Bệnh tiểu đường loại 1: Sinh bệnh học và phòng ngừa

Mặc dù bệnh tiểu đường loại 1 thường xuất hiện trong thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên nhưng nó có thể phát triển ở người lớn. Mặc dù nghiên cứu tích cực, bệnh tiểu đường loại 1 hiện nay vẫn không có cách chữa. Điều trị tập trung vào việc quản lý lượng đường trong máu bằng insulin, chế độ ăn uống và lối sống để ngăn ngừa các biến chứng.

1. Nguyên nhân của đái tháo đường tuýp 1

Bệnh tiểu đường type 1 là tình trạng tự miễn dịch. Điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch của người bệnh tấn công nhầm và phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy sản xuất insulin gây ra các tổn thương vĩnh viễn.

Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến hiện tượng cơ thể tự tấn công tuyến tụy, có thể do di truyền và môi trường. Các yếu tố về lối sống không liên quan đến nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường type 1.

2. Cơ chế đái tháo đường type 1

Đái tháo đường type 1 là một thể bệnh nặng. Nguyên nhân là do tế bào bêta của tiểu đảo Langerhans bị tổn thương gây nên tình trạng thiếu insulin tuyệt đối.

  • Cơ chế qua trung gian miễn dịch: Quá trình tổn thương tế bào bêta là quá trình tự miễn dịch. Những cá nhân có tính mẫn cảm di truyền sẽ tăng nguy cơ bị đái tháo đường type 1 sau một tấn công của môi trường bên ngoài như (virus quai bị, sởi, coxsakie B4 và B5, retro loại C).
  • Những cá thể có mang kháng nguyên HLA B8, B15 nhất là DR3, DR4, DR3/DR4 sẽ tăng nguy cơ bị đái tháo đường type 1.

Các yếu tố môi trường trên sẽ tấn công những cá thể có tố bẩm di truyền đối với đái tháo đường type 1. Chỉ một tổn thương rất nhỏ của tế bào bêta cũng làm giải phóng ra kháng nguyên, kích thích cơ thể sinh tự kháng thể gây hoạt hoá phản ứng viêm tiểu đảo tự miễn. Các kháng nguyên có thể là GAD (glutamic acid decarboxylase) một protein Kd nằm trong bào tương của tế bào bêta. Tự kháng thể sẽ phản ứng với kháng nguyên.

Đại thực bào lympho được hoạt hoá sẽ tập trung quanh tiểu đảo của tụy gây ra phản ứng viêm. Tế bào lympho T tiết ra các hóa chất trung gian trong đó có interleukin-1 gây ảnh hưởng độc với tế bào bêta. Interleukin-1 cảm ứng hình thành các gốc tự do làm tế bào bêta bị tổn thương và phá hủy dẫn đến ngừng tiết insulin.

Đái tháo đường
Đái tháo đường type 1 là một thể bệnh nặng

3. Vai trò của hormone insulin

Insulin là một hoóc môn giúp di chuyển đường hoặc glucose vào các mô của cơ thể bạn và các tế bào sử dụng nó làm nhiên liệu cho mọi hoạt động.

Tổn thương tế bào beta của tuyến tụy nên glucose không di chuyển vào các tế bào do không có insulin nên lượng đường glucose này tích tụ trong máu và các tế bào đói năng lượng. Khi lượng đường trong máu cao, có thể dẫn đến:

  • Mất nước. Khi có nhiều đường trong máu, bạn đi tiểu nhiều hơn. Đó là cách cơ thể giải quyết vấn đề có nhiều đường trong máu, tuy nhiên khi người bệnh đi tiểu nhiều dẫn đến cơ thể bị mất nước.
  • Giảm cân. Glucose và calo đi ra ngoài khi bạn đi tiểu, đó là lý do tại sao nhiều người có lượng đường trong máu cao nhưng lại giảm cân.
  • Ketoacidosis (DKA) là một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường bị hôn mê, thậm chí dẫn tới tử vong. Khi các tế bào của bạn không nhận được glucose cần thiết cho nhu cầu năng lượng của cơ thể, thì cơ thể của bạn bắt đầu đốt cháy chất béo để tạo ra năng lượng và đi kèm với đó nó cũng đồng thời sản sinh ra xeton. Những chất hóa học mà cơ thể tạo ra khi nó phá vỡ chất béo để tạo ra năng lượng. Cơ thể thực hiện điều này khi nó không có đủ insulin để chuyển hóa glucose thành năng cần thiết cho cơ thể. Khi xeton tích tụ trong máu thì tính axit của nó mạnh lên. Đây là một dấu hiệu cảnh báo rằng bệnh tiểu đường của bạn đang nằm ngoài tầm kiểm soát.
  • Tổn thương cho cơ thể của bạn. Theo thời gian, nồng độ glucose cao trong máu có thể gây hại cho các dây thần kinh và các mạch máu nhỏ trong mắt, thận và tim của bạn. Chúng cũng có thể khiến bạn dễ bị xơ cứng động mạch, hay xơ vữa động mạch, dẫn đến đau tim và đột quỵ.

4. Phòng ngừa tiểu đường loại 1

Hiện nay, do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 1, do đó vẫn chưa có cách để phòng ngừa bệnh này. Không ai biết chắc chắn nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường loại 1, nhưng các nhà khoa học nghĩ rằng nó có liên quan đến gen, nhưng như thế vẫn chưa đủ, trong hầu hết các trường hợp, một đứa trẻ phải tiếp xúc với một thứ khác như virus, thì mới có thể mắc bệnh tiểu đường loại 1.

Bệnh tiểu đường loại 1 không phải là bệnh truyền nhiễm, vì vậy trẻ em và thanh thiếu niên không thể mắc bệnh từ người khác hoặc truyền nó cho bạn bè hoặc thành viên gia đình. Và ăn quá nhiều đường cũng không gây ra bệnh tiểu đường loại 1.

5. Điều trị đái tháo đường tuýp 1

insulin
Sử dụng insulin là một trong những phương pháp điều trị tiểu đường tuýp 1

Điều trị bệnh tiểu đường type 1 bao gồm:

  • Sử dụng insulin
  • Carbonhydrat, chất béo và protein
  • Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên
  • Sử dụng thực phẩm lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Mục tiêu là giữ cho lượng đường trong máu của bạn càng gần mức bình thường càng tốt để trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng. Nói chung, mục tiêu là giữ cho lượng đường trong máu ban ngày của bạn trước bữa ăn trong khoảng 80 đến 130 mg / dL (4,44 đến 7,2 mmol / L) và lượng đường không cao hơn 180 mg / dL (10 mmol / L) hai giờ sau khi ăn.

5.1 Insulin và các loại thuốc khác

Bất cứ ai mắc bệnh tiểu đường loại 1 đều cần điều trị bằng insulin suốt đời. Có nhiều loại insulin bao gồm:

  • Insulin tác dụng ngắn
  • Insulin tác dụng nhanh
  • Insulin tác dụng trung gian
  • Insulin tác dụng dài.

Ví dụ về insulin tác dụng ngắn bao gồm Humulin R và Novolin R. Ví dụ về insulin tác dụng nhanh là insulin glulisine (Apidra), insulin lispro (Humalog) và insulin aspart (Novolog). Insulin tác dụng dài bao gồm insulin glargine (Lantus, Toujeo Solostar), insulin detemir (Levemir) và insulin degludec (Tresiba). Insulin tác dụng trung gian bao gồm NPH insulin (Novolin N, Humulin N).

5.2 Tuyến tụy nhân tạo

Vào tháng 9 năm 2016, lần đầu tiên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê chuẩn phương pháp điều trị tụy nhân tạo cho những người mắc bệnh tiểu đường type 1 từ 14 tuổi trở lên. Thiết bị cấy ghép liên kết máy theo dõi glucose liên tục, kiểm tra lượng đường trong máu cứ sau năm phút, để bơm insulin. Thiết bị sẽ tự động cung cấp lượng insulin chính xác khi máy theo dõi cho biết khi cần thiết. Hiện nay, đang có nhiều hệ thống tuyến tụy nhân tạo vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng.

5.3 Các loại thuốc khác

Các loại thuốc bổ sung cũng có thể được kê toa cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 1, như:

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp. Bác sĩ có thể kê toa thuốc ức chế men chuyển angiotensin hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) để giúp thận của bạn khỏe mạnh hơn. Những loại thuốc này được khuyên dùng cho những người mắc bệnh tiểu đường có huyết áp trên 140/90 mm thủy ngân (mm Hg).
  • Aspirin. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng aspirin hàng ngày để bảo vệ trái tim.
  • Thuốc hạ cholesterol. Hướng dẫn về sử dụng cholesterol có xu hướng tích cực hơn đối với những người mắc bệnh tiểu đường vì nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng cao. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo rằng cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL hay còn gọi là chất bé xấu) nên dưới 100 mg dL (2,6 mmol/L). Cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL hoặc chất béo tốt) của bạn được khuyến cáo là trên 50 mg/dL (1,3 mmol/L) ở phụ nữ và trên 40 mg/dL (1 mmol/L) ở nam giới. Triglyceride, lý tưởng khi chúng dưới 150 mg / dL (1,7 mmol/L).

5.4 Theo dõi lượng đường trong máu

Tùy thuộc vào loại insulin bạn chọn hoặc được bác sĩ chỉ định, bạn có thể cần kiểm tra và ghi lại mức đường trong máu của bạn ít nhất bốn lần một ngày.

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyên bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu trước bữa ăn và bữa ăn nhẹ, trước khi đi ngủ, trước khi tập thể dục hoặc lái xe và nếu bạn nghi ngờ mình có lượng đường trong máu thấp. Theo dõi cẩn thận là cách duy nhất để đảm bảo rằng lượng đường trong máu của bạn vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của bạn và theo dõi thường xuyên hơn có thể làm giảm mức A1C.

Ngay cả khi bạn dùng insulin và tuân chủ chế độ ăn theo đúng lịch trình thì lượng đường trong máu có thể thay đổi khó lường. Bạn nên tìm hiểu và ghi lại mức độ đường trong máu của bạn thay đổi như thế nào khi sử dụng thực phẩm, hoạt động, bệnh tật, thuốc men, căng thẳng, thay đổi nội tiết tố và rượu.

5.5 Ăn uống lành mạnh và theo dõi lượng carbohydrate

Người bệnh cần tập trung vào chế độ ăn uống của bạn vào các thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất béo, giàu chất xơ như:

  • Trái cây
  • Rau
  • Các loại ngũ cốc.

Chuyên gia dinh dưỡng sẽ khuyên bạn nên ăn ít sản phẩm động vật và carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng và đồ ngọt. Chế độ ăn uống lành mạnh này được khuyến nghị ngay cả đối với những người không bị tiểu đường.

Bạn sẽ cần học cách đếm lượng carbohydrate trong thực phẩm để có thể cung cấp cho mình đủ insulin giúp chuyển hóa đúng lượng carbohydrate đó.

Ăn trái cây cũng có thể khiến bạn tăng cân
Các thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất béo, giàu chất xơ sẽ giúp tình trạng đái tháo đường cải thiện

5.6 Hoạt động thể chất

Mọi người đều cần tập thể dục thường xuyên, và những người mắc bệnh tiểu đường type 1 cũng không ngoại lệ. Trước tiên, bác sĩ đồng ý cho phép bạn tập thể dục. Sau đó bạn lựa chọn các hoạt động bạn thích, chẳng hạn như đi bộ hoặc bơi lội và biến chúng thành một phần trong thói quen hàng ngày của bạn. Đặt mục tiêu tập thể dục aerobic ít nhất 150 phút mỗi tuần, không quá hai ngày mà không cần tập thể dục, mục tiêu cho trẻ em là ít nhất một giờ mỗi ngày.

Hãy nhớ rằng hoạt động thể chất làm giảm lượng đường trong máu. Nếu bạn bắt đầu một hoạt động mới, hãy kiểm tra lượng đường trong máu của bạn thường xuyên hơn cho đến khi bạn biết hoạt động đó ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn như thế nào. Bạn có thể cần phải điều chỉnh kế hoạch bữa ăn hoặc liều insulin để bù cho hoạt động tăng lên.

Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn triển khai gói sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: ncbi.nlm.nih.gov, webmd.com, kidshealth, mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan