Hiện nay, mọi người khi có các vấn đề về mắt như đau mắt đỏ, cộm mắt, ngứa mắt... thường tự ý mua thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần Corticoid tại các nhà thuốc về dùng mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng các thuốc nhỏ mắt chứa Corticoid trong thời gian dài có nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như suy giảm thị lực, đục thủy tinh thể, trường hợp nặng có thể gây mù lòa.
1. Thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid
1.1. Chỉ định dùng thuốc
Thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần Corticoid có tác dụng chống viêm mạnh nhất và còn có tác dụng chống xuất tiết và chống dị ứng. Thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh bao gồm:
- Viêm mống mắt thể mi, viêm màng bồ đào
- Viêm kết mạc, giác mạc dị ứng (viêm kết mạc mùa xuân, viêm nhu mô giác mạc).
- Sau các phẫu thuật mắt.
- Viêm củng mạc
1.2. Chống chỉ định dùng thuốc
Một số trường hợp chống chỉ định điều trị với các thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid như sau:
- Viêm loét giác mạc (vì có nguy cơ gây nhũn tổ chức, chậm làm sẹo giác mạc). Vì vậy, người bệnh cần được thăm khám kỹ giác mạc với thuốc nhuộm mày Fluorescein để xác định chắc chắn rằng không có tình trạng viêm loét giác mạc trước khi chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt chứa Corticoid.
- Viêm loét giác mạc do virus Herpes simplex, do nấm: Hoạt chất corticoid có tác dụng không chỉ làm kìm hãm các phản ứng viêm mà còn ức chế cả sức chống đỡ của cơ thể đối với các tình trạng nhiễm trùng. Vì vậy, tạo điều kiện cho các chủng vi khuẩn khu trú ở kết mạc và giác mạc có môi trường thuận lợi để phát triển. Các nhiễm trùng có nguy cơ tiến triển ngày càng trầm trọng hơn, gây ra các biến chứng nặng trong khi các triệu chứng của bệnh nhân lại có vẻ được cải thiện.
1.3. Tác dụng phụ khi dùng thuốc
Người bệnh sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid thường có nguy cơ mắc 2 tác dụng phụ có hại như sau:
Hai tác dụng phụ này thường gặp nhất với loại thuốc Dexamathason và ít gặp với loại thuốc Hydrocortison. Các thuốc như Clobetason và Fluorometholon là các thuốc corticoid ít gây ra biến chứng tăng nhãn áp.
1.4 Một số lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid
Hiện nay, các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid được bán phổ biến trên thị trường với nhiều tên thương mại như Polydexa, Neodex, Polycecaron, Dexacol... Các thuốc này có thể mua với giá rẻ và dễ dàng tại hầu hết các nhà thuốc mà không cần kê đơn của bác sĩ. Do đó, người bệnh khi có bất kỳ triệu chứng nào ở mắt như đau mắt đỏ, ngứa, gỉ mắt hay thậm chí chỉ là những vấn đề do thói quen sinh hoạt hàng ngày như sử dụng máy tính và điện thoại nhiều giờ liên tục gây mỏi mắt, đỏ mắt do bụi đường... chỉ cần dùng các loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid vài lần đã cải thiện các triệu chứng trên đáng kể. Việc làm này có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng ngày càng nặng hơn và có thể gây tổn thương mắt vĩnh viễn.
Nếu người bệnh muốn sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt. Không được lạm dụng thuốc và sử dụng một cách tùy tiện. Về nguyên tắc, loại thuốc này được chỉ định dùng từ một tuần đến 10 ngày, tình trạng bệnh thuyên giảm hay không vẫn phải bắt buộc đổi thuốc khác. Một số bệnh liên quan đến dị ứng, miễn dịch như viêm màng bồ đào là bệnh mãn tính, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid lâu hơn, thậm chí suốt đời, song phải tuân theo nguyên tắc giảm dần liều và theo dõi chặt chẽ các biến chứng trong suốt quá trình dùng thuốc.
2. Thuốc nhỏ mắt không có Corticoid
Các thuốc nhỏ mắt không có corticoid được sử dụng khá thường xuyên trên lâm sàng và được bác sĩ kê đơn cho nhiều bệnh khác nhau. Một số thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay như Ketorolac, Indomethacin, Bromfenac, Nepafenac...với các tác dụng là chống tình trạng viêm sau phẫu thuật mắt, giảm ngứa trong các bệnh viêm kết mạc dị ứng và phòng ngừa co đồng tử trong quá trình phẫu thuật mắt.
Không giống như các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid, thuốc nhỏ mắt không chứa corticoid có tác dụng yếu hơn so với các thuốc chứa corticoid nhưng không gây ra những tác dụng phụ nặng nề như tăng tăng áp, đặc biệt trong trường hợp người bệnh phải dùng thuốc trong một thời gian dài. Một số trường hợp được ghi nhận khi người bệnh dùng thuốc nhỏ mắt loại này có cảm giác chói khi nhỏ thuốc và nếu dùng kéo dài có thể gây độc biểu mô giác mạc.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến thuốc nhỏ mắt không chứa corticoid và chứa corticoid. Người bệnh cần lưu ý khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nhỏ mắt nào phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nhằm dùng thuốc đúng chỉ định để bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt.