Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Như Tú - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chụp X quang là phương pháp được dùng phổ biến trong chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên nhiều thai phụ vẫn rất e dè khi chụp X quang trong thời gian đang mang thai do lo ngại tia X có thể ảnh hưởng không tốt đến em bé. Vậy cụ thể tia X được phóng ra từ kỹ thuật chụp X quang có ảnh hưởng như nào đối với thai nhi?
1. Những nguy cơ có thể gặp khi chụp X quang
Những nguy cơ có thể gặp sau một lần chụp X quang là rất hiếm. Tuy nhiên nếu chụp nhiều lần, chụp đi chụp lại trong thời gian ngắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe vì tia X có thể gây ra những tổn thương cho một số tế bào trong cơ thể và có thể tiến triển thành ung thư về sau.
Để vừa thu được hình ảnh rõ nét nhất của cơ quan cần chụp cũng như vừa đảm bảo sức khỏe người chụp thì liều bức xạ tia X luôn được giữ ở mức tối ưu nhất.
Phụ nữ đang mang thai không nên chụp X quang nếu không thực sự cần thiết vì tia X có thể sẽ gây bất thường cho thai nhi. Thường thì trước khi chụp X quang, các bác sĩ sẽ hỏi bạn có thai hay không rồi mới quyết định việc thực hiện kỹ thuật này.
2. Ảnh hưởng của tia X lên thai nhi
2.1 Cơ chế tác động của tia X lên thai nhi
Sự ảnh hưởng của tia X đối với sức khỏe của con người liên quan tới liều tia, thời gian tiếp xúc, số lần nhận tia.... Nhưng mọi người cần hiểu rằng hàng ngày chúng ta vẫn nhận nguồn bức xạ từ xung quanh, không ai có thể tránh được.
Phương pháp chụp X quang có liều thấp hơn so với bức xạ được dùng để điều trị. Vì thế, mức độ nguy hại khi tiếp xúc với tia X cũng khác nhau.
Khi thực hiện kỹ thuật chụp X quang vào các cơ quan như tim, phổi thì tia X không chiếu vào vùng bào thai. Một số tia thứ cấp có thể chạm tới nhưng với liều rất nhỏ nên không thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh thai nhi.
Theo các nghiên cứu cho thấy, nếu thai nhi nhiễm liều bức xạ từ 2-6 rad sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư về sau, với liều bức xạ từ 5-6 rad thai nhi có thể có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh.
Tia X trong chẩn đoán hầu như không làm gia tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh thai nhi tuy nhiên cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với tia X trong thời kỳ mang thai. Khi có chỉ định chụp X quang cần thông báo cho bác sĩ về thai kỳ của mình.
2.2 Mức độ ảnh hưởng của tia X lên thai nhi
Cụ thể, với một liều bức xạ như nhau, mức độ nguy hiểm của tia X gây ra với thai nhi còn tùy thuộc vào từng giai đoạn tuổi thai:
- Từ 0-1 tuần thai: tia X có thể làm chết phôi
- Từ 2-7 tuần thai: tia X có thể gây dị dạng, thai nhi chậm phát triển, nguy cơ mắc ung thư
- Từ 8-40 tuần: tia X có thể gây dị dạng, thai nhi chậm phát triển, trì trệ và có nguy cơ bị ung thư
Đối với mỗi kỹ thuật chụp (chụp X quang, chụp CT) ở các cơ quan khác nhau, tỷ lệ thương tổn thai nhi cũng sẽ có sự khác nhau với liều tia khác nhau:
- Chụp X quang vùng bụng, chậu, khung chậu, chụp CT bụng, ngực: tỷ lệ thương tổn thai nhi là 1/100 000- 1/10 000 (liều từ 0,1-1)
- Chụp X quang đầu, ngực, chụp CT cổ, đầu: tỷ lệ thương tổn thai nhi là <1/1000 000 (liều 0,001-0,0001)
- Chụp X quang cột sống, thắt lưng, chụp CT xương chậu: tỷ lệ thương tổn thai nhi từ 1/10 000- 1/1000 (liều 1-10)
- Bào thai rất ít bị ảnh hưởng bởi tia X khi ở giai đoạn 2 tuần đầu. Với liều cao hơn nhiều liều 50 millisievert, tia X mới có khả năng gây sảy thai, tức là tương đương 500 lần chụp tim phổi.
2.3 Liều tia X đối với thai nhi trong chụp X quang
- Thai nhi từ 2 đến 8 tuần: với liều chụp chẩn đoán, tia X không có khả năng gây ra dị tật, sảy thai hoặc khiến thai nhi chậm phát triển, ngoại trừ trường hợp liều trên 200 millisievert tương đương với 2000 lần chụp tim phổi.
- Thai nhi từ 8-15 tuần: lúc này hệ thần kinh trung ương của bào thai có thể nhạy cảm với ảnh hưởng của tia X nhưng liều phải trên 300 millisievert tức là tương đương 3000 lần chụp tim phổi.
- Thai nhi sau tuần 20: lúc này các cơ quan của thai nhi đã phát triển hoàn toàn, vì vậy sức chịu đựng của thai nhi với tia X lúc này cũng sẽ tốt hơn trước.
Khi chụp X quang răng cho thai phụ, thai nhi nhận một liều bức xạ khoảng 0,001 millisievert tương đương với chụp răng 100.000 lần liên tục thì thai nhi mới nhận liều 1 rad. Đồng nghĩa với việc chụp răng 500.000 lần mới đạt 50 millisievert, ngưỡng này vẫn chưa thể làm gia tăng nguy cơ nào đối với thai nhi.
Trong một số trường hợp nếu phải chụp X quang, tại các cơ quan khác thai phụ sẽ được che chắn bằng một áo chì để hạn chế sự phơi nhiễm tia X lên thai nhi.
Vẫn có một tỷ lệ nhỏ (4-6%) thai nhi bị bất thường ngay cả khi không tiếp xúc với tia X, chính vì vậy trong thời kỳ mang thai, thai phụ cần thực hiện kiểm tra, tầm soát định kỳ để phát hiện sớm những bất thường nếu có.
Để đảm bảo sự an toàn tốt nhất cho thai nhi đồng thời tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho thai phụ, cần báo cho bác sĩ nếu như đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai trước khi quyết định chụp X quang để tránh việc tiếp xúc với tia X nếu thực sự không cần thiết.
Ngoài ra nên lựa chọn các bệnh viện uy tín để tiến hành kỹ thuật chụp này, đặc biệt là với bà mẹ mang thai. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn đảm bảo sự chỉnh chu, cẩn trọng khi thực hiện các kỹ thuật chụp chiếu, đặc biệt luôn cân nhắc kỹ càng trước khi chỉ định bất kỳ phương pháp chẩn đoán hay điều trị nào để đảm bảo sự an toàn tối đa cho bệnh nhân. Đây thực là lựa chọn đáng tin cậy để thực hiện các kỹ thuật thăm khám, điều trị, đặc biệt là với bà bầu.
Khách hàng quan tâm đến kỹ thuật chụp chiếu tại Vinmec, vui lòng liên hệ với các Bệnh viện và phòng khám thuộc hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.