởng đến khả năng sinh dục của nam giới.
1. Đau tinh hoàn là bệnh gì?
Hiện tượng đau tinh hoàn thường có biểu hiện khá mơ hồ và không dễ xác định được nguyên nhân. Nhìn chung, tinh hoàn là cơ quan tương đối nhạy cảm và có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến cơn đau tức ở tinh hoàn. Các nguyên nhân có thể gồm:
Giãn tĩnh mạch tinh hoàn
Có khoảng 15 - 16% nam giới mắc phải tình trạng giãn tĩnh mạch và đám rối tĩnh mạch tinh hoàn. Điều này gây ra đau tinh hoàn bên phải hoặc bên trái. Thông thường, máu từ tinh hoàn trái được vận chuyển từ tĩnh mạch tinh hoàn trái về tĩnh mạch thận trái. Trong khi đó, máu từ tinh hoàn phải được dẫn trực tiếp từ tĩnh mạch tinh hoàn phải về tĩnh mạch chủ dưới.
Giãn tĩnh mạch tinh hoàn xảy ra khi tĩnh mạch thừng tinh không có van hoặc hệ thống van chống trào ngược gặp phải vấn đề bất thường nào đó. Tình trạng này khiến cho máu từ tĩnh mạch thận hoặc tĩnh mạch chủ dưới trào ngược trở vào tĩnh mạch, dẫn đến giãn tĩnh mạch tinh hoàn do lượng máu ứ đọng lại quanh tinh hoàn trở nên quá nhiều.
Đối với giãn tĩnh mạch tinh loại nhẹ (độ 1), bệnh nhân thường không cảm thấy đau. Nếu giãn nặng đến độ 3 thì bệnh nhân sẽ có cảm giác đau tinh hoàn bên phải hoặc bên trái, nặng và khó chịu ở vùng bìu. Trong trường hợp nghiêm trọng, cần phải tiến hành thắt tĩnh mạch bằng kỹ thuật mổ nội soi. Sau khi mổ, tinh hoàn thường vẫn giữ được kích thước và khả năng sản xuất tinh trùng như bình thường.
Viêm mào tinh hoàn
Đau tinh hoàn có thể là biểu hiện của bệnh viêm mào tinh hoàn, cơn đau diễn ra liên tục, kèm theo các triệu chứng như sốt, đỏ da ở vùng bìu, sờ thấy mào tinh sưng to, khi nắn nhẹ rất đau. Ngoài ra, bệnh nhân thường đau nhói khi giao hợp hay xuất tinh. Cơn đau còn xuất hiện ở dương vật và phần dưới của bụng, khi ở tư thế đứng hoặc đi bộ, cảm giác đau rõ rệt hơn.
Xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn là bệnh lý do tinh hoàn tự xoay quanh trục, gây ra tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm lượng máu đến tinh hoàn, dẫn đến sưng và đau tinh hoàn bên phải hoặc bên trái. Dấu hiệu của xoắn tinh hoàn là những cơn đau dữ dội và đột ngột, thường xuất hiện ở một bên tinh hoàn, kéo dài dưới 6 giờ, phần bìu sưng to, một bên tinh hoàn có thể ở vị trí cao hơn bình thường, kèm theo triệu chứng đau bụng dưới, buồn nôn và nôn.
Viêm tuyến tiền liệt mãn tính
Đau tinh hoàn bên trái hoặc phải có thể là dấu hiệu của viêm tuyến tiền liệt mãn tính. Bệnh nhân thường đau một bên tinh hoàn, cơn đau âm ỉ hoặc liên tục. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là thanh niên, hiếm gặp ở người cao tuổi.
Thoát vị bẹn
Thoát vị là tình trạng xảy ra khi một bộ phận nào đó trên cơ thể bị đẩy ra khỏi vị trí bình thường của nó trong cơ thể. Thoát vị bẹn là bệnh lý hay xảy ra ở nam giới, tại nơi tinh hoàn được nối với cơ thể. Bệnh nhân bị thoát vị bẹn thường cảm thấy tức nặng ở vùng bẹn và bìu, kèm theo cảm giác phần bìu như bị đè nặng, một bên bìu sưng to lên do ruột ở trên dồn xuống. Bìu ngày càng trở nên to hơn khi người bệnh đi lại nhiều, chạy nhảy hay làm việc nặng. Khi nằm nghỉ, khối phồng nhỏ lại hoặc thậm chí mất hẳn. Thoát vị bẹn thường phải phẫu thuật cắt bỏ và nên thực hiện càng sớm càng tốt.
Chấn thương và xuất huyết
Chấn thương và xuất huyết tinh hoàn xảy ra khi có tai nạn, có sự va đập mạnh vào tinh hoàn, dẫn đến cơn đau trầm trọng. Tình trạng này dần thuyên giảm khi bệnh nhân được nằm nghỉ ngơi tại giường hoặc phẫu thuật dẫn lưu nếu cần thiết.
Nang mào tinh hoàn
Nang mào tinh hoàn về cơ bản là một khối u nang phát triển trong ống dẫn tinh. Đa số các trường hợp u nang là lành tính vì sự hình thành của nó là do quá trình tích lũy của tinh trùng. Nếu nang mào tinh quá lớn, có thể dẫn đến cảm giác căng tức và gây đau tinh hoàn.
Ung thư tinh hoàn
Đau tinh hoàn có thể là biểu hiện của bệnh ung thư tinh hoàn. Khối ung thư phát triển trong thời gian dài, thành cục cứng trong tinh hoàn, thậm chí bệnh nhân sờ thấy cứng ở đỉnh hay mặt sau tinh hoàn, kèm theo cảm giác đau nhói, đôi khi có thêm cảm giác nặng ở vùng bẹn hoặc bìu, dẫn đến sốt. Đối với đa số những thể ung thư tinh hoàn thường gặp (chẳng hạn như ung thư tuyến tinh), nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ chữa khỏi gần như đạt 100%.
Ngoài ra, đau tinh hoàn bên trái hay bên phải cũng có thể là do các yếu tố về sinh lý như khi có sự hưng phấn tình dục, máu dồn về dương vật nhiều, ảnh hưởng đến lưu thông máu ở tinh hoàn, gây ra tình trạng căng tức; kích thích quá mức khi thủ dâm, dương vật cương cứng quá lâu khi quan hệ tình dục,...
2. Khi nào nên khám bác sĩ?
Nhiều nam giới bị đau tinh hoàn rất ngại đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, nếu nhận thấy những biểu hiện sau đây kèm theo cơn đau, nam giới nên thăm khám bác sĩ nam khoa càng sớm càng tốt:
- Phát hiện có khối u bất thường trên bìu
- Sốt
- Da bìu trở nên sưng đỏ, nóng rát hoặc mềm nhũn
- Thời gian gần đây có tiếp xúc với người bệnh quai bị
- Đau xảy ra bất ngờ và ngày càng nặng hơn
- Đau tinh hoàn kèm theo buồn nôn hoặc nôn mửa
- Vừa bị chấn thương phần bìu hoặc bộ phận sinh dục bị sưng tấy không giảm sau một giờ đồng hồ
Hầu hết các bệnh nhân đau tinh hoàn đều có thể được điều trị thành công. Ngược lại, những trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng lâu ngày không được điều trị như nhiễm nấm chlamydia có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn tinh hoàn và phần bìu, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và làm suy giảm đời sống tình dục của nam giới. Ngoài ra, xoắn tinh hoàn còn có nguy cơ gây ra hoại tử mô, dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng và thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không điều trị kịp thời.
Nam giới khi thấy mình có dấu hiệu đau tinh hoàn được khuyến cáo nên đi khám sớm. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đội ngũ bác sĩ nam học được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, cơ sở vật chất bệnh viện, hệ thống phòng khám, máy móc được trang bị hiện đại; chất lượng dịch vụ y tế chuyên nghiệp, đảm bảo sự riêng tư, thoải mái cho khách hàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.