Chụp X quang có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Như Tú - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chụp X-quang là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán hình ảnh. Những lợi ích mà nó đem lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vấn đề đang được nhiều người quan tâm hiện nay là chụp X-quang có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không?

1. Có nên chụp X-quang thường xuyên hay không?

Chụp X-quang là phương pháp được dùng trong chẩn đoán các bệnh lý như viêm phổi, viêm khớp, gãy xương, các bệnh liên quan đến tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, cơ xương khớp... Phương pháp này không thích hợp để dùng đánh giá các mô mềm như gan vì hình ảnh ghi lại được không rõ nét.

Các bộ phận sinh dục, tủy xương, tuyến giáp và da là những bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất khi chụp X-quang. Nếu quá lạm dụng, tia X sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe bạn. Việc chụp X-quang liên tục trong thời gian ngắn có thể khiến bạn bị bỏng da, rụng tóc và có thể là tử vong, tình trạng này nếu kéo dài bạn có thể sẽ mắc ung thư và một số bệnh lý nghiêm trọng khác.

Chụp X-quang sẽ không gây hại cho sức khỏe nếu như biết cách quãng thời gian chụp hợp lý khoảng 5-7 lần/năm. Nếu 1 tuần chụp X-quang 2 lần bạn phải được bác sĩ chỉ định trong trường hợp thực sự cần thiết, không nên tự ý đi chụp hoặc quá lạm dụng.

Đối với những bệnh nhân bị bệnh nặng, yêu cầu buộc phải chụp nhiều thì nên dùng các thiết bị hiện đại để giảm thiểu và ngăn chặn những tác dụng phụ của tia X.


Chụp X quang sẽ không gây hại cho sức khỏe nếu như biết cách quãng thời gian chụp hợp lý
Chụp X quang sẽ không gây hại cho sức khỏe nếu như biết cách quãng thời gian chụp hợp lý

2. Chụp X-quang có ảnh hưởng gì tới sức khỏe?

Tia X được phát ra từ máy chụp X-quang có thể dễ dàng xuyên qua các mô mềm và chất lỏng trong cơ thể một cách dễ dàng. Tia X có tác dụng có hại đối với cơ thể.

Chụp tia X quá nhiều và kèm theo cường độ mạnh sẽ gây hại cho cơ thể con người, tổn thương các cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý và có thể khiến người bệnh tử vong.

Hiện nay, Bộ Y tế đã đưa ra những tiêu chuẩn an toàn trong việc thực hiện kỹ thuật chụp X-quang. Chụp X-quang cần được tiến hành trong điều kiện an toàn, phòng chụp, thiết bị chụp đạt tiêu chuẩn nếu không sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người. Bên cạnh đó đội ngũ kỹ thuật viên thực hiện chụp X-quang cũng cần phải được đào tạo bài bản về chuyên môn, nếu không sẽ nguy hiểm cho người bệnh.

3. Phụ nữ mang thai có nên chụp X-quang?


Phụ nữ có thai không nên chụp X quang, trừ khi bắt buộc
Phụ nữ có thai không nên chụp X quang, trừ khi bắt buộc

Nếu thực sự cần thiết, thai phụ vẫn phải được chụp X-quang để chẩn đoán các vấn đề sức khỏe. Tia X là một tia phóng xạ, sau khi đi qua cơ thể sẽ có những phản ứng không tốt cho thai nhi. Nếu chụp tia X quá nhiều và với cường độ mạnh sẽ gây tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể, thậm chí gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Sau khi thực hiện chụp X-quang, máy sẽ cho biết liều chiếu xạ vào mẹ và thai nhi là bao nhiêu để các mẹ không quá lo lắng. Nguy cơ thai nhi bị nhiễm xạ là rất thấp. Khi mang thai hoặc nghi ngờ mang thai, bạn phải nói trước cho bác sĩ để bác sĩ lưu ý hạn chế tối đa liều tia, nhằm tránh gây dị tật bẩm sinh ở trẻ.

Đối với trẻ em chụp X-quang có ảnh hưởng gì không? Đối với trẻ nhỏ, việc chụp X-quang nên được cân nhắc và hạn chế, nếu có thể thì nên thay thế bằng phương pháp khác ít ảnh hưởng hơn.

Hiện nay, chụp X-quang được sử dụng rộng rãi để thăm khám các bệnh lý. Chỉ thực hiện chụp X-quang khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo việc kỹ thuật chụp X-quang được đảm bảo an toàn, đủ tiêu chuẩn nhằm tránh những tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe