Công dụng thuốc Spiramycin

Thuốc Spiramycin là một thuốc thường được sử dụng trên lâm sàng để điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn. Vậy công dụng của thuốc Spiramycin là gì và cách sử dụng loại thuốc này như thế nào?

1. Công dụng của thuốc Spiramycin

Thuốc Spiramycin có thành phần chính là Spiramycin, đây là một kháng sinh nhóm macrolid có phổ kháng khuẩn tương tự như thuốc erythromycin. Thuốc Spiramycin có tác dụng kìm khuẩn trên vi khuẩn đang phân chia tế bào.

Cơ chế tác dụng của thuốc Spiramycin là ngăn không cho vi khuẩn tổng hợp protein. Ở các nồng độ thuốc trong huyết thanh, thuốc có tác dụng chủ yếu kìm khuẩn, nhưng khi đạt được nồng độ cao, thuốc có thể diệt khuẩn chậm đối với vi khuẩn nhạy cảm.

Ở những nơi có mức kháng thuốc thấp, thuốc spiramycin có tác dụng kháng các chủng Gram dương. Tuy nhiên, Spiramycin không có tác dụng với vi khuẩn Gram âm ở đường ruột. Đã có đề kháng với thuốc Spiramycin, trong đó có kháng chéo giữa spiramycin, erythromycin và oleandomycin.

Thuốc Spiramycin được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Là thuốc được lựa chọn thứ hai để điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, da và sinh dục do các chủng vi khuẩn nhạy cảm (trong trường hợp không dùng được beta-lactam).
  • Điều trị dự phòng bệnh viêm màng não do Meningococcus, khi có chống chỉ định với rifampicin.
  • Dự phòng tái phát thấp khớp cấp ở người bị dị ứng với penicilin.
  • Dự phòng chứng nhiễm Toxoplasma bẩm sinh trong thời kỳ mang thai.

Thuốc Spiramycin chống chỉ định trong các trường hợp có tiền sử mẫn cảm với Spiramycin hoặc với các thuốc kháng sinh khác thuộc nhóm macrolid, hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.

Lưu ý khi dùng thuốc Spiramycin:

  • Do thuốc Spiramycin có thể gây độc cho gan, vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc cho người có rối loạn chức năng gan.
  • Thận trọng khi sử dụng cho người bị bệnh tim, rối loạn nhịp tim, bao gồm cả người có xu hướng kéo dài khoảng QT.
  • Khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Spiramycin, nếu thấy phát hồng ban toàn thân có sốt, cần phải ngừng thuốc vì có thể bị bệnh mụn mủ ngoại ban cấp. Trường hợp này cần phải chống chỉ định, và không được dùng lại thuốc Spiramycin.

2. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Spiramycin

Cách dùng thuốc Spiramycin như sau:

  • Liều lượng và hoạt lực của thuốc Spiramycin được biểu thị bằng đơn vị quốc tế IU hoặc mg. 1mg Spiramycin sẽ tương đương với khoảng 3000 IU.
  • Dạng thuốc dùng đường uống, cần uống thuốc Spiramycin trước bữa ăn ít nhất 2 giờ hoặc sau bữa ăn 3 giờ, để thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
  • Khi đã dùng thuốc Spiramycin thì phải theo hết đợt điều trị.
  • Thuốc Spiramycin cũng được phối hợp trong cùng chế phẩm với metronidazol.

Liều lượng thuốc Spiramycin cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, liều tham khảo cho các trường hợp cụ thể như sau:

  • Dùng đường uống:
    • Người lớn: Sử dụng liều 6.0 – 9.0 triệu IU/ ngày, chia 2 – 3 lần. Đối với trường hợp nhiễm khuẩn nặng, liều dùng có thể lên tới 15.0 triệu IU/ ngày, chia làm nhiều lần.
    • Trẻ em: Sử dụng liều 150.000 IU/ kg thể trọng/ 24giờ, chia làm 3 lần.
  • Dự phòng viêm màng não do não mô cầu:
    • Người lớn: Sử dụng liều 3.0 triệu IU/ 12 giờ, trong 5 ngày.
    • Trẻ em (viên 1,5 triệu IU): Sử dụng liều 75.000 IU/ 12 giờ, trong 5 ngày.
  • Dùng đường tĩnh mạch (dùng cho người lớn): Sử dụng truyền tĩnh mạch chậm với liều 1.5 triệu IU, cứ 8 giờ một lần. Nếu nhiễm khuẩn nặng liều dùng có thể tăng lên gấp đôi. Nên chuyển từ dạng truyền tĩnh mạch sang đường uống ngay khi tình trạng lâm sàng cho phép.

Khi dùng thuốc Spiramycin liều cao, có thể gây các rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Có thể có hiện tượng khoảng QT kéo dài và sẽ hết dần khi ngừng điều trị.

Trong trường hợp quá liều thuốc Spiramycin, bệnh nhân nên được làm điện tâm đồ để đo khoảng QT, đặc biệt là khi có kèm theo các nguy cơ khác (như là giảm kali huyết, khoảng QT kéo dài bẩm sinh, kết hợp dùng các thuốc kéo dài khoảng QT và/ hoặc gây xoắn đỉnh). Không có thuốc giải độc cho Spiramycin, điều trị quá liều chủ yếu là điều trị triệu chứng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Spiramycin

Thuốc Spiramycin hiếm khi gây tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Spiramycin bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn, khó tiêu, tiêu chảy, các tác dụng này thường gặp khi dùng đường uống.
  • Kích ứng tại chỗ tiêm.
  • Chóng mặt, đau đầu.

Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Spiramycin bao gồm:

  • Mệt mỏi, đổ mồ hôi, chảy máu cam, cảm giác đè ép ngực.
  • Viêm kết tràng cấp.
  • Dị cảm tạm thời, loạn cảm, đau, cứng cơ và khớp nối, lảo đảo, cảm giác nóng rát, nóng đỏ bừng (khi tiêm tĩnh mạch).
  • Ban da, ngoại ban, mày đay.

Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Spiramycin bao gồm:

  • Phản ứng phản vệ, bội nhiễm do dùng thuốc Spiramycin đường uống dài ngày.
  • Kéo dài khoảng QT.

4. Tương tác thuốc Spiramycin với các loại thuốc khác

  • Dùng thuốc Spiramycin đồng thời với thuốc uống tránh thai sẽ làm mất tác dụng phòng tránh thai.
  • Thuốc Spiramycin làm giảm nồng độ của thuốc levodopa trong máu khi dùng đồng thời.
  • Thuốc Spiramycin ít hoặc không ảnh hưởng đến hệ enzym Cytochrom P450 ở gan. Vì vậy, so với thuốc Erythromycin, thuốc Spiramycin ít có tương tác hơn với các thuốc được chuyển hóa bởi hệ enzym này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe