Dùng thuốc trị bệnh trĩ thế nào cho hiệu quả?

Thuốc trị bệnh trĩ đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị các trường hợp trĩ độ 1 và phần lớn trĩ độ 2. Nhóm thuốc này mang lại hiệu quả thiết thực, giúp giảm thiểu các triệu chứng khó chịu, thu nhỏ kích thước búi trĩ và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm mà bệnh nhân có thể gặp phải trong tương lai. Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau nhé!

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Bệnh trĩ là bệnh gì?

Bệnh trĩ là tình trạng các cụm tĩnh mạch trong hậu môn - trực tràng bị sưng và phồng lên, do tĩnh mạch thường xuyên chịu áp lực hoặc do chèn ép dây thần kinh hậu môn.  

Việc điều trị bệnh trĩ nói chung và sử dụng thuốc trị bệnh trĩ nói riêng thường gặp nhiều khó khăn do người bệnh phát hiện bệnh muộn và tự ý áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.  

Đặc biệt, ở giai đoạn nặng, bệnh trĩ tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra các biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

  • Bệnh trĩ ngoại do chảy máu nhiều, gây tắc nghẽn mạch máu.
  • Bệnh trĩ ngoại do tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến tình trạng sa búi trĩ, chảy máu và có thể dẫn đến hoại tử.

Khác với trĩ nội hình thành bên trong ống hậu môn, trĩ ngoại xuất hiện ở khu vực ngoài ống hậu môn. Búi trĩ ngoại có thể lớn dần theo thời gian, gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Mức độ nghiêm trọng của bệnh trĩ ngoại thường tỉ lệ thuận với kích thước của búi trĩ.

2. Nguyên nhân và dấu hiệu lâm sàng của bệnh trĩ

Bệnh trĩ hình thành do nhiều yếu tố tác động, bao gồm:

  • Táo bón hoặc tiêu chảy thường xuyên, kèm theo việc rặn mạnh khi đi đại tiện có thể dẫn đến tăng áp lực lên các tĩnh mạch, gây căng giãn và ứ đọng máu.
  • Chế độ ăn uống thiếu hụt rau xanh và chất xơ.
  • Những người thừa cân, béo phì.
  • Những người bị tăng áp lực ổ bụng do thường xuyên làm việc nặng như bốc vác, cử tạ, đánh quần vợt,...
  • Đặc thù của một số nghề nghiệp như công nhân may, nhân viên văn phòng, giáo viên, lái xe… buộc người lao động phải đứng lâu, ngồi nhiều.
  • Sự hiện diện của các khối u trong vùng tiểu khung, bao gồm u đại tràng, u tử cung, hoặc mang thai nhiều tháng, góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh trĩ, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán loại và mức độ bệnh, từ đó bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp bằng thuốc trị bệnh trĩ, điều trị nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa (điển hình như phẫu thuật).

Mặc dù hiếm gặp, bệnh trĩ có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như thiếu máu do mất máu mạn tính, nghẹt búi trĩ gây đau rát do tắc mạch máu, hoặc tắc mạch máu do cục máu đông hình thành, gây cộm và đau. Ngoài ra, viêm da quanh hậu môn gây loét búi trĩ, khiến bệnh nhân cảm thấy ngứa và đau. Khi tình trạng bệnh trở nên xấu đi, bệnh nhân cần phải được điều trị kịp thời để giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

3. Thuốc trị bệnh trĩ

Các loại thuốc trị bệnh trĩ bao gồm thuốc giảm đau, thuốc giảm triệu chứng, thuốc nhuận tràng và làm mềm phân, cùng với thuốc tăng cường sức bền tĩnh mạch. Những loại thuốc trị bệnh trĩ này thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp trĩ độ 1 và phần lớn các trường hợp trĩ độ 2

Các loại thuốc trị bệnh trĩ bao gồm thuốc giảm đau, thuốc giảm triệu chứng, thuốc nhuận tràng và làm mềm phân, cùng với thuốc tăng cường sức bền tĩnh mạch.
Các loại thuốc trị bệnh trĩ bao gồm thuốc giảm đau, thuốc giảm triệu chứng, thuốc nhuận tràng và làm mềm phân, cùng với thuốc tăng cường sức bền tĩnh mạch.

Thuốc giảm đau và giảm triệu chứng: Bôi Lidocaine trực tiếp lên vùng hậu môn bị tổn thương 2-3 lần mỗi ngày sau khi đi đại tiện nhằm giảm đau và ngứa rát. Lưu ý rằng loại thuốc này chỉ sử dụng ngắn hạn, tối đa 7 ngày. Thuốc có thể hấp thu vào cơ thể, mức độ tùy thuộc vào từng người.

Ngoài ra, kẽm oxyd 10% có thể được bác sĩ kê đơn để bôi lên vùng hậu môn bị tổn thương 2-3 lần mỗi ngày sau khi đi đại tiện. Thuốc làm săn chắc cơ hậu môn, sát khuẩn vùng hậu môn. Thuốc được hấp thu tốt, ít gây dị ứng và nên sử dụng trong thời gian tối đa 7 ngày.

Thuốc nhuận tràng, làm mềm phân: Nhóm thuốc này bao gồm các loại như lactulose, macrogol và sorbitol.  

  • Lactulose: Khởi đầu điều trị với liều cao, sau đó giảm dần xuống liều duy trì.  
  • Macrogol: Dạng bột pha thành dung dịch uống vào buổi sáng.
  • Sorbitol: Dạng bột pha thành dung dịch, uống khi bụng đói vào buổi sáng trước khi ăn.

Tác dụng chính của nhóm thuốc này là làm mềm phân, hỗ trợ điều trị táo bón hiệu quả. Khi sử dụng thuốc trị bệnh trĩ, bệnh nhân cần lưu ý uống đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều chất xơ, kiên trì sử dụng thuốc từ 1 đến 3 ngày để thấy rõ hiệu quả.

Thuốc tăng cường sức bền tĩnh mạch: Diosmin và Hesperidin dạng viên nén được sử dụng đồng thời. Trong 4 ngày đầu, uống thuốc với liều cao, sau đó giảm liều trong 3 ngày tiếp theo, thuốc uống kèm với bữa ăn. Loại thuốc trị bệnh trĩ này giúp tăng cường độ bền vững của tĩnh mạch và ít gây tác dụng phụ.  

Một số trường hợp có thể gặp buồn nôn, nôn mửa nhẹ, hoặc tiêu chảy nhẹ nhưng không đáng kể. Nếu sau 15 ngày điều trị không thấy hiệu quả, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ để thay đổi loại thuốc.

4. Các loại thuốc trị bệnh trĩ tốt nhất

4.1 Thuốc Titanoreine

Titanoreine là thuốc dạng bôi được sử dụng như thuốc điều trị bệnh trĩ nội và trĩ ngoại.  

Thành phần chính của Titanoreine:

  • Carraghenates: Giúp bôi trơn, giúp phân dễ dàng di chuyển qua hậu môn, giảm táo bón.
  • Kẽm oxit: Kháng khuẩn, làm se, hỗ trợ co búi trĩ.
  • Titanium dioxide: Bôi trơn, kháng khuẩn, kháng nấm, ngăn ngừa nhiễm trùng ở vùng hậu môn - trực tràng do bệnh trĩ làm tổn thương niêm mạc.
  • Lidocaine: Thuốc gây tê, giúp giảm cảm giác đau rát do trĩ gây ra bằng cách ức chế dẫn truyền xung thần kinh.

4.2 Thuốc Hemorrhostop

Ngoài Titanoreine, Hemorrhostop là một loại thuốc bôi tại chỗ khác cũng được sử dụng như thuốc trị bệnh trĩ phổ biến. Điểm khác biệt so với Titanoreine là Hemorrhostop có thành phần hoàn toàn từ thiên nhiên, bao gồm:

  • Lô hội: Nổi tiếng với khả năng chống viêm mạnh mẽ, gel lô hội giúp dưỡng ẩm, làm mát da, se khít búi trĩ, giảm đau và tình trạng nứt kẽ hậu môn.
  • Bơ hạt mỡ: Chứa các thành phần giúp làm lành tổn thương da do kích ứng quá mức khi bị viêm nhiễm.
  • Tinh dầu bạc hà và tinh dầu hoa khói: Giảm viêm, ngứa, rát, mang lại cảm giác dễ chịu cho vùng hậu môn. Riêng tinh dầu hoa khói còn có thêm tác dụng cầm máu hiệu quả.

4.3 Kem bôi trĩ hình chữ A của Nhật Bản

Kem bôi trĩ chữ A Nhật Bản là sản phẩm được tin dùng phổ biến trong điều trị bệnh trĩ, tương tự như các loại thuốc bôi ngoài da khác như Titanoreine và Hemorrhostop. Hiệu quả của kem bôi trĩ chữ A đến từ các thành phần chính sau:

  • Prednisolone: Thuộc nhóm Glucocorticoid, có đặc tính chống viêm, ức chế miễn dịch. Khi thoa lên vùng hậu môn, Prednisolone sẽ ức chế sản xuất cytokine - tác nhân gây viêm, từ đó giảm sưng, viêm và đau rát do búi trĩ.
  • Lidocaine: Là chất gây tê, giúp giảm đau bằng cách ức chế truyền dẫn xung thần kinh.
  • Allantoin: Hoạt chất làm dịu và chống kích ứng. Khi thoa lên búi trĩ, Allantoin giúp thúc đẩy liền vết thương, giảm kích ứng da quanh hậu môn và hỗ trợ vết thương mau lành.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc trị bệnh trĩ

  • Hiệu quả của toa thuốc trị bệnh trĩ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm lối sống và chế độ dinh dưỡng của người bệnh.
  • Vì bệnh trĩ là bệnh mạn tính, có đặc điểm thường xuyên tái phát, việc kết hợp sử dụng thuốc điều trị với chế độ sinh hoạt khoa học là vô cùng quan trọng. Bệnh nhân nên tập luyện các bài tập thể dục tốt cho người bị trĩ như yoga, chạy bộ, bơi lội thường xuyên để hỗ trợ điều trị hiệu quả.
  • Để điều trị bệnh trĩ hiệu quả, người bệnh cần khám bác sĩ để xác định nguyên nhân, và tình trạng bệnh, phân độ trĩ và sử dụng thuốc trị trĩ nội/ngoại phù hợp, đúng cách nhằm hạn chế bệnh tiến triển nặng thêm.
  • Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tự chữa bệnh mà chưa được khám và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.
  • Để hạn chế tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc trị bệnh trĩ nội hay trĩ ngoại theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tuy nhiên, nếu đã sử dụng thuốc trị bệnh trĩ nội hay ngoại theo chỉ định của bác sĩ mà các triệu chứng không thuyên giảm, người bệnh nên tái khám để được bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh phương pháp phù hợp, tránh xảy ra biến chứng nặng.
  • Để ngăn ngừa bệnh trĩ quay trở lại, bệnh nhân cần tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và hạn chế chất kích thích (rượu, thức ăn cay nóng như ớt, tiêu,...)
  • Cần giảm thiểu các hoạt động mạnh và hạn chế ngồi hoặc đứng lâu.
  • Để hạn chế táo bón, mọi người cần điều chỉnh thói quen đi đại tiện hợp lý, tránh rặn mạnh khi đi tiêu.
  • Nhiều người mắc bệnh trĩ nhưng do tâm lý ngại ngùng hoặc chủ quan nên thường giấu bệnh, chỉ đến khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng mới chịu đi khám bác sĩ chuyên khoa. Hậu quả của việc này là thuốc trị bệnh trĩ không còn hiệu quả, người bệnh phải chịu đựng nhiều đau đớn do búi trĩ gây ra và việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn nhiều so với khi mới phát hiện bệnh.
  • Trong các trường hợp trĩ cấp độ 3 và 4, việc sử dụng thuốc trị bệnh trĩ thường không hiệu quả và bệnh nhân cần phải phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ. Nguyên nhân là do bệnh đã tiến triển nghiêm trọng, với búi trĩ sa ra ngoài và gây chảy máu nhiều, khiến thuốc không còn tác dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe