Lưu ý dùng thuốc điều trị táo bón ở người cao tuổi

Táo bón là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi, gây nhiều triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Khi đã áp dụng các biện pháp thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt mà không hiệu quả, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc nhuận tràng. Vậy nên dùng loại thuốc nhuận tràng cho người già nào, cần lưu ý gì?

1. Tổng quan về bệnh táo bón ở người già

Người lớn tuổi thường bị táo bón với tần suất đi tiêu dưới 3 lần/tuần hoặc đi tiêu mỗi ngày nhưng có cảm giác đi khó khăn, phân cứng, đôi khi kèm đau bụng dưới,...

Nguyên nhân gây táo bón ở người lớn tuổi thường là:

  • Chế độ ăn ít chất xơ;
  • Người bệnh uống không đủ nước;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Thuốc giảm đau có chứa codein, thuốc chống trầm cảm amitriptyline, thuốc trung hòa acid chứa nhôm, viên sắt,...;
  • Ảnh hưởng của một số bệnh lý: Suy giáp, hội chứng ruột kích thích thể táo bón;
  • Nhịn đi tiêu do bận việc,...

Đa số trường hợp người bệnh có thể tự mua thuốc nhuận tràng để điều trị tình trạng táo bón. Với những trường hợp sau, người bệnh nên đi khám bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm cần thiết giúp xác định nguyên nhân gây táo bón:

  • Tình trạng táo bón mới xảy ra trong vòng 6 tuần dù người bệnh có chế độ sinh hoạt khoa học: Tập thể dục đều đặn, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước,...;
  • Táo bón nặng, không thuyên giảm dù đã uống thuốc nhuận tràng;
  • Đi tiêu kèm nhầy mũi, sụt cân, máu mũi, tiền sử gia đình có người thân bị ung thư đại tràng hoặc viêm đại tràng mãn tính (viêm loét trực tràng, bệnh Crohn).

2. Các loại thuốc nhuận tràng cho người già

Để phân mềm, tạo phản xạ đi tiêu đúng, người cao tuổi nên xây dựng thói quen đi tiêu đúng giờ, tập thể dục thường xuyên, uống đủ nước và ăn nhiều chất xơ. Người bị táo bón cũng có thể uống thêm sorbitol (1 loại đường tự nhiên, không hấp thu vào máu, có tính rút nước vào lòng ruột, giúp làm mềm phân).

Nếu sau khi đã áp dụng những biện pháp trên mà triệu chứng táo bón vẫn không thuyên giảm thì người bệnh có thể sử dụng thuốc nhuận tràng. Có 3 nhóm thuốc chính gồm:

  • Nhóm thuốc tăng lượng phân: Các thuốc cung cấp chất xơ, sợi như Psyllium, calcium Polycarbophil, Methylcellulose, wheat dextrin,... Khi dùng thuốc, bệnh nhân nên uống kèm nhiều nước (1 - 2 lít). Tuy nhiên, dùng nhóm thuốc này lâu ngày có thể gây đầy hơi, trướng bụng;
  • Nhóm thuốc kích thích: Như bisacodyl, dantron, glycerol, docusate, senna và sodium picosulfate. Các thuốc này kích thích sự tăng co bóp của ruột, giúp đẩy phân ra ngoài. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ là đau bụng, phụ thuộc thuốc nếu dùng kéo dài;
  • Nhóm thuốc tạo lực thẩm thấu: Nhóm thuốc này có tác dụng hút nước vào trong lòng ruột, làm mềm phân. Thuốc Macrogol được lựa chọn phổ biến vì có hiệu quả cao, an toàn, không gây đầy bụng, khó tiêu hoặc trung tiện. Còn thuốc Lactulose có thể gây đầy bụng và trướng hơi. Một số loại muối magie như Hydroxyd magie, Citrat magie hoạt động theo cơ chế tăng áp lực thẩm thấu có tính nhuận tràng mạnh, thường được sử dụng trước khi phẫu thuật.

3. Lưu ý khi dùng thuốc nhuận tràng cho người già

Việc chọn loại thuốc nào, dùng bao lâu tùy thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân hoặc chỉ định của bác sĩ. Nguyên tắc chung khi lựa chọn và dùng thuốc cho người cao tuổi bị táo bón là:

  • Trước tiên nên dùng thuốc làm tăng lượng phân;
  • Nếu không hiệu quả, hãy dùng thuốc làm tăng áp lực thẩm thấu, có thể kết hợp thêm với các thuốc tăng lượng phân;
  • Nếu người bệnh còn cảm giác khó đi tiêu, có thể sử dụng thêm nhóm thuốc kích thích nhuận tràng.

Một số lưu ý quan trọng:

  • Thuốc nhuận tràng chỉ nên được sử dụng trong thời gian ngắn. Ngay khi tái lập được thói quen đi tiêu bình thường, người bệnh nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa táo bón;
  • Hiện chưa có bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc nhuận tràng lâu dài có thể gây ung thư hoặc làm tổn thương đại tràng. Điều cần lưu ý là cần sử dụng thuốc theo liều phù hợp với từng người để đại tiện dễ nhất mà không gây tiêu chảy (mất nước, mất kali, rối loạn điện giải,...);
  • Thuốc nhuận tràng được bào chế thành nhiều dạng như viên uống, viên đặt hậu môn, thụt tháo,... Bệnh nhân được chỉ định sử dụng tùy loại theo tình trạng sức khỏe;
  • Không nên sử dụng thuốc nhuận tràng làm mềm phân được sản xuất từ dầu khoáng (mineral oil) vì có nhiều tác dụng phụ;
  • Những trường hợp nghi ngờ bán tắc ruột hoặc tắc ruột không được sử dụng thuốc nhuận tràng;
  • Khi dùng 1 loại thuốc nào đó cùng với thuốc nhuận tràng thì loại thuốc đó có thể bị tống ra ngoài sớm (do thuốc nhuận tràng làm tăng nhu động ruột), làm giảm hấp thu, giảm hoặc mất tác dụng của thuốc đó. Do vậy, khi bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân cần hỏi xem người bệnh có đang dùng thuốc nhuận tràng không, nếu có thì cần có sự điều chỉnh phù hợp;
  • Người cao tuổi có thể bị suy giảm trí nhớ, quên liều dùng hoặc nhầm lẫn thuốc. Vì điều này rất nguy hiểm nên người lớn tuổi cần có sự trợ giúp của con cháu khi dùng thuốc;
  • Khi uống thuốc nhuận tràng, nên cho người già uống ở tư thế đứng với nhiều nước.

Táo bón ở người cao tuổi là một triệu chứng thông thường nhưng nếu để kéo dài thì có thể dẫn tới nhiều hậu quả như mắc bệnh trĩ, sa niêm mạc trực tràng,... Do đó, người bệnh nên đi thăm khám ngay để được xác định nguyên nhân và điều trị sớm nhất. Để phát huy hiệu quả của các thuốc nhuận tràng cho người già, người bệnh nên sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

308 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan