Được tư vấn bởi: Thạc sĩ. Bác sĩ Dương Thế Vinh, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Có nhiều nguyên nhân gây nên đau vùng thắt lưng, trong đó yếu các cơ bảo vệ cột sống chống lại trọng lực (cơ lưng, cơ bụng, cơ vùng chậu hông) thường là nguyên nhân chủ yếu. Tập luyện để làm mạnh các cơ bảo vệ và hỗ trợ cột sống là một trong các biện pháp hiệu quả nhất trong phòng ngừa và điều trị đau lưng tái phát, đau lưng mạn tính.
Tập làm mạnh cơ (với cùng một nhóm cơ) không cần phải tập liên tục hàng ngày, có thể tập 02 ngày 1 lần hoặc 3 lần 1 tuần là đủ. Tối thiểu tập 2 lần trong 1 tuần.
Trước hết, cần tất cả các bài tập làm mạnh cơ sau đó làm tất cả các bài tập kéo giãn cơ hoặc luân phiên tập làm mạnh và kéo giãn
Hướng dẫn cụ thể bài tập vận động làm mạnh cơ
1. Tập làm mạnh các cơ bụng dưới và cơ tứ đầu đùi
Người tập nằm ngửa, lưng thẳng gấp gối phải 90 độ, giữ bàn chân phải sát trên sàn nhà. Căng bụng, duỗi thẳng chân trái sau đó từ từ nâng bàn chân trái lên khỏi sàn nhà khoảng 20 cm. Giữ ở vị thế đó trong 5 giây (đếm từ 1 đến 5), rồi trở về vị thế ban đầu. Tập nhắc lại từ 5 đến 15 lần. Chuyển sang chân bên trái và làm lại tương tự như vậy.
2. Làm mạnh nhóm cơ bảo vệ cột sống ở mông, lưng và bụng
Người tập nằm ngửa, gấp hai gối vuông góc, hai bàn chân sát trên sàn nhà. Sau đó làm căng bụng rồi nâng mông lên khỏi sàn nhà, giữ thân mình từ vai đến gối thẳng hàng. Giữ ở tư thế đó trong 05 giây, sau đó từ từ hạ thấp mông xuống sàn nhà trở lại tư thế ban đầu. Tập nhắc lại như vậy 5 đến 15 lần.
Tập làm cầu bằng một chân: Bài tập này làm tăng mức khó của động tác tập làm cầu bằng hai chân. Người tập nằm như trên, ép giữ chắc mông và căng bụng, sau đó nâng chân phải và mông lên khỏi sàn nhà, giữ ở tư thế này trong 5 giây; rồi đưa chân và mông bên phải trở lại vị thế cũ. Tiếp tục tập như vậy với chân bên trái. Tập nhắc lại từ 5 đến 10 lần với mỗi chân
3. Tập làm mạnh cơ bụng trên
Người tập nằm ngửa, hai gối gấp, bàn chân sát trên sàn nhà, hai bàn tay cài các ngón vào nhau đặt sau gáy, khuỷu tay hướng ra phía ngoài. Sau đó nâng đầu và vai lên khỏi sàn nhà khoảng 10 đến 20cm, thân mình thẳng, giữ ở tư thế này trong 5 giây rồi từ từ trở về tư thế cũ. Hít vào khi nâng thân mình lên khỏi sàn nhà, và thở ra khi hạ thân mình xuống. Tập từ 10 đến 15 lần như vậy.
4. Tập làm mạnh các cơ bụng chéo
Người tập nằm ngửa, gấp hai gối, hai bàn chân sát trên sàn nhà, đầu và lưng ở vị thế trung gian. Sau đó cài các ngón tay hai bên vào nhau, đặt sau gáy, khuỷu tay hướng ra ngoài (hai tay chỉ để dỡ đầu, không kéo đầu lên trên và ra trước).
Xoay thân mình sang phải để chuyển trọng lượng sang vai phải, rồi từ từ nâng đầu và hai vai lên khỏi sàn nhà, vai trái nâng cao hơn vai phải. Trở về tư thế ban đầu, tập tương tự như vậy với bên vai trái.
Tập từ 10 đến 15 lần cho mỗi bên.
5. Tập làm mạnh cơ lưng, cơ bụng , cơ cổ, cơ hai tay và hai chân
Người tập nằm sấp, chống hai khuỷu tay và cẳng tay lên sàn nhà, sau đó nâng người lên khỏi sàn nhà; giữ thăng bằng toàn thân trên các ngón chân và khuỷu tay hai bên; giữ cho lưng thẳng, hai chân thẳng (như tấm ván). Giữ ở tư thế này trong 10 giây, sau đó thư giãn; rồi tập nhắc lại động tác đó từ 5 đến 10 lần. Nếu khó có thể giữ thăng bằng toàn thân trên các ngón chân và cẳng tay, người tập có thể giữ thăng bằng trên khớp gối và trên khuỷu tay hai bên như trong hình vẽ.
6. Tập làm mạnh cơ lưng, thắt lưng và cơ mông
Người tập nằm sấp, hai tay duỗi thẳng qua đầu với cẳng tay và lòng bàn tay hai bên sát trên sàn nhà. Sau đó từ từ nâng tay trái và chân phải lên khỏi sàn nhà duỗi thẳng. Giữ ở tư thế đó trong 05 giây rồi đưa trở lại vị thế cũ. Tiếp tục tập với tay phải và chân trái như đã làm đối với tay trái và chân phải. Tập từ 05 đến 10 lần như vậy cho mỗi phía.
7. Tập làm mạnh các cơ bụng chéo
Người tập nằm nghiêng về phía bên trái, chống khuỷu tay và cẳng tay trái trên sàn nhà, sau đó đẩy nâng thân mình lên khỏi sàn nhà, giữ thân mình, bàn chân, khớp gối, khớp háng trên đường thẳng. Chỉ giữ khuỷu tay, cẳng tay và bờ ngoài bàn chân trái sát trên sàn nhà, hai bàn chân chồng lên nhau. Giữ ở tư thế này trong 10 giây, sau đó trở lại vị thế cũ, làm lại 5 lần. Tập tương tự như vậy với nửa người bên kia, chân phải và tay phải. Nếu động tác đó khó làm có thể chỉ tập giữ thăng bằng trên gối và cẳng tay.
8. Làm mạnh các cơ dọc hai bên cột sống, các cơ phía sau vùng háng và mông
Người tập chống hai bàn tay và hai gối thẳng góc trên sàn nhà; giữ đầu, lưng thẳng trục với cột sống. Sau đó nâng tay trái lên; duỗi thẳng ra trước ngang mức với thân mình, đồng thời nâng chân phải lên và duỗi thẳng ra sau; giữ tay, thân mình và chân thành đường thẳng.
Giữ ở tư thế này trong 05 giây sau đó từ từ đưa tay và chân trở về vị trí ban đầu, tập tiếp như vậy với tay phải và chân trái.
Tập nhắc lại 10 lần cho mỗi bên.
Những điều cần lưu ý
- Người tập phải ở tư thế thoải mái, thư giãn, khởi động nhẹ nhàng trước khi thực hiện các bài tập.
- Bắt đầu tập bằng các động tác đơn giản trong thời gian ngắn, sau đó tăng dần cả về thời gian và số lần tập cho đến khi đạt được mức tối đa theo yêu cầu.
- Không nên tập quá mức , nếu sau khi tập thấy mệt mỏi, đau nhiều hơn cần giảm bớt thời gian và số lần tập cho phù hợp.
- Không nín thở trong khi tập, phải kết hợp với thở đều mỗi khi thực hiện động tác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.