Các chỉ số cơ thể phải nhớ để kiểm soát bệnh tim mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Theo ước tính của WHO, mỗi năm có khoảng 17 triệu người trên thế giới từ vong do các bệnh lý về tim mạch. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong do các bệnh lý về tim mạch, cao gấp nhiều lần so với số người tử vong do ung thư và tai nạn giao thông. Điều đáng lo ngại là bệnh tim mạch đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào ở bất kỳ độ tuổi nào. Ghi nhớ một số chỉ số cơ thể quan trọng và kiểm soát tốt các chỉ số của cơ thể mình là một yếu tố quan trọng giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

1. Chỉ số BMI

BMI (Body mass index) là một chỉ số được tính từ chiều cao và cân nặng giúp nhận định một cơ thể đang thừa cân hay thiếu cân. Do đơn giản, dễ thực hiện nên đây là một công cụ phổ biến được sử dụng để tầm soát trọng lượng cho người trưởng thành. Nếu chỉ số BMI đang ở trong giới hạn bình thường thì cân nặng của cơ thể đang ở mức phù hợp, sức khỏe tốt, nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp.

Công thức tính chỉ số BMI:

BMI = cân nặng / (chiều cao)2

Trong đó cân nặng tính bằng đơn vị kg và chiều cao tính bằng đơn vị mét. Mức BMI của người bình thường là từ 19-21. Nếu có chỉ số BMI cao hơn 21 thì bạn đang có cân nặng hơn mức bình thường, cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để giảm cân cho phù hợp.

2. Chỉ số vòng bụng

Người có số đo vòng bụng càng lớn thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch sẽ càng cao. Nên kiểm soát chỉ số vòng bụng về mức < 90cm ở nam và < 75cm ở nữ.


Người có số đo vòng bụng càng lớn thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch sẽ càng cao
Người có số đo vòng bụng càng lớn thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch sẽ càng cao

3. Chỉ số cholesterol

Cholesterol có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể như:

  • Cholesterol được sử dụng để sản xuất các hormone như hormon estrogen, progesterone ở nữ, teststerone ở nam giới, hormone cortisol, aldosterol ở tuyến thượng thận.
  • Cholesterol được sử dụng để tạo ra mật giúp tiêu hóa thức ăn, tạo ra vitamin D giúp xương răng chắc khỏe.
  • Cholesterol là một chất chống oxy hóa, giúp cơ thể phục hồi sau các tổn thương do gốc tự do và là một yếu tố quan trọng của hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn và virus.

Cholesterol trong cơ thể gồm 2 loại là LDL- cholesterolHDL- cholesterol. Trong đó LDL-cholesterol được gọi là cholesterol xấu vì nếu hàm lượng loại cholesterol này trong máu tăng cao thì sẽ có nguy cơ xơ vữa động mạch do lắng đọng lipid ở thành mạch. Các mảng xơ vữa này sẽ làm hẹp hoặc tắc mạch máu, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. HDL- cholesterol được gọi là cholesterol tốt do có vai trò vận chuyển cholesterol từ máu về gan, vận chuyển cholesterol ra khỏi các mảng xơ vữa động mạch.

Chỉ số cholesterol máu như thế nào là bình thường?

Cholesterol chỉ có hại khi các thành phần của cholesterol bị rối loạn, tỉ lệ LDL-cholesterol xấu tăng lên và tỉ lệ HDL-cholesterol tốt giảm đi. Sự rối loạn này có thể do yếu tố gia đình hoặc do chế độ sinh hoạt, ăn uống, các thói quen có hại sức khỏe như hút thuốc lá, lười vận động, thừa cân, béo phì,... Để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, nên kiểm soát cholesterol về mức như sau:

Cholesterol <0.2 mmol/L (201,1mg/dL)

LDL- cholesterol <3.2mmol/ L (123,7 mg/dL)

HDL- cholesterol >1.3 mmol/L (50.3 mg/dL)

4. Chỉ số huyết áp


Chỉ số huyết áp dù cao hay thấp đều không tốt đối với sức khỏe
Chỉ số huyết áp dù cao hay thấp đều không tốt đối với sức khỏe

Huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch, được đo bằng đơn vị milimet thủy ngân (mmHg). Sau khi đo huyết áp sẽ thu được chỉ số huyết áp gồm 2 con số, trong đó con số cao hơn là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp, còn gọi là huyết áp tâm thu, con số giá trị thấp hơn là áp lực máu lên động mạch khi tim giãn ra, còn gọi là huyết áp tâm trương.

Chỉ số huyết áp bình thường:

Chỉ số huyết áp dù cao hay thấp đều không tốt đối với sức khỏe. Nếu huyết áp thấp, có thể gây ra một số tình trạng nguy hiểm cho tim , gây chóng mặt, ngất xỉu và là dẫn đến một số bệnh về thần kinh, nội tiết. Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra các tai biến về tim mạch như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận,...

Nên thường xuyên theo dõi chỉ số huyết áp và đảm bảo chỉ số huyết áp bản thân ở mức bình thường là <140/90 mmHg.

5. Chỉ số glucose máu

Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu mạn tính trong một thời gian dài. Đái tháo đường gây ra các biến chứng nguy hiểm trên tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, huyết áp cao, suy tim,... Nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập thể lực và thường xuyên kiểm tra chỉ số glucose máu và điều chỉnh kịp thời để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Chỉ số glucose máu ở người bình thường là:

  • Thời điểm trước ăn :90-130 mg/dl (tức 5-7,2 mmol)
  • Thời điểm sau ăn khoảng 1-2 tiếng : dưới 180mg/dl (tức 10mmol)
  • Thời điểm trước khi đi ngủ: 100-150mg/dl (tức 6-8.3mmol)

Sự nguy hiểm của các bệnh lý về tim mạch là chúng xuất hiện âm thầm và hầu như không có triệu chứng trong thời gian dài. Khi các triệu chứng thực thể xuất hiện thì bệnh thường đã ở mức độ nặng, gây ra các biến chứng làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để kiểm soát bệnh tim mạch thì cùng với thực hiện chế độ ăn uống, tập luyện, sinh hoạt phù hợp thì nên khám tim mạch định kỳ để tầm soát bệnh.

Trung tâm tim mạch là một trong những trung tâm mũi nhọn hàng đầu của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City, đội ngũ chuyên gia của Trung tâm Tim mạch gồm những Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa 2, Thạc sĩ giàu kinh nghiệm, có uy tín lớn trong lĩnh vực điều trị nội khoa, ngoại khoa, thông tim can thiệp và ứng dụng các kỹ thuật cao cấp trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch. Đặc biệt, Trung tâm có các trang thiết bị hiện đại, ngang tầm với các bệnh viện uy tín nhất trên thế giới. Ngoài ra trung tâm có chương trình hợp tác toàn diện với Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai, Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà nội, Đại học Paris Decartes - Bệnh viện Georges Pompidou (Pháp), Đại học Pennsylvania (Hoa kì) ...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hội Tim mạch học Việt Nam

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe