Tiêu chảy thường xuyên: Khi nào cảnh báo nguy cơ ung thư?

Tiêu chảy là tình trạng phổ biến ở mọi lứa tuổi và đa phần xảy ra ở thể nhẹ, sẽ khỏi trong 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng, kéo dài và gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của người bệnh. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư tiêu hóa.

1. Tổng quan về tiêu chảy

Thức ăn sau khi được đưa vào cơ thể từ 2 - 3 ngày sẽ được hấp thụ nước và chất dinh dưỡng, sau đó thải cặn bã ra khỏi cơ thể. Do vậy, người bình thường sẽ đi ngoài khoảng 1 - 2 lần/ ngày và phân sẽ có dạng khuôn, không lỏng hoặc nát.

Tuy nhiên, nếu đi đại tiện phân lỏng hơn 3 lần/ ngày sẽ được gọi là tiêu chảy. Bệnh này được phân loại thành 2 mức độ tương ứng như sau:

  • Tiêu chảy cấp tính: Xảy ra khi cơ thể bị dị ứng với thức ăn hay nhiễm khuẩn E.coli, tả, virus Rota,... Tình trạng đau bụng tiêu chảy thường diễn ra dưới 14 ngày.
  • Tiêu chảy mạn tính: Là dạng tiêu chảy thường xuyên kéo dài hơn 14 ngày, trong đó không có 2 ngày liền ngừng tiêu chảy. Cơ thể người bệnh sẽ dễ suy nhược, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Cơ thể người có chức năng tự hồi phục khiến tình trạng tiêu chảy thường chỉ dừng ở mức cấp tính, không kéo dài lâu, dễ dàng điều trị. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp tiêu chảy thường xuyên kéo dài không khỏi, thậm chí là đi ngoài ra máu. Lúc này, người bệnh nên đi khám để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.

2. Khi nào tiêu chảy thường xuyên kéo dài không khói cảnh báo ung thư đường tiêu hóa?

Nhiều người khi bị đau tức bụng dưới một thời gian, kết hợp với tiêu chảy thường xuyên kéo dài nhưng vẫn chủ quan cho là biểu hiện thông thường của đường tiêu hóa. Cho đến khi đi ngoài phân lỏng, kèm ít nhầy máu thì mới phát hiện ung thư tiêu hóa ở giai đoạn trễ. Càng đi khám muộn càng giảm khả năng kéo dài sự sống sau mổ và dễ xảy ra các biến chứng như: Tắc ruột, chảy máu ruột kết hoặc di căn xa,...

Ung thư tiêu hóa thường xảy ra phổ biến ở người trung tuổi và người già nhưng những năm gần đây, những người dưới 40 tuổi mắc dạng ung thư ngày càng nhiều, có người thậm chí chưa đến 20 tuổi và bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Phần lớn người bệnh thường chủ quan, chỉ khi thấy xuất hiện rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng như táo bón, phân dẹt, tiêu chảy thường xuyên, đi ngoài ra máu, đau bụng, sụt cân, thiếu máu thứ phát do mất máu mạn, sờ thấy khối vùng bụng,... thì mới tới các bệnh viện có chuyên khoa Tiêu Hóa để thăm khám và chẩn đoán. Thông qua những phương tiện như nội soi tiêu hóa, chụp CT bác sĩ sẽ phát hiện mức độ, tình trạng của bệnh nhân, từ đó đề ra hướng điều trị phù hợp.

điều trị ung thư tiêu hóa giai đoạn sớm
Ung thư tiêu hóa đang ngày càng trẻ hóa.

3. Đối tượng dễ mắc ung thư đường tiêu hóa

Theo nghiên cứu, dưới đây là những đối tượng rất dễ mắc ung thư đường tiêu hóa và cần chú ý điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống:

  • Béo phì, thừa cân: Những người béo bụng dưới 50 tuổi thường có nguy cơ mắc ung thư đường ruột cao gấp 1,5 - 2 lần so với người bình thường.
  • Thói quen ăn uống xấu: Ung thư đường ruột là khối u ác tính ở hệ tiêu hóa và có liên quan đến thói quen ăn uống. Nếu chế độ ăn của bạn nhiều chất béo, đồ chiên rán, thực phẩm muối chua, thịt đỏ, ít chất xơ trong thời gian dài sẽ khiến chức năng ruột suy yếu, tăng nguy cơ ung thư ruột.
  • Lười vận động: Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người có thói quen ngồi nhiều, hay nhịn đi vệ sinh. Tuy nhiên, nếu phân ở trong ruột quá lâu sẽ gây ảnh hưởng đến ruột, các chất có hại sẽ bị hấp thụ lại trực tiếp gây ra ung thư ruột.
  • Thói quen hút thuốc và uống rượu: Những người nghiện thuốc lá nặng có nguy cơ tử vong vì ung thư ruột kết cao hơn 34% so với người không hút thuốc. Rượu cũng là một chất có hại bởi nó thúc đẩy sự giãn nở của đường tiêu hóa, phá hủy hàng rào chất nhầy trên bề mặt niêm mạc tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ các chất gây ung thư.
  • Tiền sử gia đình mắc ung thư tiêu hóa: Cũng như bệnh tim mạch, ung thư tiêu hóa có yếu tố di truyền cao trong gia đình (khoảng 30%). Do vậy, nếu cha mẹ hoặc anh chị em bạn từng bị ung thư ở đường tiêu hóa, hãy đi tầm soát tầm soát polyp và ung thư ruột kết chủ động hơn so với người bình thường.

Đối với ung thư tiêu hóa nói riêng và ung thư khác nói chung, để có tiên lượng tốt, việc điều trị bệnh triệt để ở giai đoạn sớm là yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, khám sàng lọc ung thư đường tiêu hoá là biện pháp khoa học và hiệu quả để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa (ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng) và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo: hoanmysaigon.com, msdmanuals.com, suckhoedoisong.vn, medlatec.vn, vietnamnet.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan