Kali giúp cân bằng huyết áp là một trong những lời khuyên hữu ích đến từ bác sĩ dành cho bệnh nhân cao huyết áp. Một chế độ ăn giàu kali và cân bằng được với lượng natri trong cơ thể sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch, phòng ngừa các biến chứng của bệnh huyết áp.
1. Mối liên quan giữa kali và huyết áp
Kali là một trong những chất khoáng cần thiết cho cơ thể đóng vai trò là chất điện giải và cân bằng huyết áp cho cơ thể. Việc duy trì chế độ ăn nhằm cân bằng lượng natri - kali sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và cải thiện bệnh lý về huyết áp, tim mạch. Có thể nói, kali và huyết áp có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Theo các chuyên gia, chế độ ăn quá nhiều hoặc quá ít kali đều có thể tác động hai chiều đến huyết áp. Cụ thể:
- Kali giúp giảm lượng natri thông qua đường nước tiểu. Chế độ ăn uống nhiều natri là nguyên nhân lớn gây tăng huyết áp. Do đó, việc bổ sung kali sẽ giúp kiểm soát huyết áp cao. Bên cạnh đó, kali còn có tác dụng làm giảm căng thẳng trong thành mạch máu nhờ vậy, huyết áp sẽ được cân bằng. Khi cơ thể thiếu kali tăng huyết áp sẽ xuất hiện đồng thời xuất hiện một số triệu chứng như: Mệt mỏi, đau bụng, yếu cơ, chuột rút, nhịp tim không ổn định...
- Ngược lại, nếu bạn ăn nhiều thực phẩm chứa kali sẽ dẫn đến tăng kali trong máu. Điều này không có lợi cho bệnh nhân bị rối loạn thận. Các triệu chứng của tình trạng kali tích tụ trong máu thường không rõ ràng. Một số người bệnh sẽ nhận được một trong các dấu hiệu sau: Đau bụng, mạch đập thấp, yếu hoặc không đều, thậm chí là ngất xỉu.
2. Chế độ ăn giàu kali giúp cân bằng huyết áp
Lượng kali được khuyến cáo phù hợp với một trưởng thành là 4700mg/ngày. Một số thực phẩm chứa nhiều kali sẽ giúp cân bằng huyết áp như: Dưa đỏ, các loại sữa không béo hoặc ít béo, bơ, cá chim, mật đường, các loại nấm, trái cây thuộc nhà cam, đậu Hà Lan, khoai tây, cà chua, cá ngừ, cá hồi, việt quất,...Trong đó, nếu bạn bị bệnh về huyết áp nên ăn các loại quả ít ngọt.
Đồng thời, bạn cũng cần giảm thiểu một số thực phẩm không lành mạnh trong chế độ ăn như: Muối tinh, đường tinh chế... Ăn quá ngọt hoặc quá mặn là nguyên nhân mắc các bệnh về xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ và gây ra các biến chứng của cao huyết áp.
3. Các biện pháp khác giúp cân bằng huyết áp
Huyết áp không ổn định có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, bên cạnh chế độ ăn uống giàu kali, bạn cần có một lối sống lành mạnh. Việc duy trì lối sống này cần được thực hiện thường xuyên và liên tục giúp cân bằng huyết áp trong cơ thể. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích đến từ chuyên gia giúp cân bằng huyết áp từ những thay đổi nhỏ:
3.1 Tập thở
Theo các chuyên gia, việc thở đúng cách sẽ giúp điều hòa việc co giãn mạch, nhịp tim cũng được cải thiện. Nhờ vậy, huyết áp của bạn sẽ được cân bằng hơn. Bệnh nhân huyết áp nên hít thở chậm và tự kiểm soát được nhịp thở.
3.2 Tránh căng thẳng và có thời gian thư giãn
Căng thẳng là một nguy cơ dẫn đến tình trạng cao huyết áp. Do đó, bạn cần học cách kiểm soát trạng thái tinh thần, tránh việc stress quá mức và dành nhiều thời gian thư giãn hơn.
3.3 Vận động cơ thể nhẹ nhàng bằng những bài tập thể dục hoặc đi bộ
Đi bộ đem lại lợi ích cho sức khỏe tổng quát, tăng cường sức đề kháng. Duy trì thói quen đi bộ thường xuyên sẽ giúp bơm máu đi khắp cơ thể, giảm được áp lực lên động mạch.
3.4 Duy trì cân nặng bình thường
Thừa cân béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh cao huyết áp. Do đó, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân cao huyết áp phải giảm cân.
3.5 Hạn chế hoặc cắt bỏ hoàn toàn cafe và đồ uống có cồn
Cafe hoà tan được nhiều người sử dụng nhờ tính tiện lợi. Tuy nhiên trong cafe có rất nhiều thành phần đường không tốt. Khi bạn uống nhiều cafe không chỉ gây kích thích thần kinh mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề về sức khỏe. Đồ uống có cồn cũng có những tác dụng phụ tương tự như vậy.
Như vậy, kali làm giảm huyết áp là hoàn toàn đúng sự thật. Do đó, trong chế độ ăn uống bạn nên bổ sung cân bằng lượng kali với nhóm dưỡng chất khác để giúp cơ thể khỏe mạnh và đảm bảo huyết áp được ổn định.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.