Thuốc kháng sinh là một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị các viêm nhiễm do vi khuẩn gây nên. Mỗi một loại kháng sinh lại có thể được sử dụng phổ biến hơn cho tình trạng viêm nhiễm ở một hệ cơ quan nào đó trên cơ thể. Và nếu bạn đang bị nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc hệ tiết niệu bạn có thể gặp loại thuốc này - thuốc Cefbuten 200mg. Vậy thuốc Cefbuten 200 có tác dụng gì? Nên lưu ý gì khi sử dụng thuốc?
1. Thuốc Cefbuten 200 mg là gì?
Cefbuten 200mg là một kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn thuộc nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 trong nhóm Beta Lactam.
Cefbuten 200mg có hoạt chất chính là ceftibuten 200mg (dưới dạng Ceftibuten dihydrat) cùng với các tá dược, thuốc có dạng bào chế là viên nang cứng màu trắng- hồng.
Ceftibuten 200mg hoạt động thông qua cơ chế ức chế sự tổng hợp vách tế bào của vi khuẩn từ đó ly giải được vi khuẩn gây bệnh
2. Bạn nên uống cefbuten thế nào? – liều lượng uống
Bạn nên uống ceftibuten 200mg theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị và dưới đây là liều tham khảo:
- Với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi dùng 2 viên ceftibuten 200mg cho 1 lần uống duy nhất mỗi ngày, và dùng liên tục trong 10 ngày.
- Đối với trẻ em từ 6 tháng đến 12 tuổi liều thường dùng là 9mg/kg x 1 lần/ngày, dùng trong 10 ngày, liều tối đa 400mg/ngày.
- Liều thuốc sẽ thay đổi đối với các bệnh nhân có bệnh lý về thận.
3. Thuốc Cefbuten 200mg có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng điều trị của ceftibuten 200mg
Ceftibuten 200mg là thuốc kê theo đơn được các bác sĩ dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ và vừa do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra ở đường hô hấp, đường tiết niệu như:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: do các vi khuẩn Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, hoặc Streptococcus pneumoniae.
- Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính
- Viêm xoang hàm trên cấp
- Viêm phế quản cấp
- Viêm phổi
- Viêm tai giữa cấp gây ra bởi Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, hoặc Streptococcus pyogenes.
- Viêm họng, viêm amidan gây ra bởi Streptococcus pyogenes.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng hoặc không có biến chứng gây ra bởi vi khuẩn Escherichia coli, Enterobacter, Klebsiella, Proteus Mirabilis, hay Staphylococci.
3.2 Ceftibuten 200mg có thể gây ra những tác dụng phụ gì?
Ceftibuten 200mg có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như sau và khi gặp phải các tác dụng phụ này bạn phải gọi ngay cho bác sĩ:
- Tiêu chảy phân lỏng với rất nhiều nước hoặc có máu;
- Sốt, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể, các triệu chứng của cảm cúm;
- Chảy máu bất thường;
- Tiểu máu;
- Co giật;
- Da vàng hoặc xanh xao, nước tiểu sậm màu sốt, lú lẫn hoặc suy nhược;
- Vàng da;
- Sốt, sưng các tuyến, phát ban hoặc cảm giác yếu toàn thân hoặc ngứa, đau khớp;
- Sốt, đau đầu, đau họng kèm rát da nặng, lột da, nổi ban đỏ ở da;
- Khát nước nhiều, chán ăn, sưng phù, tăng cân, hụt hơi, tiểu tiện ít hoặc không tiểu tiện.
Các tác dụng phụ khác của ceftibuten 200mg ít nghiêm trọng hơn như:
- Đau dạ dày, buồn nôn, nôn, ợ hơi, táo bón, tiêu chảy nhẹ.
- Chóng mặt, đau đầu, buồn ngủ, cảm thấy mệt mỏi
- Dễ bị kích động, cáu gắt, lờ đờ hoặc quá hiếu động.
- Các rối loạn giấc ngủ (mất ngủ)
- Tê cóng hoặc cảm giác ngứa ran ở da
- Căng cứng cơ
- Nghẹt mũi, khó thở
- Ngứa hoặc âm đạo ít tiết dịch.
- Ngứa nhẹ hoặc phát ban ở da.
4. Những lưu ý và cách sử dụng thuốc Cefbuten 200mg
4.1 Lưu ý khi sử dụng thuốc Cefbuten 200mg
- Đối với phụ nữ có ý định mang thai, phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ cho con bú vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này, hãy đảm bảo rằng bạn luôn hỏi kiến của bác sĩ điều trị trước khi dùng thuốc.
- Nếu bạn là một tài xế xe lớn, xe đường dài hoặc người vận hành máy móc, hãy luôn thận trọng với các loại thuốc mà mình phải sử dụng, báo ngay với bác sĩ về tính chất công việc của bạn để được cho 1 đơn thuốc phù hợp
- Với những trẻ dưới 6 tuổi độ an toàn của thuốc hiện vẫn chưa được xác định.
4.2 Cách sử dụng thuốc Cefbuten 200mg
- Uống Cefbuten 200mg theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
- Tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá trong khi uống thuốc Ceftibuten 200mg.
- Hiệu lực của thuốc Ceftibuten dạng viên nang không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Vì vậy, khi bạn cảm thấy khó chịu ở dạ dày bạn có thể dùng thuốc chung với thức ăn.
- Không được tự ý sử dụng thuốc Cefbuten cũng như các kháng sinh nói chung, không tự ý ngưng hay thay đổi liều lượng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ
5. Một số bệnh lý có gây ảnh hưởng đến thuốc Cefbuten 200mg
- Người từng bị viêm đại tràng.
- Người có tiền sử bị tiêu chảy nặng vì Ceftibuten 200mg có thể làm cho các tình trạng này trầm trọng hơn.
- Thuốc ở dạng lỏng có chứa đường sucrose (dạng đường viên), nó có thể làm tình trạng bệnh tiểu đường nặng hơn.
- Vì Ceftibuten 200mg được đào thải qua thận, quá trình đào thải của thuốc ra khỏi cơ thể diễn ra chậm hơn nếu bệnh nhân bị các bệnh về thận, do đó dẫn đến các tác dụng của thuốc có thể tăng.
- Bệnh nhân sử dụng kháng sinh phổ rộng dài ngày cần được thận trọng theo dõi, do có thể phát triển quá mức các chủng không nhạy cảm.
- Tiền sử dị ứng với penicillin
- Tiền sử dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin được khuyến cáo không sử dụng thuốc Cefbuten 200mg.
6. Xử lí thế nào khi quên liều hoặc dùng quá liều ceftibuten 200mg
- Quên dùng 1 liều thuốc: hãy uống càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu quá gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều thuốc cefbuten 200mg đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như thường lệ. Không uống gấp đôi liều đã được chỉ định.
- Quá liều thuốc: hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được chỉ định súc rửa dạ dày, thẩm phân máu. Thuốc cefbuten 200mg không có chất giải độc đặc hiệu. Hiện vẫn chưa xác định được tính hữu hiệu của việc dùng phương pháp thẩm phân phúc mạc để loại bỏ thuốc ra khỏi cơ thể.
Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng đưa cho bác sĩ điều trị của bạn để tránh những tương tác thuốc là ảnh hưởng đến việc điều trị.
Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về thuốc Cefbuten. Việc dùng thuốc đúng liều lượng, mục đích sẽ mang đến kết quả tốt nhất cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.