Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng Đơn nguyên Hô hấp - Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Viêm mũi dị ứng là một bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở tuổi thanh niên và trung niên. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng thường kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Viêm mũi dị ứng đôi khi dễ nhầm với bệnh viêm xoang.
1. Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là viêm niêm mạc mũi do tiếp xúc với dị nguyên (chất/vật gây dị ứng) đường hô hấp. Đây là bệnh lành tính, nhưng lại gây nhiều bất tiện cho người bệnh, thậm chí ảnh hưởng trầm trọng tới chất lượng cuộc sống.
Viêm mũi dị ứng được chia thành 2 loại:
- Viêm mũi dị ứng theo mùa: Dựa vào thời tiết từng mùa xuất hiện các loại tạp chất trong gió như phấn hoa, nấm mốc...
- Viêm mũi dị ứng có quanh năm: Mùa nào cũng có thể bị viêm mũi dị ứng do các tác nhân như côn trùng (bọ chét, ve...), bụi trong nhà, lông súc vật nuôi trong nhà nhất là lông của mèo, chó.
Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh và do vậy ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ. Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị khoa học sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang...
Người bệnh bị viêm mũi dị ứng có nhiều triệu chứng như ngứa mũi, chảy nước mũi, đặc biệt là hắt hơi liên tục. Bệnh chuyển mạn tính có triệu chứng dễ nhầm với viêm xoang như gây nghẹt mũi thường xuyên, ù tai, nhức đầu. Một số trường hợp viêm mũi mạn tính kéo dài gây tình trạng loạn khứu giác hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi.
>>> Viêm mũi dị ứng khác gì viêm mũi thông thường? Cách điều trị hiệu quả
2. Viêm mũi dị ứng có lây không?
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý có cơ chế dị ứng, không phải bệnh truyền nhiễm - nghĩa là viêm mũi dị ứng không lây từ người sang người.
3. Làm thế nào để phòng bệnh viêm mũi dị ứng?
Viêm mũi dị ứng do rất nhiều nguyên nhân gây nên, vì vậy những người có cơ địa dị ứng cần cảnh giác với bệnh viêm mũi dị ứng. Để hạn chế mắc bệnh cần lưu ý:
- Không nên nuôi vật nuôi trong nhà (chó, mèo,...), hạn chế tối đa tiếp xúc với vật nuôi.
- Vệ sinh định kỳ đồ dùng (chăn, ga, gối, đệm, vải bọc,...) để hạn chế mạt bụi nhà phát triển, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc.
- Vệ sinh cá nhân tốt.
- Không hút thuốc, hạn chế tối đa tiếp xúc với bụi (như đeo khẩu trang khi dọn dẹp, khi ra đường,...).
- Vào thời điểm giao mùa, khi thay đổi thời tiết, cần giữ cho cơ thể đủ ấm.
Người bệnh viêm mũi dị ứng có thể điều trị bệnh bằng các nhóm thuốc sau:
- Nhóm kháng histamin: Chống ngứa mũi, chảy nước mũi, chảy nước mắt
- Nhóm corticoid hít: Dùng dạng khí xịt vào niêm mạc mũi. Corticoid xịt mũi thường có hiệu lực ngay trong vòng 24 - 48 giờ. Tuy nhiên để có hiệu lực đầy đủ cần một khoảng thời gian cần thiết (2 - 4 ngày với fluticasone, 3 - 7 ngày với budesonide). Corticoid xịt mũi không độc nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: đau đầu, viêm họng, kích ứng mũi, hắt hơi, ho, buồn nôn, phát ban da, ngứa,....
- Nhóm chống nghẹt mũi: Dung dịch natri clorid đẳng trương (0,9%) làm co mạch nên chống được nghẹt mũi, dùng cho người lớn, trẻ em, kể cả sơ sinh. Naphazolin làm cường giao cảm gây co mạch tại chỗ ở mũi nên chống nghẹt mũi. Dùng dạng nhỏ mũi 0,05 - 0,1% cho người lớn. Với trẻ em cũng gây cường giao cảm nhưng mạnh hơn, trước hết tác dụng tại chỗ gây co mạch mạnh, làm cho máu không đến niêm mạc mũi, gây hoại tử; sau đó hấp thu vào bên trong, gây nhức đầu, chóng mặt, tăng huyết áp, tim nhanh, kích động, lo âu; đặc biệt là gây co mạch ở não, tim, da đầu có thể dẫn đến tử vong.
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 15 tuổi.
- Xylometazoline: Làm co mạch chống nghẹt mũi. Dùng cho người lớn và trẻ em nhưng không quá 3 ngày. Không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Phenylephrine: làm tăng tiết adrenalin gây hiện tượng Adrenergic làm co mạch, giảm xung huyết, chống nghẹt mũi. Tuy nhiên, cũng do hiện tượng này mà làm tăng huyết áp, tăng nhãn áp, không dùng được cho người bị bệnh tăng huyết áp người đang dùng thuốc trầm cảm IMAO. Trẻ em rất nhạy cảm với phenylephrin, nhất là khi trẻ tự dùng mà không kiểm soát được liều, sẽ gây độc tại chỗ cũng như toàn thân, không nên dùng cho trẻ em. Người lớn mỗi lần chỉ dùng một bên mũi, không sử dụng quá 5 lần/ngày.
Viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp, gây nhiều bất tiện cho sinh hoạt, học tập, lao động của người bệnh, thậm chí khi không được điều trị thỏa đáng sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang,... Khi có dấu hiệu mắc bệnh, bệnh nhân nên đi thăm khám ngay để được điều trị thích hợp.