Ngủ ngáy kèm khó thở khi bị lệch vách ngăn mũi có sao không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Hiện tại, em bị lệch vách ngăn mũi cách đây 20 năm. Lúc trước không gây khó thở nhưng 2 năm trở lại đây em bị khó thở và ngủ ngáy nhiều. Em đã cắt amidan cách đây 10 năm rồi. Em đã khám ở bệnh viện tai mũi họng thì ra kết quả bị nghẹt đường thở, kết quả xét nghiệm đo đa ký giấc ngủ như sau:

  • Chất lượng giấc ngủ: 62,9.
  • Vi thức giấc 75.1 lần/ giờ.
  • Chỉ số ngưng giảm thở AHI 74.4 lần/ giờ.
  • Ghi nhận SpO2 < 90%, 2 giờ 57 phút.
  • Cử động chân 23.7 lần/ giờ.
  • Thời gian ngáy 3 giờ 39 phút.

Vậy bác sĩ cho em hỏi ngủ ngáy kèm khó thở khi bị lệch vách ngăn mũi có sao không? Phương pháp điều trị là gì thưa bác sĩ? Em cảm ơn.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Ngủ ngáy kèm khó thở khi bị lệch vách ngăn mũi có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một bệnh lý thường gặp hiện nay, có khả năng gây nguy hiểm và cả những biến chứng tử vong. Tuy nhiên, hội chứng này lại thường không được chẩn đoán, hầu hết bệnh nhân đều không biết mình đang bệnh vì hiện tượng ngưng thở chỉ xảy ra trong lúc ngủ.

Ngưng thở khi ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ mà người bệnh có những cơn ngưng thở hoàn toàn trong ít nhất 10 lần trong giấc ngủ và lập đi lập lại nhiều lần trong đêm.

Chứng ngưng thở khi ngủ được chia làm ba loại, đó là: Ngưng thở tắc nghẽn (OSA), ngưng thở trung ương (CSA) và ngưng thở hỗn hợp (MSA). Ngưng thở tắc nghẽn là tình trạng hay gặp nhất, ảnh hưởng đến khoảng 4% nam giới và 2% nữ giới. Tuy nhiên, người ta tin rằng chỉ khoảng 10% số bệnh nhân bị chứng ngưng thở tắc nghẽn đi khám để được điều trị trong khi hầu hết người bệnh không được thăm khám và chẩn đoán.

Chứng ngưng thở tắc nghẽn là các cơn tắc nghẽn đường hô hấp trên toàn phần hoặc một phần khi ngủ, lặp đi lặp lại. Trong khi ngủ, phần cơ họng được nghỉ ngơi, lưỡi và các mô mềm ở hầu họng giãn ra và gây nghẽn đường thở một phần hoặc hoàn toàn. Khi ngưng thở, không khí qua vùng nghẽn bị hạn chế, làm giảm nồng độ oxy trong máu. Sự thiếu hụt oxy phát ra tín hiệu đánh thức một phần não để chỉ huy cơ thể thở. Vì cơ hoành và cơ ngực cần phải làm việc nhiều hơn để ép không khí qua vùng hẹp, hơi thở thường là thở gấp, khịt mũi hoặc ngáy. Một khi hơi thở trở về bình thường thì não quay lại trạng thái ngủ và quy trình này lại bắt đầu. Cứ như vậy quy trình này có thể xảy ra vài lần hoặc hàng trăm lần trong một đêm tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh.

Nguyên nhân bệnh ngưng thở khi ngủ:

  • Trong ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, ngưng thở xảy ra do đường hô hấp trên bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn trong khi ngủ (do lưỡi, các mô ở thành sau họng quá to hay bất thường về xương hàm).
  • Ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương là khi não không gửi được những tín hiệu thích hợp để điều khiển cơ hô hấp, trong những trường hợp người bệnh bị tổn thương não.
    • Béo phì.
    • Phì đại VA, amidan hoặc lưỡi
    • Các vấn đề về xoang.
  • Hội chứng ngưng thở trung ương thường do các bệnh lý sẵn có từ trước gây ra, dẫn đến sự mất cân bằng tại trung tâm điều khiển hô hấp của não trong lúc ngủ như suy tim hay bệnh lý về thần kinh.

Đối tượng có các triệu chứng nghi ngờ hội chứng ngưng thở khi ngủ:

  • Ngủ ngáy kèm theo ngừng thở, ngạt thở
  • Buồn ngủ nhiều ban ngày
  • Thức giấc nhiều lần trong đêm
  • Đi tiểu nhiều lần trong đêm
  • Đau đầu buổi sáng
  • Giảm trí nhớ, giảm độ tập trung
  • Thừa cân, béo phì, bất thường vùng hàm mặt.
  • Tăng huyết áp kháng trị

Những dấu hiệu về hội chứng ngưng thở lúc ngủ, người bệnh nên đến các chuyên khoa hô hấp khám ngay để được điều trị sớm nhất có thể. Các chuyên gia cảnh báo nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm hội chứng ngưng thở lúc ngủ sẽ góp phần gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Tai biến mạch máu não, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, giảm trí nhớ, mất tập trung, đột tử trong đêm.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em có thể gây ra tình trạng hiếu động thái quá, hay gây gổ, giảm thành tích học tập, tiểu dầm.

Nếu có vấn đề về giấc ngủ, khuyến nghị nên đi khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Hô hấp. Bác sĩ điều trị có thể tiến hành thăm dò sâu hơn về giấc ngủ để chẩn đoán, được gọi là: Đo đa ký giấc ngủ. Thử nghiệm này sẽ xác nhận có bị hội chứng ngưng thở khi ngủ hay không và bạn đang bị loại nào. Bác sĩ cũng có thể thực hiện thêm các thử nghiệm khác để tìm xem bạn có đang bị bệnh lý nào khác mà bạn không biết như suy tim, bệnh hô hấp mãn tính, bệnh về thần kinh hoặc bệnh về hooc môn.

  • Khám lâm sàng Hô hấp.
  • Khám lâm sàng Tai Mũi Họng.
  • Điện tim thường.
  • Ghi đa ký hô hấp.

Cách chữa trị chứng ngưng thở khi ngủ có nhiều phương pháp điều trị và sẽ được chỉ định tùy theo tình trạng y tế của từng. Bác sĩ của bạn có thể cần phải hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa khác như chuyên khoa Tai Mũi Họng, Tim mạch, y tá và kỹ thuật viên. Kế hoạch điều trị cho bạn có thể phối hợp các phương pháp điều trị dưới đây:

  • Liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục.
  • Đeo nẹp hàm.
  • Phẫu thuật.
  • Giảm cân.
  • Thay đổi lối sống.

Bạn nên đến khám chuyên khoa Hô hấp để được đánh giá toàn diện và được bác sĩ đưa ra lời khuyên cụ thể.

Nếu bạn còn thắc mắc về khó thở khi bị lệch vách ngăn mũi, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe