Phẫu thuật viêm ruột thừa (mổ mở): Chỉ định khi nào?

Viêm ruột thừa có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như vỡ ruột thừa, làm nhiễm trùng lây lan khắp bụng, hình thành túi mủ trong ổ bụng,... Có 2 phương pháp phẫu thuật viêm ruột thừa là mổ mở viêm ruột thừa và mổ viêm ruột thừa nội soi. Trong đó, mổ mở là phương pháp điều trị truyền thống được áp dụng cho nhiều bệnh nhân.

1. Sơ lược về viêm ruột thừa

Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ, hẹp, dài vài centimet, dính vào manh tràng. Bộ phận này nằm ở phần bụng dưới bên phải, nơi tiếp nối giữa ruột non và ruột già. Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm do sự tắc nghẽn của lòng ruột thừa (sỏi phân, ký sinh trùng, sỏi mật, u ruột thừa,...). Sự tắc nghẽn này làm tăng áp lực trong lòng ruột thừa, giảm tưới máu mô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn nhân lên nhanh chóng, làm ruột thừa bị viêm, sưng và chứa đầy mủ.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm ruột thừa bao gồm: Đau bụng, sốt, rối loạn tiêu hóa. Việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào khám lâm sàng, xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, nội soi ổ bụng,...

Nếu không kịp thời điều trị, ruột thừa có thể bị vỡ, giải phóng vi khuẩn vào ổ bụng và làm tăng tỷ lệ biến chứng. Các biến chứng hay gặp của viêm ruột thừa gồm: Vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc ruột thừa, áp xe ruột thừa, đám quánh ruột thừa.

Ruột thừa
Tình trạng viêm ruột thừa

Về phương pháp điều trị, viêm ruột thừa thường được điều trị bằng phẫu thuật để cắt bỏ ruột thừa bị viêm. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng kháng sinh nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng. Phẫu thuật gồm 2 phương pháp là mổ nội soi và mổ hở. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân bị vỡ ruột thừa, áp xe đã hình thành quanh ruột thừa thì sẽ được chỉ định đặt ống dẫn lưu thông qua thành bụng đến ổ áp xe để dẫn mủ ra ngoài, khi đã kiểm soát ổn định tình trạng nhiễm trùng mới thực hiện phẫu thuật cắt ruột thừa. Ngoài ra, nếu bệnh nhân chỉ có một vài triệu chứng viêm ruột thừa, bác sĩ xét thấy không cần phẫu thuật ngay thì có thể điều trị bằng kháng sinh để theo dõi diễn tiến cải thiện. Phương pháp này có thể có hiệu quả nhưng cũng có khả năng tái phát viêm ruột thừa.

2. Các phương pháp phẫu thuật viêm ruột thừa

Có 2 phương pháp phẫu thuật viêm ruột thừa gồm:

  • Mổ mở viêm ruột thừa: Là phẫu thuật mở bụng, thực hiện bằng cách rạch da vùng bụng dài 5 - 10cm;
  • Mổ nội soi viêm ruột thừa: Là phẫu thuật nội soi bụng, thực hiện thông qua một vài vết rạch da nhỏ ở bụng. Trong quá trình phẫu thuật cắt ruột thừa, bác sĩ sẽ đưa vào ổ bụng bệnh nhân một ống quang video ghi hình và những thiết bị chuyên dụng để cắt ruột thừa.

Phẫu thuật nội soi có ưu điểm là giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, ít đau và ít để lại sẹo, lý tưởng cho bệnh nhân lớn tuổi hoặc bị béo phì. Tuy nhiên, phương pháp này không phải thích hợp với mọi bệnh nhân. Trong một số trường hợp đặc biệt, mổ mở sẽ được chỉ định.

Cám ơn bác sĩ đã giúp tôi không còn sợ hãi khi vào phòng phẫu thuật cắt ruột thừa
Ruột thừa được loại bỏ bằng phương pháp nội soi

Sau phẫu thuật cắt ruột thừa, bệnh nhân sẽ nằm viện trung bình 2 - 3 ngày đối với phẫu thuật nội soi và lâu hơn nếu mổ mở. Những biến chứng có thể gặp phải sau phẫu thuật cắt ruột thừa gồm: Nhiễm trùng (xảy ra ở 2 - 4% trường hợp), có thể là nhiễm trùng vết mổ hoặc hình thành áp xe trong ổ bụng; tạo cục máu đông; vấn đề tim mạch, khó thở,...

Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh có thể dùng thức ăn lỏng khi đường tiêu hóa hoàn toàn hồi phục. Trong tuần đầu tiên sau mổ, bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng, không mang vác vật nặng hoặc hoạt động gắng sức. Vết sẹo mổ sẽ liền lại trong khoảng 4 - 6 tuần sau mổ và sẽ nhạt dần trong những năm tiếp theo.

3. Chi tiết về phương pháp mổ mở viêm ruột thừa

Mổ mở viêm ruột thừa là phương pháp điều trị truyền thống của bệnh. Khi áp dụng phương pháp này, bác sĩ sẽ loại bỏ ruột thừa bị viêm thông qua một vết rạch lớn ở vùng bụng dưới bên phải của bệnh nhân. Đây cũng là loại phẫu thuật được dùng để kiểm tra cấu trúc bên trong khoang bụng (mở bụng thăm dò).

Chỉ định mổ hở viêm ruột thừa: Thay thế trong những trường hợp người bệnh không thể mổ nội soi:

  • Ruột thừa đã vỡ và nhiễm trùng đã lan ra ngoài ruột thừa hoặc đã có áp xe;
  • Bệnh nhân đã từng mổ mở ổ bụng trước đây.

Quy trình mổ hở viêm ruột thừa như sau:

  • Bệnh nhân được gây mê toàn thân;
  • Bác sĩ tạo một vết rạch 5 - 10cm ở bụng dưới bên phải;
  • Xác định vị trí ruột thừa, bác sĩ dùng dụng cụ phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa và các mô bị tổn thương xung quanh;
  • Kiểm tra lại, đảm bảo không thấy dấu hiệu các mô xung quanh bị tổn thương rồi khâu đóng vết mổ;
  • Băng lại vết mổ bằng băng vô trùng để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Ruột thừa được loại bỏ bằng phương pháp nội soi
Vị trí vết mổ ruột thừa nằm ở bên phải

Toàn bộ quá trình mổ mở viêm ruột thừa kéo dài khoảng 1 tiếng trong trường hợp không có biến chứng. Sau khi mổ mở, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, theo dõi tại bệnh viện tối thiểu 1 tuần trước khi ra về. Những ngày đầu sau mổ, bệnh nhân có thể cảm thấy đau, mệt mỏi nhưng không cần lo lắng vì các triệu chứng này sẽ giảm dần theo thời gian. Trong trường hợp có những dấu hiệu bất thường như: Vết mổ sưng, đau nhiều hơn; nôn mửa nhiều lần; vết mổ chảy mủ, nóng, đỏ; sốt cao, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Khi đã được chẩn đoán xác định viêm ruột thừa, phương pháp điều trị tốt nhất là phẫu thuật cắt ruột thừa càng sớm càng tốt để giảm tỷ lệ biến chứng. Khi được chỉ định mổ viêm ruột thừa, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ trước, trong và sau quá trình phẫu thuật để điều trị bệnh hiệu quả, giảm nguy cơ tai biến.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

Video đề xuất:

Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!

XEM THÊM:

25.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan