Chẩn đoán và điều trị viêm gan B theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Nếu không điều trị viêm gan B và kiểm soát kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan và các vấn đề sức khỏe khác. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về phác đồ điều trị viêm gan B theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BSCKII Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Phân biệt viêm gan B cấp tính và viêm gan B mãn tính

1.1 Viêm gan B cấp tính

Virus viêm gan B tồn tại trong cơ thể người dưới 6 tháng và người bệnh có thể điều trị viêm gan B dứt điểm. Khi mắc viêm gan B cấp tính, có thể xảy ra ba tình huống sau:

  • Hồi phục và tạo đáp ứng miễn dịch: Sau khi khỏi bệnh viêm gan B cấp tính, cơ thể có thể loại bỏ virus hoàn toàn trong vài tháng và tạo ra đáp ứng miễn dịch suốt đời.
  • Tiến triển thành viêm gan B mãn tính: Virus viêm gan B nếu không được loại bỏ khỏi cơ thể sẽ dẫn đến viêm gan B mạn tính, buộc người bệnh phải chung sống với virus suốt đời. Tuy hiện nay, bệnh đã có các loại thuốc kháng virus để điều trị nhưng bệnh nhân vẫn cần theo dõi và sàng lọc ung thư gan định kỳ để phát hiện sớm các tổn thương gan.
  • Tiến triển thành viêm gan tối cấp: Nhiều tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến suy gan cấp, có thể gây tử vong. Tuy nhiên, tỷ lệ xảy ra trường hợp này khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 1%.

1.2 Viêm gan B mãn tính

Viêm gan B mãn tính được xác định khi virus viêm gan B tồn tại trong cơ thể người hơn 6 tháng. Khi một người được chẩn đoán mắc viêm gan B mãn tính, điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải sống chung với virus suốt đời vì bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn.  

Triệu chứng viêm gan B mạn tính thường không biểu hiện rõ ràng, khiến nhiều người chủ quan và bỏ lỡ cơ hội phát hiện sớm. Một số dấu hiệu sau đây mọi người không nên bỏ qua:

  • Rối loạn tiêu hóa
  • Vàng da, vàng mắt
  • Sốt nhẹ
  • Cơ thể mệt mỏi không rõ lý do 
Cơ thể mệt mỏi không rõ lý do là một trong những triệu chứng viêm gan B mãn tính.
Cơ thể mệt mỏi không rõ lý do là một trong những triệu chứng viêm gan B mãn tính.

2. Cách chẩn đoán viêm gan B

2.1 Chẩn đoán qua triệu chứng lâm sàng

Viêm gan B thường âm thầm tấn công cơ thể với những triệu chứng ban đầu rất mờ nhạt, khiến nhiều người chủ quan và bỏ qua, dẫn đến việc phát hiện bệnh muộn. Tuy nhiên, đừng lo lắng, một số dấu hiệu sau đây sẽ giúp mọi người nhận biết sớm liệu bản thân có mắc viêm gan B hay không:

  • Sốt nhẹ
  • Không có cảm giác thèm ăn
  • Buồn nôn, hay nôn
  • Mệt mỏi, đầu óc mơ màng, thiếu tập trung
  • Vàng da
  • Tiểu ít, nước tiểu sẫm màu
  • Đau tức vùng gan
  • Ngứa ngáy
  • Phân bạc màu

2.2 Những xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B

Các xét nghiệm dưới đây là những công cụ quan trọng giúp chẩn đoán chính xác căn bệnh viêm gan B:

  • Xét nghiệm HBsAg: HBsAg là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Khi xét nghiệm máu cho kết quả HBsAg dương tính (HBsAg (+)), đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị nhiễm virus viêm gan B.
  • Xét nghiệm Anti-HBs: Giúp đánh giá khả năng miễn dịch của cơ thể đối với virus viêm gan B. Kết quả xét nghiệm anti-HBs dương tính cho thấy cơ thể đã tạo ra kháng thể chống lại virus do đã tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh. Nồng độ kháng thể cao hơn 10mUI/ml được xem là có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi virus viêm gan B. 
Xét nghiệm Anti-HBs là một trong những xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B.
Xét nghiệm Anti-HBs là một trong những xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B.

Đây là hai xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán viêm gan B và đánh giá khả năng miễn dịch của cơ thể đối với virus này. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác như xét nghiệm men gan AST, ALT, HBeAg, Anti-HBe, Anti-HBc,... để đánh giá chi tiết hơn về chức năng gan, lượng virus và khả năng nhân lên của virus, từ đó đưa ra phác đồ điều trị viêm gan B phù hợp cho từng bệnh nhân.

3. Viêm gan B mãn tính có chữa được không?

Theo các chuyên gia y tế, hiện chưa có phương pháp điều trị nào đạt hiệu quả và dứt điểm đối với viêm gan B mãn tính. Vì vậy, quá trình điều trị viêm gan B chủ yếu tập trung vào việc khống chế hoạt động của virus HBV trong cơ thể, từ đó giảm tổn thương gan và giúp người bệnh có thể sống hòa bình với bệnh lý này.

4. Cách điều trị viêm gan B cấp tính và mãn tính

4.1 Điều trị dự phòng trước khi phơi nhiễm

Nếu một người nghi ngờ bản thân đã tiếp xúc với virus viêm gan B, hãy đến gặp bác sĩ ngay để đảm bảo an toàn. Việc xác định bản thân đã được tiêm phòng viêm gan B hay chưa là rất quan trọng. Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về thời điểm, mức độ tiếp xúc với virus để đưa ra chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị viêm gan B phù hợp.

Globulin miễn dịch, hay còn gọi là kháng thể, giúp bảo vệ cơ thể khỏi virus viêm gan B nếu được tiêm trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với virus. Tuy nhiên, tác dụng bảo vệ của kháng thể chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Do đó, bệnh nhân nên tiêm thêm vắc xin viêm gan B để có miễn dịch lâu dài, đặc biệt nếu bệnh nhân chưa từng tiêm phòng trước đây.

4.2 Điều trị viêm gan B  theo quyết định số 5448/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2014

4.2.1 Điều trị viêm gan B cấp tính

Chủ yếu là hỗ trợ tăng cường sức khỏe của người bệnh:

  • Không cần dùng thuốc: Viêm gan B cấp tính đa phần tự khỏi mà không cần thuốc, chỉ cần theo dõi và tái khám định kỳ theo hướng dẫn bác sĩ.
  • Nghỉ ngơi: Để hồi phục sức khỏe, bệnh nhân cần hạn chế tối đa mọi hoạt động trong giai đoạn có triệu chứng.
  • Chế độ dinh dưỡng: Bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi để cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết.
  • Hạn chế chất béo: Hãy hạn chế chất béo, giảm muối, kiêng rượu bia và tránh sử dụng thuốc chuyển hóa qua gan.
  • Uống nhiều nước: Uống nhiều nước để hỗ trợ quá trình trao đổi chất và loại bỏ các chất độc hại khỏi cơ thể.
  • Sau khi khỏi bệnh: Người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ để bảo vệ gan và ngăn ngừa tái phát bệnh.

4.2.2 Điều trị viêm gan B mãn tính

Thuốc ức chế sao chép virus viêm gan B (dùng đường uống): Điều trị viêm gan B bằng thuốc kháng virus đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn sử dụng để ngăn ngừa virus tạo ra các chủng mới có khả năng kháng thuốc, qua đó đảm bảo hiệu quả điều trị lâu dài.

  • Tenofovir (TDF) với liều dùng 300mg/ngày hoặc entecavir (ETV) với liều dùng 0,5mg/ngày.
  • Lamivudin (LAM): 100mg mỗi ngày được dùng cho bệnh nhân xơ gan mất bù và phụ nữ mang thai.
  • Adefovir (ADV): Dùng phối hợp với lamivudine khi có dấu hiệu kháng thuốc. 
Để điều trị viêm gan B mãn tính, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc ức chế sao chép virus viêm gan B (dùng đường uống).
Để điều trị viêm gan B mãn tính, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc ức chế sao chép virus viêm gan B (dùng đường uống).

Thuốc tiêm interferon: Thuốc kích thích hệ miễn dịch tấn công virus và tế bào nhiễm virus, bao gồm 2 loại tiêm:

  • Interferon alpha: Tiêm dưới da 3-5 lần/tuần.
  • Peg-interferon alpha: Tiêm dưới da 1 lần/tuần.

Liệu trình điều trị viêm gan B bằng thuốc tiêm interferon thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Do thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ để kịp thời xử trí. Việc sử dụng thuốc tiêm interferon được ưu tiên cho những trường hợp sau:  

  • Phụ nữ mong muốn mang thai.
  • Bệnh nhân đồng thời nhiễm virus viêm gan B và virus viêm gan D.
  • Những người không dung nạp hoặc thất bại điều trị với các thuốc ức chế sao chép virus đường uống.

Tác dụng phụ:

  • Thuốc uống kháng virus: Thuốc kháng virus đường uống thường an toàn, ít gặp tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số loại như Adefovir và Tenofovir có thể gây hại cho thận (nhưng rất hiếm gặp).
  • Thuốc tiêm interferon: Thuốc tiêm interferon có nhiều tác dụng phụ hơn, phổ biến là mệt mỏi, buồn nôn, nôn, chán ăn, giả cúm. Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây dị ứng, rụng tóc và giảm số lượng bạch cầu.

4.3 Điều trị cho một số trường hợp đặc biệt

Viêm gan B mãn tính ở trẻ em:

  • Entecavir (ETV): Dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và cân nặng từ 10kg trở lên, liều lượng thay đổi theo cân nặng.  

Trong trường hợp kháng lamivudin (LAM), liều ETV sẽ tăng gấp đôi.

  • Lamivudin (LAM): Dùng 1 lần/ngày.
  • Adefovir (ADV): Dùng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
  • Tenofovir (TDF): Dùng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên và cân nặng từ 35kg trở lên.
  • Interferon alpha: Dùng cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.

Phụ nữ mang thai:

Nếu phụ nữ phát hiện bản thân mắc viêm gan B mãn tính trong thời gian mang thai:

  • Thay vì điều trị viêm gan B ngay lập tức, có thể theo dõi sát sao triệu chứng và xét nghiệm để trì hoãn việc điều trị khi cần thiết.
  • Nếu buộc phải điều trị viêm gan B thì thường sẽ sử dụng thuốc TDF.

Phụ nữ đang điều trị viêm gan B mãn tính và muốn mang thai:

  • Nếu đang sử dụng ETV, ngừng ETV trước khi mang thai 2 tháng và chuyển sang sử dụng TDF.

Phụ nữ đang điều trị viêm gan B mãn tính và phát hiện mang thai:

  • Trong 3 tháng cuối thai kỳ, sử dụng TDF hoặc LAM.

Nhiễm đồng thời virus viêm gan B và viêm gan C:

  • Điều trị viêm gan B theo phác đồ chuẩn của viêm gan C.

5. Cách phòng ngừa viêm gan B

Hiện nay, biện pháp phòng bệnh viêm gan B hiệu quả nhất là tiêm vắc xin. Trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc xin trong vòng 24 giờ sau sinh và tiêm các liều nhắc lại khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi. Người chưa bị nhiễm viêm gan B (HBV) nên thực hiện xét nghiệm HBsAg và anti-HBs trước khi tiêm phòng. 

Hiện nay, biện pháp phòng bệnh viêm gan B hiệu quả nhất là tiêm vắc xin.
Hiện nay, biện pháp phòng bệnh viêm gan B hiệu quả nhất là tiêm vắc xin.

Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm:

  • Không dùng chung bơm kim tiêm: Tránh sử dụng chung các dụng cụ có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của bệnh nhân.
  • Quan hệ tình dục an toàn.
  • Xử lý vết thương đúng cách: Băng ngay các vết xước và vết thương hở, tránh để vết thương tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người nhiễm HBV.
  • Tập luyện thể dục thể thao: Thường xuyên rèn luyện để tăng cường sức khỏe và nâng cao thể lực.
  • Chế độ ăn uống hợp lý: Đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày.
  • Tránh xa rượu, bia, thuốc lá.

Tại Việt Nam, do tình trạng lạm dụng rượu bia và tiêu thụ thực phẩm độc hại, tỷ lệ mắc các bệnh lý gan mật, đặc biệt là viêm gan B ngày càng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị các bệnh lý này, Vinmec đã cho ra đời các gói sàng lọc gan - mật tiêu chuẩn, toàn diện và nâng cao. Những gói này giúp đánh giá chức năng gan mật thông qua các xét nghiệm và cận lâm sàng, đồng thời phát hiện sớm các nguy cơ và ung thư gan mật.

Trung tâm Gan - Mật - Tụy của Vinmec là một trong những trung tâm chuyên sâu được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Đây là bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công ghép gan từ người hiến sống. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và các chuyên gia gan mật đến từ nước ngoài, Vinmec mang lại sự yên tâm cho người bệnh trong quá trình thăm khám và điều trị.

Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho bệnh nhân đọc cái nhìn tổng quan về bệnh viêm gan B cũng như các phương pháp phòng ngừa và điều trị viêm gan B hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe