Dấu hiệu ung thư bàng quang giai đoạn cuối

Ung thư bàng quang giai đoạn cuối thường có những biểu hiện rất phức tạp. Lúc này, các tế bào ung thư không còn giới hạn ở bàng quang nữa mà nó đã di căn hạch, ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận như cổ tử cung, âm đạo, tuyến tiền liệt, thành chậu,...và di căn đến các bộ phận ở xa hơn như phổi, xương, gan.

1. Ung thư bàng quang là gì?

Bàng quang là một cơ quan rỗng nằm ở vùng bụng dưới, đảm nhiệm chức năng chính là chứa nước tiểu từ thận thải ra.

Ung thư bàng quang thường khởi phát từ các tế bào mặt lót phía trong của bàng quang, kích thước khối u lớn hay nhỏ sẽ tùy thuộc vào các giai đoạn ung thư bàng quang.

Ung thư bàng quang gồm các giai đoạn:

  • Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư chỉ xảy ra trên bề mặt thành bàng quang với kích thước rất nhỏ;
  • Giai đoạn I: Ung thư ở giai đoạn này xảy ra trong lớp nội mạc của bàng quang, nhưng chưa xâm chiếm lớp cơ của thành bàng quang;
  • Giai đoạn II: Ung thư đã xâm nhập vào thành bàng quang, nhưng vẫn còn giới hạn ở bàng quang;
  • Giai đoạn III: Các tế bào ung thư đã lây lan xuyên qua thành bàng quang để xâm lấn mô xung quanh. Chúng có thể lan đến tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc tử cung hay âm đạo ở phụ nữ;
  • Giai đoạn IV: Còn gọi là ung thư bàng quang giai đoạn cuối, ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, di căn đến các cơ quan khác, như phổi, xương hoặc gan.

Phần lớn ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn sớm khi còn có thể điều trị được. Đối với những bệnh nhân bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối thì tiên lượng sống chỉ còn lại khoảng 15%.


Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang

2. Biểu hiện của ung thư bàng quang giai đoạn cuối

Các biểu hiện của ung thư bàng quang giai đoạn cuối bao gồm:

  • Tiểu ra máu: Ở giai đoạn đầu, máu chỉ xuất hiện ít trong nước tiểu, khiến nước tiểu có màu hồng hoặc vàng sậm, thậm chí có trường hợp nước tiểu không có màu bất thường, chỉ phát hiện ra máu khi làm xét nghiệm. Nhưng đến giai đoạn cuối, nước tiểu ra máu đỏ tươi. Có trường hợp không có biểu hiện gì cho đến khi tiểu ra máu, đi khám thì đã phát hiện bệnh đến giai đoạn nặng;
  • Đi tiểu liên tục nhiều lần trong ngày;
  • Tiểu khó, tiểu buốt, có những trường hợp bệnh nhân bị bí tiểu: Ở giai đoạn cuối, người bệnh ung thư bàng quang thường gặp những vấn đề vô cùng khó chịu trong tiểu tiện. Căng bàng quang, mót tiểu nhưng không đi được, gây khó chịu và đau đớn. Ngoài ra, bệnh nhân còn không kiểm soát được bàng quang của mình (rối loạn tiểu tiện);
  • Đau và chướng bụng, da nổi mẩn bất thường: Đây là những dấu hiệu của khối u đã di căn đến gan. Khi những khối u ở gan lớn, chèn ép vào các bộ phận khác khiến bệnh nhân đau đớn, bụng trướng to và cứng, da nổi mẩn, vàng da, vàng mắt;
  • Tức ngực, đau lan sâu trong xương sườn, khó thở: Khi ung thư di căn đến phổi, người bệnh thường bị tức ngực, khó thở. Để kiểm soát cảm giác khó thở, người bệnh nên giữ tâm lý bình tĩnh, điều hòa nhịp thở; người thân cần trò chuyện, trấn an bệnh nhân;
  • Ung thư di căn xương: Đau nhức trong xương và các khớp, đau cột sống, xương yếu, dễ gãy;
  • Đau lưng và đau ở vùng chậu;
  • Biểu hiện khác như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân nhanh, da xanh, chân tay lạnh, tâm lý hoảng loạn, mất ý thức

3. Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn cuối

Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn cuối rất khó khăn và phức tạp. Mục đích điều trị chính cho bệnh nhân ung thư giai đoạn này là điều trị triệu chứng bệnh, kiểm soát tránh để ung thư di căn rộng hơn, tăng tiên lượng sống cho người bệnh.

Điều trị hóa chất toàn thân, điều trị triệu chứng (chống đau, chống tắc đường tiết niệu) phổ biến cho bệnh nhân ung thư giai đoạn này.

Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang giai đoạn cuối bao gồm:

3.1 Hóa trị

Đây là một trong những phương pháp điều trị bệnh có liên quan đến hóa chất. Các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp này đầu tiên cho bệnh nhân nếu ung thư đã lan đến các khu vực xa của cơ thể.

Các thuốc sử dụng thường được điều chế dưới dạng chất lỏng, viên nén, viêm nang uống hay thuốc tiêm tĩnh mạch. Khi xâm nhập vào máu, thuốc sẽ nhắm đến các tế bào ung thư, làm suy yếu và tiêu diệt chúng.


Hóa trị điều trị ung thư bàng quang giai đoạn cuối
Hóa trị điều trị ung thư bàng quang giai đoạn cuối

Hóa trị hiện có hai loại hóa trị là cổ điển và nhắm mục tiêu:

  • Hóa trị cổ điển

Đây là phương pháp hóa trị truyền thống sử dụng thuốc gây độc cho các tế bào ung thư nhằm ức chế sự phát triển và phân chia của chúng.

Hai phác đồ hóa trị truyền thống phổ biến cho ung thư bàng quang bao gồm:

  1. Gemcitabine (Gemzar) và cisplatin;
  2. Methotrexate, vinblastine, doxorubicin (Adriamycin) và cisplatin.

Hóa trị cổ điển cũng có thể giết chết các tế bào khỏe mạnh ở nang tóc, các tế bào trong tủy xương và các tế bào lót đường tiêu hóa. Điều này khiến bệnh nhân phải đối mặt với một số biến chứng như: rụng tóc, giảm sản xuất tế bào máu, ức chế hệ thống miễn dịch, táo bón, tiêu chảy, chán ăn...

  • Liệu pháp nhắm mục tiêu

Các loại thuốc này có thể giúp hệ miễn dịch tiêu diệt protein hoặc enzyme được tạo ra bởi các tế bào ung thư để ngăn chặn sự phát triển hoặc làm giảm cơ hội lây lan. Do mục tiêu mà loại thuốc này nhắm đến là các tế bào ung thư nên bệnh nhân sẽ gặp ít tác dụng phụ hơn so với hóa trị cổ điển.

3.2 Xạ trị

Xạ trị là sử dụng tia X có năng lượng cao hoặc các loại phóng xạ khác để tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn chặn chúng phát triển.

Bức xạ sẽ được chiếu tập trung vào khu vực bị ung thư. Nó đâm xuyên vào cơ thể và phá hủy ADN của các tế bào nằm trong khối u, ngăn chặn sự nhân lên của chúng.

Hóa trị hữu ích nhất khi ung thư nằm trong một khu vực nhỏ. Vì vậy xạ trị thường chỉ được sử dụng cho người mắc ung thư bàng quang giai đoạn cuối nhằm thu nhỏ khối u trước khi họ được hóa trị.

Các tác dụng phụ của xạ trị bao gồm: khô da, lột da, buồn nôn, đau bụng...

3.3 Phẫu thuật

Trong hầu hết các trường hợp, điều trị phẫu thuật ung thư bàng quang giai đoạn cuối sẽ không điều trị khỏi ung thư hoặc cải thiện tuổi thọ cho bệnh nhân. Tuy nhiên phương pháp này có thể giúp giảm triệu chứng và làm chậm sự lây lan của bệnh ung thư. Các hạch bạch huyết đã bị tế bào ung thư xâm lấn cũng có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật.

Khi điều trị ung thư bàng quang xâm lấn bằng phẫu thuật, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bàng quang. Phẫu thuật này được gọi là cắt bàng quang.

Trường hợp phải cắt bỏ hết bàng quang, bác sĩ sẽ tạo ra một lỗ nhỏ trên thành bụng và gắn ống niệu quản với túi nhựa để đào thải nước tiểu ra ngoài.

Tùy thuộc vào mức độ tiến triển của ung thư, các bộ phận của cơ quan hoặc mô gần đó cũng có thể cần phải được loại bỏ. Điều quan trọng là bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ để nắm rõ lợi ích và nguy cơ từ phẫu thuật.

Những biến chứng tiềm ẩn của phẫu thuật bao gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên hơn do bàng quang bị thu nhỏ;
  • Vô sinh;
  • Mãn kinh sớm và rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ;
  • Suy giảm khả năng tình dục ở nam giới.

4. Chăm sóc giảm nhẹ cho người ung thư bàng quang giai đoạn cuối


Nên tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày
Nên tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày

Những bệnh nhân bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối không chỉ cần điều trị mà còn phải được chăm sóc cơ thể, tâm trí và tinh thần. Các bác sĩ, y tá, nhà tâm lý hay các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách giảm đau, kiểm soát triệu chứng, cảm xúc và có chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp để cảm thấy thoải mái hơn.

liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ nên được bắt đầu ngay từ lúc ung thư được chẩn đoán và điều trị. Một số giải pháp sau có thể giúp bệnh nhân kiểm soát tốt các triệu chứng và hạn chế tác dụng phụ của điều trị:

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Hóa trị có thể gây giảm cân và khiến người bệnh mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng. Ăn nhiều bữa trong ngày với lượng thức ăn ít hơn có thể giúp duy trì năng lượng cho cơ thể.

Người bị ung thư bàng quang giai đoạn 4 nên ăn ngũ cốc, trái cây, rau quả, cá. Cắt giảm đường và các thực phẩm chức nhiều chất béo bão hòa như xúc xích, socola, sữa nguyên chất, bơ, thịt bò...

  • Vận động nhẹ nhàng

Đi bộ, bơi lội, tập yoga, tập thể dục dưỡng sinh... có thể giúp nâng cao thể trạng, giảm mệt mỏi, căng thẳng. Các bộ môn thể dục này an toàn cho hầu hết những người bị ung thư bàng quang, nhưng trước khi thực hiện bệnh nhân nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ để có chế độ luyện tập phù hợp.

  • Sử dụng thuốc giảm đau

Giảm đau là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cho người bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối. Mỗi bệnh nhân sẽ có một mức độ đau khác nhau. Hãy mô tả chính xác cho bác sĩ biết những gì người bệnh đang trải qua để được kê toa thuốc giảm đau hiệu quả nhất.

Trong quá trình điều trị, người bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ theo lịch đã hẹn. Điều này sẽ giúp bệnh nhân có chất lượng sống tốt hơn và nâng cao được tuổi thọ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe