Sau mãn kinh, nguy cơ bị bệnh động mạch vành gia tăng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh động mạch vành là căn bệnh nguy hiểm, thế nhưng lại có nhiều người chưa có nhận thức đúng về căn bệnh này, họ cho rằng đây là bệnh của đàn ông. Quan niệm này không đúng bởi phụ nữ hoàn toàn có thể mắc bệnh động mạch vành, đặc biệt nguy cơ bị bệnh ở nữ giới gia tăng sau mãn kinh.

1. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành hay còn được gọi với nhiều cái tên khác như bệnh tim do mạch vành, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, suy mạch vành, thiểu năng vành đều để chỉ tình trạng mất cân bằng cung cầu oxy cho cơ tim mà phần lớn là do hẹp động mạch vành.

Nguyên nhân gây hẹp động mạch vành thường là do các mảng xơ vữa gây tổn thương lớp nội mạc động mạch vành (chiếm khoảng hơn 90% trường hợp). Các mảng xơ vữa ngày càng phát triển nhiều hơn, khiến cho tim không nhận đủ máu đến nuôi dưỡng gây thiếu máu cơ tim.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh động mạch vành bao gồm:

  • Giới tính: nam thường có yếu tố bị bệnh cao hơn nữ, tuy nhiên sau mãn kinh từ 5 - 10 năm nguy cơ bị bệnh của nữ giới cũng tăng lên.
  • Yếu tố di truyền: trong gia đình có người mắc bệnh động vành sớm (trước tuổi 55), tăng huyết áp, nồng độ cholesterol và đường trong máu cao.
  • Tuổi: Nam trên 45 tuổi, nữ trên 55 tuổi.
  • Tăng huyết áp: Bệnh tăng huyết áp sẽ làm tăng quá trình xơ vữa động mạch, gây hẹp lòng mạch vành.
  • Nồng độ mỡ máu cao (Cholesterol) đặc biệt là các loại mỡ xấu như Triglycerid, LDL.
  • Bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường) thường làm tổn thương mạch máu.
  • Tình trạng béo phì làm tăng nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, nồng độ mỡ máu tăng là tiền để của bệnh mạch vành.
  • Thói quen hút thuốc là: Nicotine trong thuốc lá sẽ làm gia tăng quá trình xơ vữa động mạch,
  • Ít hoạt động thể lực.
  • Stress.
Béo phì
Béo phì gây ra bệnh tim mạch

2. Vì sao sau mãn kinh, nguy cơ bị bệnh động mạch vành ở nữ giới lại gia tăng?

Khi người phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh, ngoài các thay đổi về tâm sinh lý, nhan sắc thì họ còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, điển hình là bệnh mạch vành. Ở độ tuổi 50, phụ nữ sẽ phải đối mặt với sự gia tăng 45% nguy cơ bị bệnh mạch vành, 31% nguy cơ tử vong do căn bệnh này. Còn đến tuổi 65 thì nguy cơ bị bệnh của nữ bằng với nam giới.

Nguyên nhân của tình trạng này đó là:

  • Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, hệ thống tim mạch sẽ được bảo vệ bởi hormon sinh dục nữ estrogen. Hormon sinh dục này có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol của cơ thể, bảo vệ thành mạch và tim. Qua tuổi 40 (giai đoạn tiền mãn kinh), lượng hormon estrogen bị suy giảm một cách đáng kể và bắt đầu giai đoạn tiến triển các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành,...
  • Các thay đổi trong thành động mạch tạo điều kiện thuận lợi cho các mảng bám tính tụ và hình thành cục máu đông.
  • Cac thay đổi về lượng chất béo trong máu: LDL là Cholesterol xấu tăng trong khi đó HDL là cholesterol tốt lại giảm.
  • Tăng nồng độ fibrinogen - một yếu tố quan trọng trong quá trình đông máu - có liên quan đến bệnh tim và đột quỵ, bởi fibrinogen làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, chèn ép động mạch vành làm giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng cơ tim.
  • Ngoài các thay đổi trên, nguyên nhân khiến nữ giới ở độ tuổi mãn kinh mắc bệnh tim mạch nhiều hơn là do:
  • Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn.
  • Dễ bị các rối loạn tuyến giáp hơn.
  • Có nhiều áp lực trong gia đình và công việc hơn so với nam giới.
  • Hệ thống tim mạch của nữ giới cũng dễ bị tổn thương hơn khi có tác động từ các tác nhân độc hại.

Điểm cần lưu ý đó là các triệu chứng bệnh mạch vành cấp ở phụ nữ thường mơ hồ làm cho việc chẩn đoán gặp khó khăn, gần 40% không có triệu chứng đau ngực điển hình, và thường có thể có các biểu hiện của những cơn đau khác như đau ở vùng cổ, vai, vùng dạ dày, nhịp thở gấp, đổ mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa hoặc mệt mỏi dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Khoảng 2/3 bệnh mạch vành ở phụ nữ thường tử vong đột ngột không có dấu hiệu báo trước.

Ngoài ra có một đặc điểm mang tính cách truyền thống ở người phụ nữ Á đông. Đa phần phụ nữ khi phát hiện các bệnh lý nguy cơ tim mạch thường không điều trị sớm, thậm chí có những bệnh nhân ngay cả khi lên cơn đau vẫn có xu hướng lưỡng lự, chần chừ không đi khám.

3. Vậy phụ nữ sau mãn kinh cần làm gì để phòng chống bệnh mạch vành?

Đứng trước nguy cơ gia tăng mắc bệnh mạch vành nói riêng và bệnh tim mạch nói chung, phụ nữ sau mãn kinh cần làm một số việc sau đây để chủ động phòng bệnh:

  • Nếu có thói quen hút thuốc là cần loại bỏ thói quen này.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức lý tưởng.
  • Tập thể dụng đều đặn khoảng 30 phút mỗi ngày, ít nhất là 3 ngày/tuần.
  • Thực hiện chế độ ăn ít chất béo, ăn nhiều chất xơ, các loại đậu, ngũ cốc, rau, trái cây và cá,...
  • Điều trị và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, cholesterol cao (nếu bị bệnh).
  • Sử dụng liệu pháp hormone thay thế: cách này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nữ giới. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy liệu pháp hormone thay thế có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành ở nữ giới bằng cách thay thế hormone estrogen bị mất trong thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi sử dụng liệu pháp này.
  • Đối với những bệnh nhân phẫu thuật bệnh mạch vành thì cần có một chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật bệnh mạch vành để tránh tái hẹp mạch vành.

Vì sao tập thể dục tốt cho tim mạch?
Thể dục điều độ rất có lợi cho bệnh tim

Bệnh động mạch vành là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và được điều trị can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim và đột tử. Tuy nhiên, đây lại là căn bệnh có thể phòng ngừa bằng các thói quen sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, song song với chế độ ăn uống lành mạnh thì người bệnh nên đi bộ tối thiểu 5 buổi/1 tuần và 30 - 40 phút/ngày, sau đó tăng dần thời gian tập lên tùy thuộc vào sức của bạn.

Ngoài ra, để theo dõi và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm các bệnh lý tim mạch đặc biệt đối với phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh, người bệnh nên chọn các gói khám sức khoẻ tim mạch định kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hội Tim mạch học Việt Nam

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

849 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan