Bài viết bởi ThS.BSCKI Võ Khắc Khôi Nguyên - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Không chỉ là một loại vitamin thông thường, Vitamin D còn được biết đến như một “nguyên liệu” quan trọng trong việc thúc đẩy và duy trì sức khỏe bộ xương và cơ thể. Hiện nay, thiếu V itamin D trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới và tỷ lệ này tăng lên cùng với tuổi tác và đặc biệt ở dân văn phòng do lối sống ít vận động và những hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời do làm việc trong nhà.
Thiếu Vitamin D làm tăng nguy cơ nhuyễn xương, loãng xương và gãy xương. Không những vậy, các nghiên cứu cho thấy: tình trạng thiếu hụt Vitamin D có liên quan đến nhiều bệnh tật như: tim mạch, đái tháo đường type I, type II, rối loạn chuyển hóa lipid máu, bệnh thận mạn, các bệnh lý về xơ hóa, bệnh lao, bệnh truyền nhiễm, ung thư, .... Thậm chí, thiếu Vitamin D còn liên quan đến tỉ lệ tử vong chung ở người trưởng thành.
1. Thiếu Vitamin D đang trở thành "đại dịch"
Hàng loạt báo cáo từ nhiều nơi trên thế giới cho thấy “đại dịch thiếu Vitamin D” đang lan rộng. Ở các vùng có vĩ độ cao như Bắc Âu và Bắc Mĩ, tỉ lệ thiếu Vitamin D trong dân số khá cao, từ 50-70%. Tại châu Á và các nước nhiệt đới - nơi có số giờ nắng dồi dào - tỉ lệ thiếu Vitamin D cũng không thấp hơn bao nhiêu. Điển hình các nước Nhật Bản và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu Vitamin D lên đến 80-90%. Trong khu vực Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Malaysia..., nơi gần với xích đạo và có số giờ nắng nhiều hơn thì tỉ lệ thiếu Vitamin D trong dân số chung xấp xỉ 50%. Đặc biệt, những con số này nằm chủ yếu ở dân văn phòng.
2. Những yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ Vitamin D trong máu
Các nghiên cứu đã chứng minh có rất nhiều yếu tố liên quan đến nồng độ Vitamin D. Cụ thể:
- Địa lý và khí hậu
Những nước thuộc vĩ độ càng cao, thì nguy cơ dân cư ở đó bị thiếu Vitamin D càng nhiều. Nồng độ Vitamin D trong máu thường thấp vào mùa đông – khoảng thời gian trong năm có số giờ nắng ít và giảm các hoạt động ngoài trời của con người.
Đặc biệt ở các đô thị, trình trạng thiếu Vitamin D do ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng cao hơn so với các nơi khác. Và chính việc thường xuyên ở trong nhà, ít trời tiếp xúc với ánh nắng cũng gây nên nguy cơ thiếu hụt Vitamin D.
- Chủng tộc
Hắc tố melanin làm giảm tổng hợp Vitamin D, vì vậy người da sậm màu hơn có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D cao hơn ở người tóc nâu, da trắng.
- Tuổi tác và Giới tính
Người cao tuổi hấp thu các Vitamin D ngoại sinh kém hơn do quá trình lão hoá. Vì vậy, ở người cao tuổi thưởng xảy ra tình trạng loãng xương, nhuyễn xương,... Đặc biệt ở phụ nữ, nguy cơ thiếu Vitamin D cao hơn nam giới, và có khuynh hướng thiếu Vitamin D trầm trọng hơn.
- Chỉ số khối cơ thể (Body mass index)
Béo phì là yếu tố nguy cơ thiếu hụt Vitamin D. Nồng độ Vitamin D trong huyết thanh người béo phì chỉ tăng 50% so với người không béo phì khi cung cấp cho cả hai nhóm cùng một lượng Vitamin D như nhau. Số khối cơ thể, tỉ lệ vòng eo/vòng hông càng cao thì nguy cơ thiếu Vitamin D càng nhiều.
- Thói quen sinh hoạt
Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia và lười vận động thể lực, tập thể dục cũng khiến nồng độ Vitamin D trong máu giảm. Vì vậy, tập thể dục hằng ngày cũng như tăng cường các hoạt động thể chất đều có tác dụng làm giảm nguy cơ thiếu hụt Vitamin D.
- Mật độ khoáng xương và tình trạng loãng xương
Thiếu Vitamin D gây ra hậu quả mất xương, làm tăng nguy cơ nhuyễn xương, loãng xương và gãy xương. Các tế bào tạo xương sẽ thực hiện tạo xương khi có đủ lượng Vitamin D và khoáng chất cần thiết.
Vitamin D không chỉ có vai trò quan trọng đối với bộ xương như chúng ta đã biết mà còn có vai trò không nhỏ đối với sức khỏe của hệ cơ. Thiếu Vitamin D làm suy giảm chức năng thần kinh cơ và gây yếu trương lực cơ, sức cơ, đặc biệt ở người già. Nồng độ Vitamin D trong máu thấp sẽ gây ra rối loạn về thăng bằng khi di chuyển như dáng đi lắc lư, tăng nguy cơ té ngã và gãy xương. Không những thế, nồng độ Vitamin D trong máu thấp còn có thể cản trở sự phục hồi sức mạnh của dây chằng chéo trước ở khớp gối sau mổ tái tạo.
Vì vậy, bổ sung Vitamin D sẽ tăng cường sức mạnh cơ xương và cải thiện các hoạt động thể chất ở người trẻ, làm giảm bớt gánh nặng khuyết tật vận động, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi.
Vậy, cơ thể lấy Vitamin D tư những nguồn nào và Làm cách nào để bổ sung Vitamin D một cách an toàn vì tắm nắng vốn có thể gây hại làn da (cháy nắng, ung thư,..)?
Xin mời các bạn theo dõi tiếp các chia sẻ của Ths. BSCKI Võ Khắc Khôi Nguyên (BS Ngoại Chấn Thương chỉnh hình, Vinmec Central Park) trong bài tiếp theo về Vitamin Ánh nắng – Vitamin D.
(Còn tiếp)