Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm cấp tính, thường gặp trong độ tuổi 15-40. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời trong vòng 24 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng đau bụng, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Do vậy, đây là một bệnh cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng cần được cấp cứu kịp thời.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa ngoại tiêu hóa, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Viêm ruột thừa là gì?
Viêm ruột thừa là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở ruột thừa - một đoạn ruột nhỏ dài khoảng vài centimet, nằm ở vùng bụng dưới bên phải và dính vào manh tràng, nơi tiếp giáp giữa ruột non và ruột già.
Viêm ruột thừa là bệnh lý cần phải cấp cứu với tỷ lệ thường gặp là 1/15 người. Biến chứng nguy hiểm nhất là viêm ruột thừa bị vỡ khi không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Viêm ruột thừa nguy hiểm như thế nào?
Viêm ruột thừa cấp tính có thể dẫn đến vỡ mủ, thường xảy ra sau 24 giờ nhưng cũng có thể sớm hơn: sau 12 tiếng, thậm chí chỉ sau 6 tiếng từ khi cơn đau xuất hiện. Do vậy, rất khó để dự đoán chính xác thời điểm ruột thừa viêm cấp sẽ vỡ mủ.
Chậm trễ điều trị khiến bệnh diễn biến phức tạp và khó dự đoán. Những biến chứng có thể xảy ra bao gồm viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa trong ổ bụng hoặc đám quánh ruột thừa.
Biến chứng viêm ruột thừa nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều rắc rối cho người bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong (tỷ lệ tử vong khoảng 0,2-0,8%). Tiên lượng cho bệnh nhân viêm ruột thừa cấp phụ thuộc vào thể lâm sàng của bệnh, tuổi tác và các bệnh lý nội khoa kèm theo.
Viêm ruột thừa mãn tính là một bệnh lý hiếm gặp của ruột thừa, khởi phát từ viêm ruột thừa cấp tính rồi sau đó thuyên giảm. Nguyên nhân chủ yếu do lòng ruột thừa bị tắc nghẽn, sau đó tái thông và quá trình này có thể xảy ra nhiều lần.
3. Nguyên nhân gây viêm ruột thừa
Những nguyên nhân phổ biến gây bệnh bao gồm:
- Sỏi, phân, giun, sán, hoặc khối u, cũng có thể do các hạch bạch huyết tăng sản làm tắc nghẽn lòng ruột thừa.
- Loét ở niêm mạc gây viêm dẫn đến nhiễm khuẩn ở thành ruột thừa.
- Các vi khuẩn gây viêm ruột thừa phổ biến là E.coli và Bacteroides Fragilis.
4. Triệu chứng bệnh
4.1 Triệu chứng cơ năng
- Đau âm ỉ khu trú vùng hố chậu phải là dấu hiệu điển hình nhất.
- Viêm ruột thừa hầu như luôn đi kèm với triệu chứng chán ăn.
- Buồn nôn hoặc nôn chỉ xảy ra ở khoảng 75% bệnh nhân và cũng không mang tính đặc hiệu.
4.2 Triệu chứng toàn thân
- Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, uể oải.
- Kèm theo sốt nhẹ (nhiệt độ dao động từ 37,3°C đến 38°C).
- Môi khô, lưỡi bẩn, thở hôi.
4.3 Triệu chứng thực thể
Khi khám bụng, dấu hiệu viêm ruột thừa thường gặp nhất là ấn đau vùng 1/4 dưới phải bụng hay tam giác ruột thừa (vị trí ruột thừa thường gặp nhất). Bệnh nhân sẽ thấy đau nhiều nhất khi ấn ở các vị trí cụ thể sau:
- Điểm McBurney: Nằm ở 1/3 ngoài đường nối giữa rốn và gai chậu trước trên bên phải.
- Điểm Clado: Nằm tại giao điểm của đường nối giữa rốn và gai chậu trước trên bên phải với bờ ngoài cơ thẳng to.
- Điểm Lanz: Nằm ở 1/3 ngoài bên phải đường nối liên gai chậu trước trên.
- Dấu hiệu co cứng cơ bụng khi ấn (phản ứng thành bụng) là dấu hiệu quan trọng hỗ trợ chẩn đoán bệnh.
5. Những điểm cần lưu ý về bệnh viêm ruột thừa
- Do viêm ruột thừa chiếm tỷ lệ cao trong các ca cấp cứu bụng (khoảng 30%) nên khi bệnh nhân đến bệnh viện với triệu chứng đau bụng, đặc biệt là đau vùng hố chậu phải, việc đầu tiên bác sĩ sẽ làm là đánh giá xem bệnh nhân có nguy cơ bị viêm ruột thừa hay không.
- Đối với những trường hợp khó chẩn đoán, bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ tình trạng của bệnh nhân trong nhiều giờ, khám đi khám lại nhiều lần để tránh bỏ sót.
- Chẩn đoán sớm, chính xác kết hợp với can thiệp ngoại khoa kịp thời trong 24 giờ đầu sau khi xuất hiện cơn đau đóng vai trò then chốt trong giảm thiểu biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
6. Một số thể viêm ruột thừa cấp đặc biệt
6.1 Viêm ruột thừa ở trẻ em
Viêm ruột thừa ở trẻ em khó chẩn đoán hơn so với người trưởng thành do trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, diễn biến bệnh nhanh cùng nguy cơ vỡ ruột thừa dẫn đến viêm phúc mạc cao.
6.2 Viêm ruột thừa ở người già
Hai thể lâm sàng thường gặp ở người già bị viêm ruột thừa:
- Bán tắc ruột
- Thể u
Người già tuy ít mắc viêm ruột thừa nhưng lại dễ gặp biến chứng nặng gồm các tai biến bệnh lý ở tim, phổi…
6.3 Viêm ruột thừa trong thai kỳ
Viêm ruột thừa là bệnh lý xuất hiện bên ngoài tử cung phổ biến nhất cần phải điều trị ngoại khoa, ảnh hưởng đến khoảng 1/2000 phụ nữ mang thai. Tình trạng này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nhưng thường gặp nhất trong hai quý đầu thai kỳ. Do ruột thừa di lệch lên trên và ra ngoài khi thai nhi phát triển, việc chẩn đoán viêm ruột thừa ở phụ nữ mang thai trở nên khó khăn hơn so với người bình thường.
Phụ nữ mang thai khi phẫu thuật có nguy cơ sảy thai từ 10-15%. Nguy cơ tử vong cao nhất cho cả mẹ và thai nhi trong trường hợp viêm ruột thừa là thủng ruột thừa hoặc viêm phúc mạc ruột thừa. Tỷ lệ tử vong của thai nhi trong giai đoạn đầu của viêm ruột thừa là từ 3-5%. Tuy nhiên, con số này tăng lên đến 20% khi ruột thừa viêm bị thủng hoặc viêm phúc mạc.
Phụ nữ mang thai bị viêm ruột thừa dễ gặp phải nhiều tai biến cho mẹ lẫn con nên bệnh nhân cần được chẩn đoán nhanh và can thiệp phẫu thuật sớm.
7. Các phương pháp chẩn đoán
7.1 Chẩn đoán xác định
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng cơ năng như sau:
- Đau bụng âm ỉ, khu trú ở hố chậu phải.
- Sốt và có dấu hiệu nhiễm trùng.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng thực thể như sau:
- Bác sĩ sẽ ấn nhẹ vào vùng hố chậu phải để kiểm tra phản ứng thành bụng.
Một số trường hợp có thể không biểu hiện các triệu chứng điển hình đầy đủ và rõ ràng.
7.2 Chẩn đoán cận lâm sàng
- Xét nghiệm công thức máu: Số lượng bạch cầu tăng, đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
- Kết quả siêu âm bụng cho thấy ruột thừa tăng kích thước hoặc hiện tượng thâm nhiễm mỡ, dịch bao quanh ruột thừa. Siêu âm có thể chẩn đoán viêm ruột thừa cấp với độ nhạy từ 78-85% và độ đặc hiệu từ 80-95%.
- Chụp X-quang bụng: Mặc dù X-quang bụng ít có giá trị trong chẩn đoán viêm ruột thừa nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các bệnh lý đi kèm như thủng dạ dày - tắc ruột.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng: Tuy ít được sử dụng do chi phí cao và chỉ được áp dụng trong các trường hợp đặc biệt phức tạp nhưng đây là phương pháp hiệu quả để chẩn đoán xác định viêm ruột thừa và phân biệt với các bệnh viêm nhiễm vùng tiểu khung và hố chậu.
- Nội soi ổ bụng: Là kỹ thuật y tế tiên tiến, vừa chẩn đoán chính xác bệnh lý vừa điều trị hiệu quả, đặc biệt hữu ích trong đánh giá nguyên nhân gây đau bụng dưới ở phụ nữ.
8. Biến chứng của bệnh viêm ruột thừa
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm ruột thừa có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng:
- Vỡ ruột thừa: Ruột thừa khi vỡ sẽ gây nhiễm trùng lan rộng khắp ổ bụng, dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc đe dọa tính mạng. Phẫu thuật cắt bỏ vùng tổn thương và làm sạch khoang bụng là biện pháp cấp bách cần thực hiện ngay lập tức.
- Áp xe: Là tình trạng hình thành túi mủ trong ổ bụng. Để điều trị, bác sĩ thường thực hiện dẫn lưu áp xe bằng cách đặt một ống vào vùng bị tổn thương thông qua thành bụng. Ống thông được đặt trong hai tuần kết hợp sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Sau đó, phẫu thuật cắt bỏ áp xe sẽ được thực hiện.
9. Các phương pháp điều trị
Viêm ruột thừa cần được can thiệp ngoại khoa bằng phương pháp mổ mở hoặc mổ nội soi (phẫu thuật bằng robot, mổ nội soi 1 đường rạch, mổ nội soi qua lỗ tự nhiên). Bệnh nhân cần mổ viêm ruột thừa càng sớm càng tốt. Phương pháp điều trị này được xem là phương pháp tiêu biểu và đã được tất cả các bác sĩ lâm sàng trên thế giới thống nhất áp dụng từ trước đến nay.
Kể từ năm 2004, nhiều nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của kháng sinh thay thế cho phẫu thuật trong điều trị viêm ruột thừa không biến chứng. Kết quả cho thấy, những trường hợp viêm ruột thừa không biến chứng như do vi khuẩn hoặc phát hiện bệnh sớm, điều trị bằng kháng sinh mang lại tỷ lệ thành công cao, lên đến 90%. Tuy nhiên, 10% bệnh nhân không đáp ứng với phương pháp này và có nguy cơ xảy ra biến chứng, đòi hỏi phải can thiệp phẫu thuật.
Việc điều trị viêm ruột thừa không biến chứng bằng kháng sinh không phải là giải pháp dứt điểm vì tỷ lệ tái phát sau 1 năm lên đến 30%. Ngoài ra, một hạn chế khác của các nghiên cứu là cỡ mẫu chưa đủ lớn để phản ánh chính xác tỷ lệ bệnh trên toàn thế giới.
Do đó, phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa viêm là phương pháp điều trị chuẩn mực cho bệnh viêm ruột thừa khi mang lại hiệu quả điều trị dứt điểm. Việc sử dụng kháng sinh cần được cân nhắc kỹ lưỡng với từng bệnh nhân cụ thể và cần có sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước.
9.1 Mổ mở cắt ruột thừa
Sau ki bệnh nhân được gây mê, bác sĩ sẽ sát khuẩn thành bụng bằng dung dịch sát khuẩn và trải khăn vô khuẩn, bộc lộ vùng bụng ¼ dưới phải. Tiếp theo, bác sĩ sẽ rạch một đường chéo vuông góc với đường nối gai chậu trước trên và rốn, cách gai chậu trước trên khoảng 2-3 cm (đường Mc Burney). Sau khi rạch da, bác sĩ cắt cân chéo lớn và tách cơ để vào khoang phúc mạc bộc lộ ruột thừa.
Sau khi rạch da và mổ mở ổ bụng, bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau:
- Đầu tiên, bộc lộ ruột thừa: Cắt mạc treo ruột thừa (động mạch ruột thừa) và khâu buộc cầm máu.
- Tiếp theo, xử trí gốc ruột thừa: Gốc ruột thừa - nơi hội tụ của 3 dải cơ dọc manh tràng, sẽ được buộc hoặc khâu kín bằng chỉ tiêu, có thể vùi vào trong hoặc không vùi.
- Sau đó, bác sĩ sẽ lau sạch ổ bụng, kiểm tra xem có túi thừa Meckel hay không, cắt mạc treo ruột thừa và mỏm cắt ruột thừa, xử lý các tổn thương (nếu có) trong ổ bụng, gửi mẫu ruột thừa cắt bỏ đi để xét nghiệm mô bệnh học.
- Cuối cùng, khâu phục hồi lại cân cơ và khâu da.
9.2 Mổ nội soi
Phẫu thuật nội soi là phương pháp ưu tiên hàng đầu cho cắt ruột thừa, trừ trường hợp chống chỉ định như bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch, hô hấp nặng không đáp ứng được hay có tiền sử mổ mở ổ bụng nhiều lần. So với mổ mở, phẫu thuật nội soi mang lại nhiều lợi ích vượt trội: thời gian hồi phục nhanh hơn, ít đau hơn, vết mổ nhỏ, đặc biệt phù hợp với người béo phì có thành bụng dày.
Áp dụng rộng rãi từ thập niên 1990, phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa bao gồm nhiều kỹ thuật như: nội soi truyền thống, phẫu thuật nội soi 1 đường rạch (SILS), phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên, phẫu thuật nội soi áp dụng hệ thống robot (robotic).
Bất kể áp dụng phương pháp nào, phẫu thuật cắt ruột thừa đều phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản: làm sạch ổ bụng, cắt bỏ hoàn toàn ruột thừa và xử lý cẩn thận gốc ruột thừa cùng mạc treo ruột thừa.
Trong trường hợp viêm ruột thừa phức tạp, nếu phẫu thuật nội soi không thể thực hiện hiệu quả hoặc không đảm bảo an toàn cho người bệnh thì sẽ chuyển sang mổ mở truyền thống. Thay vì coi việc chuyển đổi từ phẫu thuật nội soi sang phương pháp khác là thất bại, việc này như một quyết định linh hoạt nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Các bước cơ bản của phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa bao gồm:
- Chuẩn bị kỹ lưỡng cho bệnh nhân trước phẫu thuật, bao gồm bồi phụ nước, điện giải đầy đủ và kiểm tra sức khỏe tim phổi.
- Bệnh nhân được gây mê, nằm ngửa, hai tay đặt xuôi dọc thân người. Bác sĩ phẫu thuật chính đứng bên trái bệnh nhân, người phụ cầm camera đứng cùng bên và gần vai bệnh nhân, còn màn hình theo dõi (monitor) được đặt ở bên phải.
- Bộc lộ ruột thừa, mạc treo ruột thừa (động mạch ruột thừa) được cắt bằng dao điện lưỡng cực.
- Gốc ruột thừa được xử trí: Gốc ruột thừa là nơi hội tụ của 3 dải cơ dọc manh tràng, sẽ được buộc hoặc khâu kín bằng chỉ tiêu, có thể kẹp bằng clip khóa hoặc xử lý góc ruột thừa bằng stapler nội soi trong một số trường hợp.
- Lau sạch ổ bụng, kiểm tra xem có túi thừa Meckel hay không, cắt mạc treo ruột thừa và mỏm cắt ruột thừa, xử lý các tổn thương (nếu có) trong ổ bụng, gửi mẫu ruột thừa cắt bỏ đi để xét nghiệm mô bệnh học.
- Vết mổ trocar và da được khâu lại.
- Điều trị sau mổ bằng kháng sinh.
- Hậu phẫu: 12 tiếng sau mổ, bệnh nhân có thể ăn nhẹ, vận động nhẹ tại chỗ. Băng vết mổ được thay hàng ngày và bệnh nhân có thể xuất viện sau 3-5 ngày.
10. Những câu hỏi thường gặp về viêm ruột thừa
10.1 Chăm sóc người bệnh sau mổ
Phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa thường chỉ mất vài ngày để hồi phục, thậm chí có thể xuất viện trong vòng 24 giờ. Mặt khác, mổ hở mất đến một tuần.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường đau, bầm tím trong vài ngày đầu nhưng tình trạng này sẽ cải thiện theo thời gian và bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau nếu cần thiết. Một số người bệnh có thể bị táo bón tạm thời sau mổ, do vậy cần sử dụng thuốc giảm đau codein, tăng cường chất xơ và uống đủ nước để cải thiện.
Trước khi xuất viện, bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết về cách chăm sóc vết thương và những hoạt động nên tránh để người thân lưu ý, hỗ trợ người bệnh hồi phục tốt nhất.
10.2 Thời gian ủ bệnh là bao lâu?
Viêm ruột thừa cấp là tình trạng viêm nghiêm trọng. Triệu chứng viêm ruột thừa cấp thường khởi phát đột ngột, phổ biến nhất ở độ tuổi 10-30, nhất là ở nam giới và cơn đau có xu hướng tiến triển nặng dần trong vòng 24 giờ.
Viêm ruột thừa mãn tính thường có triệu chứng nhẹ, xuất hiện sau đợt viêm cấp, cơn đau thuyên giảm rồi tái diễn sau vài tuần, tháng hoặc năm. Loại viêm ruột này khó chẩn đoán, bệnh nhân chỉ có thể phát hiện khi bệnh chuyển sang cấp tính.
10.3 Viêm ruột thừa có tự khỏi không?
Viêm ruột thừa không tự khỏi, cần phẫu thuật cắt bỏ càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nguy hiểm. Phương pháp này cũng được khuyến nghị cho những trường hợp viêm ruột thừa khó chẩn đoán.
Viêm ruột thừa là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa bụng phổ biến cần được khám, chẩn đoán và điều trị sớm. Mổ nội soi cắt bỏ ruột thừa viêm là phương pháp điều trị tiêu chuẩn, tuy nhiên trong một số trường hợp, mổ mở có thể được áp dụng.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao, trang thiết bị hiện đại, dịch vụ chuyên nghiệp, tận tâm sẽ là sự lựa chọn uy tín cho việc điều trị viêm ruột thừa. Hãy đặt lịch tư vấn ngay để được hỗ trợ tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.