Biểu hiện của HIV theo từng giai đoạn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCKI Lê Hữu Đồng - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Virus HIV có thể lây truyền ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình nhiễm bệnh và nó sẽ phá hủy dần dần hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do vậy, việc phòng chống lây nhiễm HIV và điều trị sớm là rất quan trọng. Ở mỗi giai đoạn, HIV lại có những biểu hiện bệnh khác nhau, chúng ta cần tìm hiểu để có phương pháp điều trị kịp thời.

1. Giai đoạn cấp tính

giai đoạn đầu của HIV, người bệnh có thể gặp các triệu chứng giống như cảm cúm, có thể là sốt nhẹ, khoảng 37,5 - 38,5 độ C ngay sau khi bị nhiễm.

Triệu chứng này thường kéo dài khoảng một tháng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị sốt, đau đầu, suy nhược, sưng hạch đặc biệt ở cổ và bẹn sau khi nhiễm từ 2 - 4 tuần. Phản ứng của hệ miễn dịch cũng có thể khiến người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi và buồn ngủ, thường cảm thấy đau cơ, khớp hoặc buồn nôn, tiêu chảy.

Đây là thời điểm virus di chuyển vào trong máu và bắt đầu nhân rộng với số lượng lớn. Các hiện tượng viêm, sưng chính là phản ứng của hệ miễn dịch. Nhưng không phải ai nhiễm HIV cũng xuất hiện những triệu chứng này. Các xét nghiệm sàng lọc thông thường cũng không xác định được bệnh nên giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn “cửa sổ”.


Virus HIV
Virus HIV

2. Giai đoạn không có triệu chứng

Ở giai đoạn này, người sống chung với HIV có thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào. Lúc này, bạch cầu chỉ bị tiêu diệt một số lượng nhỏ không đáng kể. Nhưng thực chất, virus HIV vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nhìn bề ngoài, không ai có thể biết được bệnh nhân đã bị nhiễm HIV, ngay cả chính bản thân người bệnh (nếu chưa xét nghiệm máu). Đối với những người không sử dụng thuốc điều trị HIV, giai đoạn này có thể kéo dài từ 10 năm hoặc dài hơn, nhưng bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn. Những người phát hiện và sử dụng thuốc đúng cách mỗi ngày có thể trì hoãn tiến độ bệnh ở giai đoạn này trong nhiều thập kỷ vì thuốc có thể kìm hãm virus tấn công cơ thể.

HIV vẫn có thể lây truyền sang người khác trong giai đoạn này ngay cả khi họ không có triệu chứng nào. Và kể cả khi virus HIV trong người bệnh đang bị kìm hãm bằng thuốc điều trị thì sự lây truyền vẫn có thể xảy ra nhưng khả năng thấp hơn những người không điều trị.

Ở những giai đoạn tiếp theo, số lượng virus gia tăng, tấn công và tiêu diệt các tế bào của hệ miễn dịch mạnh mẽ và làm suy yếu cơ thể.

3. Giai đoạn có triệu chứng nhẹ

Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: Sút cân nhẹ; loét miệng; phát ban sẩn ngứa; nhiễm herpes zoster; nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái phát, ví dụ như viêm xoang hoặc viêm tai tái diễn. Đây còn gọi là giai đoạn cận AIDS.


Giai đoạn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ
Giai đoạn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ

4. Giai đoạn tiến triển nặng

Giai đoạn này còn gọi là AIDS. Đây là giai đoạn cuối cùng của nhiễm HIV và cũng là kết thúc bi thảm khó tránh khỏi ở những người bệnh. Biểu hiện lâm sàng của AIDS là các rối loạn liên quan đến suy yếu hệ miễn dịch.

Người bệnh bắt đầu nổi hạch toàn thân kèm theo đó là những cơn sốt. Cùng với đó là các hiện tượng tiêu chảy kéo dài đến hơn một tháng, cùng sự sút cân mạnh (khoảng 10% thể trọng cơ thể). Do cơ thể mất đi hàng rào bảo vệ nên bất kỳ vi khuẩn, virus nào cũng có thể dễ dàng tấn công và gây bệnh.

Vào giai đoạn này, hệ miễn dịch bị tàn phá gần hết, người bệnh dễ dàng tử vong vì các nhiễm trùng cơ hội như viêm màng não, viêm phổi, viêm ruột hoặc ung thư hạch,... Giai đoạn này thường kéo dài không quá 2 năm, có một số thuốc được dùng nhưng chỉ giúp kéo dài sự sống thêm một thời gian ngắn, không thể hoàn toàn điều trị dứt bệnh.

Khi bệnh tiến triển nặng hơn, cơ thể người bệnh chỉ còn lại “da bọc xương” do sụt cân mạnh, nấm miệng, u phổi phát triển không ngừng,... Các bệnh lý về cơ xương khớp hay viêm loét miệng, miệng bị hoại tử rất nhanh.

Ở những giai đoạn muộn về sau, khả năng sống sót sẽ thấp dần đi, cơ thể suy nhược, tiều tụy, không sức sống, khả năng tử vong cao.


AIDS là giai đoạn cuối cùng của nhiễm HIV
AIDS là giai đoạn cuối cùng của nhiễm HIV

5. Nên xét nghiệm HIV khi nào?

  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc đường âm đạo mà không dùng bao cao su với người không phải là vợ/chồng của mình.
  • Có quan hệ tình dục không an toàn (nghĩa là không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng bao cao su không đúng cách) với người tiêm chích ma túy hoặc với những người có quan hệ tình dục với nhiều người khác.
  • Tiêm chích ma túy hoặc dùng chung bơm kim tiêm với người khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tổng hợp từ nguồn: Tổ chức Y tế thế giới WHO

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe