Thuốc Cefuroxim 500mg thuộc nhóm kháng sinh cephalosporin, được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn như viêm đường tiết niệu, viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn tiêu hóa... Cefuroxim 500mg là thuốc kê đơn, người bệnh không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
1. Thuốc Cefuroxim 500mg trị bệnh gì?
1.1. Chỉ định sử dụng thuốc Cefuroxim 500mg
Thuốc Cefuroxim 500mg chứa hoạt chất cefuroxim axetil (tương đương 500mg cefuroxim) và các tá dược gồm colloidal silicon dioxyd, cellulose tinh thể, natri lauryl sulfat, hypromellose, magnesi stearat, propylen glycol, talc... Thuốc thuộc nhóm kháng sinh Cephalosporin, được chỉ định dùng trong điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm trong các trường hợp sau:
- Các loại vi khuẩn nhạy cảm gây ra nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới (viêm phế quản cấp, viêm phổi, viêm phế quản mạn); nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (viêm xoang, viêm tai giữa, viêm họng, viêm amidan); nhiễm khuẩn đường tiết niệu – sinh dục (viêm bàng quang, viêm bể thận, viêm niệu đạo);
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm (chốc lở, mủ nhọt); điều trị bệnh Lyme ở giai đoạn đầu với các triệu chứng như ban đỏ da loang do Borrelia burgdorferi.
1.2. Dược lực học
Cefuroxim là kháng sinh có hoạt tính kháng khuẩn rộng, cơ chế kháng khuẩn được chứng minh là ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn bằng cách gắn vào các protein đích (protein gắn penicilin). Vì vậy, trong nhiều trường hợp nguyên nhân kháng thuốc của vi khuẩn là tiết ra enzym cephalosporinase hoặc biến đổi các protein gắn penicilin. Trong đó, hoạt tính kháng khuẩn hữu hiệu và đặc trưng nhất của Cefuroxim là trên các tác nhân gây bệnh thông thường, bao gồm là các chủng vi khuẩn tiết beta – lactamase/cephalosporinase của vi khuẩn gram âm và dương.
Cefuroxim bền vững với nhiều enzym beta – lactamase của các vi khuẩn gram âm. Hoạt tính kháng khuẩn bao gồm cả các loại cầu khuẩn gram âm và gram dương kỵ khí, ưa khí, chủng Staphylococcus tiết penicilinase. Kháng sinh Cefuroxim có nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) thấp đối với các chủng vi khuẩn Streptococcus (nhóm A, B, C và G); chủng Meningococcus và Gonococcus. Tuy nhiên cùng với việc lạm dụng kháng sinh thì tỷ lệ đề kháng và nồng độ MIC đối với các chủng này cũng đã thay đổi. Cụ thể, các chủng vi khuẩn Bacteroides fragilis, Enterobacter, Proteus indol dương tính đã giảm độ nhạy đối với cefuroxim. Các chủng vi khuẩn Campylobacter spp, Clostridium difficile, Pseudomonas spp, Legionella spp và Acinetobacter calcoaceticus đều không nhạy đối với Cefuroxim. Các nghiên cứu gần đây về tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam cho thấy các chủng vi khuẩn Haemophilus influenzae phân lập từ trẻ em khỏe mạnh có tỷ lệ đề kháng Cefuroxim cao. Đây là dấu hiệu xấu cho thấy cần phải hạn chế dùng kháng sinh phổ rộng, chỉ dùng ở những người bệnh nhiễm khuẩn nặng.
1.3. Dược động học
Cefuroxim axetil được hấp thu một cách nhanh chóng qua đường tiêu hóa sau khi uống, sau đó bị thủy phân tại niêm mạc ruột và trong máu, phóng thích cefuroxim vào trong hệ tuần hoàn.
Cefuroxim được hấp thu tốt nhất khi dùng trong bữa ăn. Nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương thay đổi phụ thuộc vào dạng thuốc là hỗn dịch hoặc viên uống. Trong đó, nồng độ đỉnh trong huyết tương khi dùng dạng thuốc hỗn dịch đạt 75% khi dùng dạng viên uống. Khoảng 50% thuốc dùng trong hệ tuần hoàn liên kết với protein huyết tương, thời gian bán thải (t1/2) khoảng 70 phút và có xu hướng kéo dài hơn ở người bệnh suy thận, trẻ sơ sinh.
Thuốc được phân bố rộng khắp các mô trong cơ thể, bao gồm cả đờm, dịch màng phổi, hoạt dịch, xương và thủy dịch. Trong đó thể tích phân bố (Vd) biểu kiến ở người lớn khỏe mạnh trong khảng từ 9.3 – 15.8 l/1.73m2. Thuốc có thể đi qua hàng rào máu não trong trường hợp viêm màng não, qua nhau thai và bài tiết được vào sữa mẹ với nồng độ thấp.
Thuốc Cefuroxim không bị chuyển hóa và thải trừ ở dạng không đổi, trong đó khoảng 50% thuốc bài tiết ở ống thận và 50% bài tiết qua lọc cầu thận. Ngoài ra, một lượng nhỏ thuốc được thải trừ qua mật. Cefuroxim đạt nồng độ cao trong nước tiểu.
2. Liều dùng thuốc Cefuroxim 500mg
2.1. Liều dùng thuốc Cefuroxim 500mg
Liều dùng thuốc Cefuroxim 500mg phụ thuộc vào người bệnh cũng như tình trạng bệnh lý và nên được uống trong bữa ăn. Lưu ý nên dùng thuốc Cefuroxim 500mg theo liệu trình 5 – 10 ngày, thông thường là 7 ngày. Cụ thể như sau:
- Đối với người lớn:
- Viêm phế quản cấp hoặc mãn tính, nhiễm khuẩn thứ phát, nhiễm khuẩn da và mô mềm không biến chứng: Uống 250 – 500mg cefuroxim, lặp lại lần uống sau 12 giờ;
- Viêm xoang hàm, viêm họng, viêm amidan: Uống 250 – 500mg cefuroxim, lặp lại lần uống sau 12 giờ;
- Viêm niệu đạo không biến chứng, bệnh lậu cổ tử cung, bệnh trực tràng không biến chứng ở phụ nữ: Dùng liều duy nhất 1g cefuroxim;
- Bệnh Lyme mới mắc phải: Uống 500mg cefuroxim 2 lần/ngày.
- Đối với trẻ em:
- Viêm amidan, viêm họng: Uống 250mg/ngày;
- Chốc lở, viêm tai giữa: Uống 250mg/lần Cefuroxim, dùng 2 lần mỗi ngày hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ;
2.2. Xử trí khi quá liều thuốc
Bên cạnh giải đáp các vấn đề liên quan đến câu hỏi “thuốc cefuroxim 500mg chữa bệnh gì?” thì cách xử trí khi dùng quá liều cũng cần được quan tâm. Theo đó, phần lớn người bệnh dùng quá liều thuốc sẽ gặp triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, nôn. Một số ít trường hợp bị kích thần kinh dẫn đến các cơn co giật, đặc biệt là ở người suy thận. Sau đây là cách xử trí khi dùng quá liều thuốc Cefuroxim 500mg:
- Bảo vệ hệ hô hấp của người bệnh bằng các biện pháp làm thoáng khí rồi mới tiến hành truyền dịch. Trường hợp xuất hiện các cơn co giật, cần ngưng sử dụng thuốc ngay và xử trí bằng các biện pháp chống co giật;
- Loại bỏ thuốc ra khỏi máu bằng các biện pháp thẩm tách máu, thẩm phân phúc mạc.
3. Tác dụng phụ
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc cefuroxim 500mg như sau:
- Sốt cao đột ngột, ớn lạnh, đau khớp, nổi mẩn ngứa và sưng hạch;
- Xuất hiện các triệu chứng như động kinh, đau ngực, tim đập nhanh, có máu lẫn trong nước tiểu hoặc phân, tiêu chảy...;
- Phát ban, vàng da, da nhợt nhạt, bầm tím, bong tróc;
- Đi tiểu ít, khát nước nhiều, ăn không ngon, tăng cân đột ngột, sưng cơ, khó thở hoặc tê;
- Các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn như nhức đầu, buồn nôn, ngứa âm đạo, nghẹt mũi.
4. Lưu ý khi dùng thuốc
4.1. Chống chỉ định và thận trọng
Một số đối tượng cần thận trọng và chống chỉ định khi dùng thuốc kháng sinh cefuroxim 500mg như sau:
- Người mắc bệnh thận: Quá trình đào thải thuốc chủ yếu xảy ra ở thận, vì vậy sử dụng cefuroxim ở người mắc bệnh thận làm tăng gánh nặng và suy giảm chức năng thận. Vì vậy, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị khi mắc các bệnh lý như sỏi thận, suy thận, viêm cầu thận... để có thể thay thế thuốc an toàn hoặc chỉnh liều lượng phù hợp;
- Người cao tuổi: Sử dụng thuốc Cefuroxim ở người cao tuổi dễ gây ảnh hưởng đến chức năng thận, giảm quá trình đào thải thuốc nên ra nhiều tác dụng phụ.
4.2. Tác động của thuốc trên các đối tượng đặc biệt
Thuốc Cefuroxim 500mg có dùng được cho bà bầu và phụ nữ đang cho con bú hay không? Theo đó, tác động của thuốc Cefuroxim trên các đối tượng đặc biệt cụ thể như sau:
- Phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có nghiên cứu xác định được rủi ro của thuốc đối với thai nhi. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ;
- Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc qua được tuyến sữa nên có thể gây các tác dụng không mong muốn cho trẻ;
- Người lái xe và vận hành máy móc: Cefuroxim không ảnh hưởng tới khả năng lái xe, vận hành máy móc.
5. Tương tác thuốc
Thuốc Cefuroxim 500mg có thể tương tác với một số thuốc khi dùng cùng như sau:
- Tương tác giảm tác dụng: Natri bicarbonat và ranitidin làm giảm tác dụng của cefuroxim axetil. Vì vậy, uống cefuroxim cách xa các thuốc trên ít nhất 2 giờ.
- Tăng tác dụng: Liều cao probenecid làm giảm độ thanh thải cefuroxim tại thận, làm nồng độ cefuroxim trong huyết tương cao và kéo dài hơn.
- Tăng độc tính: Sử dụng cùng cefuroxim và aminoglycosid làm tăng nguy cơ nhiễm độc thận.
Tóm lại, thuốc Cefuroxim 500mg thuộc nhóm kháng sinh Cephalosporin, được chỉ định dùng trong điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Để sử dụng an toàn và hiệu quả, người bệnh nên tư vấn ý kiến bác sĩ và dùng thuốc theo đúng chỉ định.