Vai trò của protein phản ứng C (CPR) trong xơ vữa động mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa và Cố vấn chuyên môn,- Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Việc tầm soát và điều trị phòng ngừa nguyên phát các biến cố tim mạch là vô cùng cần thiết, nhất là trên các đối tượng nguy cơ cao. Cùng với các xét nghiệm, công cụ phổ biến, protein phản ứng C (CRP) ngày càng thể hiện vai trò của mình trong vấn đề phòng chống bệnh xơ vữa động mạch.

1. Xơ vữa động mạch là gì?

Xơ vữa mạch máu là tình trạng thành mạch bị xơ cứng kèm theo thu hẹp lòng mạch do các mảng xơ vữa làm dòng máu lưu thông hạn chế, gây ra tình trạng thiếu máu nuôi đến cơ quan. Bản chất của mảng xơ vữa là các phân tử lipid lưu hành trong máu với nồng độ cao, xâm nhập vào thành mạch. Chúng đóng vai trò như vật thể lạ, kích thích phản ứng viêm tại chỗ, thu hút tiểu cầu, bạch cầu, sợi fibrin đến cô lập, bao vây và lâu ngày sẽ diễn tiến vôi hóa. Vì động mạch luôn phải chịu áp lực dòng máu cao hơn các mạch máu khác, lòng mạch dễ bị tổn thương hơn; “xơ vữa mạch máu” cũng thường được quen gọi với tên “xơ vữa động mạch”.

Khi mạch máu bị tắc hẹp ở cơ quan nào thì có biểu hiện thiếu máu cục bộ tại cơ quan đó. Đối với tổn thương động mạch tại tim thì được gọi là xơ vữa động mạch vành, gây ra nhồi máu cơ tim hay bệnh tim thiếu máu cục bộ, lâu dài sẽ gây suy tim. Lúc này, bệnh nhân sẽ có cảm giác mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, lâu ngày tiến triển thành khó thở liên tục, khó thở khi nằm đầu thấp, phù chân, tiểu ít. Khi xơ vữa động mạch vành đến giai đoạn này là lúc bệnh đã trở nặng, suy giảm chất lượng cuộc sống.

Tương tự như vậy, nếu xơ vữa động mạch tại não sẽ là điều kiện thuận lợi dẫn đến nhồi máu não, người bệnh đột ngột yếu liệt nửa người, méo miệng, nói khó, tiêu tiểu không tự chủ. Nếu xơ vữa động mạch chi dưới thì bệnh nhân bị đau cách hồi khi đi lại, bắt mạch mu chân nhẹ hay mất mạch, chân tái, tê bì, lâu dần sẽ mất chức năng.


Bản chất của mảng xơ vữa là các phân tử lipid lưu hành trong máu với nồng độ cao, xâm nhập vào thành mạch
Bản chất của mảng xơ vữa là các phân tử lipid lưu hành trong máu với nồng độ cao, xâm nhập vào thành mạch

2. Protein phản ứng C và xơ vữa động mạch

Protein phản ứng C (C-Reactive Protein - CRP) là một loại protein do gan tạo ra khi có nhiễm trùng hoặc do các tình trạng gây ra phản ứng viêm trong cơ thể như viêm khớp dạng thấp, bệnh lý tự miễn nói chung. Khi cơ thể bị nhiễm trùng, do có sự hiện diện của các kháng nguyên, những tế bào bạch cầu đóng vai trò miễn dịch sẽ lập tức bao vây và tiêu diệt bằng cách sản xuất ra một số protein phản ứng C. Các chất hóa học trung gian sẽ kích hoạt một dòng thác phản ứng, huy động thêm một số lượng lớn bạch cầu từ nơi khác đến tham gia, giải phóng thêm các men tiêu hủy thành tế bào vi khuẩn. Đồng thời, một số protein phản ứng C trong số đó sẽ kích thích gan sản xuất ra CRP. Chính vì vậy, nồng độ CRP trong máu từ lâu đã được sử dụng để xác định và đánh giá mức độ viêm hoặc nhiễm trùng.

Vì các giai đoạn tiến triển của xơ vữa động mạch cũng có bản chất là một chuỗi các phản ứng viêm, mức độ CRP trong máu đã được nghiên cứu và kết luận là một chỉ số về mức độ nguy cơ mắc phải các vấn đề về tim mạch, trong đó xơ vữa động mạch đóng vai trò làm nguyên nhân cốt lõi. Thực tế đã cho thấy, nồng độ CRP là cao hơn ở những bệnh nhân bị xơ vữa động mạch so với những người không bị xơ vữa động mạch.

Không những thế, giá trị của nồng độ CRP còn giúp nhận định một bệnh nhân bị xơ vữa động mạch với mức độ nguy cơ các biến cố tim mạch như thế nào, nhất là khi đối tượng thuộc nguy cơ trung bình, tức các yếu tố nguy cơ của xơ vữa chưa rõ ràng như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hút thuốc lá và chưa có bất kỳ triệu chứng nào gợi ý cho bệnh xơ vữa động mạch tại các cơ quan. Nói một cách khác, chính giá trị của CRP lúc này sẽ giúp định hướng điều trị phòng ngừa tiên phát bằng cách tích tự thay đổi lối sống hay chủ động dùng thuốc ngay từ đầu.


Xơ vữa động mạch tại não sẽ là điều kiện thuận lợi dẫn đến nhồi máu não
Xơ vữa động mạch tại não sẽ là điều kiện thuận lợi dẫn đến nhồi máu não

3. Xét nghiệm đo lường protein phản ứng C

Xét nghiệm đo lường protein phản ứng C được thực hiện như một xét nghiệm máu thông thường, đơn giản, thời gian trả kết quả nhanh và chi phí thấp. Kết quả định lượng CRP sẽ được phân loại thành ba mức là thấp, trung bình và cao: Dưới 1mg/dL là thấp; 1-3mg/dL là trung bình và từ trên 3mg/dL hoặc lớn hơn là cao.

Nồng độ protein phản ứng C có khuynh hướng tăng dần theo tuổi nhưng nhìn chung vẫn sẽ ổn định trong một vài tháng hoặc một vài năm. Theo đó, đây không phải là một xét nghiệm cần kiểm tra lặp lại một cách thường xuyên để theo dõi diễn tiến động học. Và hơn hết, để tránh gây nhầm lẫn sự hiện diện của tình trạng xơ vữa động mạch với các yếu tố gây nhiễu khác, người bệnh không được chỉ định tiến hành xét nghiệm này trong khi đang có bất kỳ loại nhiễm trùng hoặc viêm khác, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm. Lý do là vì nồng độ protein phản ứng C phản ánh tình trạng viêm trong cơ thể một cách không đặc hiệu, kết quả trong máu sẽ rất cao trong những tình huống này.

Bên cạnh đó, nồng độ CRP cũng có độ nhạy cao tăng lên cùng với sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ khác như đái tháo đường, suy thận, hút thuốc và béo phì. Như vậy, nếu một người có hút thuốc lá hoặc thừa cân và có mức CRP cao, CRP chỉ có thể phản ánh được mối liên quan đến các yếu tố nguy cơ này hơn là chỉ ra nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói riêng.

Ngoài ra, khi người bệnh mắc các biến cố mạch máu cấp tính như suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên, mà không kèm theo tình trạng nhiễm trùng, phản ứng viêm nào khác, nồng độ CRP đo được lúc này cũng sẽ tăng cao.

Mặc dù vậy, khi so sánh với các xét nghiệm thường quy khác ở những bệnh nhân có tình trạng xơ vữa động mạch, mức độ CRP tăng cao trong máu đã cho thấy là có mối liên quan đến nguy cơ nhồi máu cơ tim cao gấp ba lần so với xét nghiệm bilan lipid máu thông thường. Hơn thế nữa, trong một nghiên cứu về sức khỏe của phụ nữ, các chỉ số trong kết quả xét nghiệm CRP cho thấy là đạt độ chính xác cao hơn các xét nghiệm yếu tố viêm khác ở những phụ nữ khỏe mạnh đã mãn kinh. Ba năm sau, những người có mức CRP cao sẽ có nguy cơ tử vong vì bệnh mạch vành, bao gồm cả biến cố nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cao hơn bốn lần so với những người có mức CRP thấp.


Nồng độ protein phản ứng C có khuynh hướng tăng dần theo tuổi
Nồng độ protein phản ứng C có khuynh hướng tăng dần theo tuổi

5. Điều trị gì khi protein phản ứng C cao?

Khi đã loại trừ các khả năng gây nhiễu khác, xét nghiệm máu với CRP có kết quả cao không phải là một yếu tố độc lập để quyết định điều trị. Tuy nhiên, dù không mắc bệnh lý gì đi kèm, yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch là không có hay rất thấp, nếu mức protein phản ứng C ở mức trung bình hoặc cao, việc thực hiện những thay đổi lối sống cũng đã chứng minh cho thấy có thể giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa thực sự về sau. Đó là:

  • Xây dựng một chế độ ăn cân đối, khoa học
  • Hạn chế hấp thu dầu mỡ, chất béo
  • Giữ trọng lượng cơ thể hợp lý
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Kiểm soát tốt chỉ số đường trong máu và huyết áp cao
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá
  • Uống rượu vừa phải

Trong trường hợp người bệnh đã mắc phải các biến cố tim mạch do xơ vữa hay có nguy cơ từ cao đến rất cao, việc điều trị phòng ngừa thứ phát lẫn tiên phát tích cực bằng thuốc là có chỉ định kéo dài. Các loại thuốc bao gồm thuốc ổn định huyết áp, đường huyết, giảm mỡ trong máu và chống kết tập tiểu cầu được tuân thủ hằng ngày. Theo đó, ngoài việc áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như trên, bạn cần thăm khám bác sĩ định kỳ và được đánh giá thường xuyên, nhằm đạt được mục tiêu điều trị một cách tốt nhất, đảm bảo chất lượng cuộc sống dài lâu.

Nói tóm lại, protein phản ứng C (CRP) là một xét nghiệm trong máu đã chứng minh vai trò trong các bệnh lý tim mạch do xơ vữa. Đây là yếu tố giúp tầm soát, phân nhóm nguy cơ, từ đó lập kế hoạch điều trị lâu dài, hạn chế rủi ro mắc phải các biến cố tim mạch do tình trạng xơ vữa động mạch gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe