Thuốc Atomoxetine: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Atomoxetine là thuốc điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý bên cạnh các hướng điều trị tâm lý, xã hội và nhiều biện pháp khác. Atomoxetine có thể giúp tăng khả năng chú ý, tập trung và ngừng bồn chồn. Cơ chế hoạt động của Atomoxetine bằng cách khôi phục sự cân bằng của một số chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên trong não.

1.Thuốc Atomoxetine là gì?

Atomoxetine là một chất ức chế tái hấp thu noradrenaline được sử dụng với vai trò là thuốc điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý làm cản trở khả năng hoạt động của một cá nhân ở trường học, cơ quan hoặc trong môi trường xã hội và bao gồm:

  • Thiếu chú ý (ví dụ: mắc lỗi bất cẩn, làm mất những thứ cần thiết cho nhiệm vụ)
  • Tăng động (ví dụ: không thể ngồi yên)
  • Tính bốc đồng (ví dụ: làm gián đoạn hoặc xâm phạm vào người khác)
  • Tăng động ít gặp hơn ở người lớn. Một người có thể bị mất chú ý nghiêm trọng nếu không có chứng tăng động hoặc bốc đồng.

Atomoxetine không phải là chất kích thích thần kinh trung ương, vì vậy thuốc khác với các phương pháp điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý khác. Thay vào đó, thuốc Atomoxetine tạo ra nhiều noradrenaline hơn trong não của người bệnh.

Những giả thiết về cơ chế tác dụng của atomoxetine được nhận định là chủ yếu tác động vào các dẫn truyền thần kinh tự nhiên trong não. Một trong những chất hóa học đó là norepinephrine. Chất dẫn truyền này được giải phóng từ các đầu dây thần kinh để mang thông điệp từ tế bào thần kinh này đến tế bào thần kinh khác trong não. Sau khi gửi tín hiệu đi, noradrenaline sẽ được các đầu dây thần kinh tái hấp thu trở lại và Atomoxetine là một phân tử ngăn quá trình này. Điều đó có nghĩa mức độ hoạt động của noradrenaline trong não sẽ tăng lên.

Mức độ noradrenaline cao hơn trong não giúp con người tỉnh táo hơn và sẵn sàng cho mọi hành động. Người bệnh sẽ cảm thấy như cơ thể được tăng cường sức khỏe và nhiều năng lượng hơn. Do đó, thuốc Atomoxetine sẽ giúp tăng cường sự chú ý và sự tập trung của người bệnh, đồng thời ngăn chặn được các hành động theo sự bốc đồng mà không suy nghĩ.

Tuy nhiên, khi mức độ noradrenaline cao hơn bên ngoài tuần hoàn não sẽ có tác dụng ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm tim, ruột và phổi. Theo đó, rất khó để dự đoán người bệnh sẽ bị ảnh hưởng bởi các tác dụng ngoại ý như thế nào, bởi đáp ứng thuốc ở mỗi người là khác nhau.

Tăng động giảm chú ý
Thuốc Atomoxetine được sử dụng trong điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý

2. Cách sử dụng thuốc Atomoxetine như thế nào?

Thuốc Atomoxetine có thể được dùng qua đường uống với dạng bào chế là viên nang có vỏ bọc bên ngoài chứa gelatin.

Song song đó, người bệnh cũng có thể dùng atomoxetine dưới dạng chất lỏng. Dung dịch uống của thuốc Atomoxetine có chứa sorbitol và bất kỳ ai không dung nạp fructose di truyền không nên dùng chất này. Hơn nữa, thành phần tá dược cũng chứa sucralose, tuy nhiên điều này sẽ không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của người bệnh nếu bị tiểu đường.

Người bệnh chỉ nên dùng thuốc atomoxetine theo chỉ định của bác sĩ với số lần dùng có thể từ một hoặc hai lần mỗi ngày. Người bệnh nên uống một liều vào buổi sáng lúc ăn sáng. Nếu cần dùng thuốc hai lần một ngày, có thể uống liều khác vào buổi chiều muộn hoặc đầu buổi tối. Trường hợp người bệnh dùng thuốc muộn hơn vào buổi tối có thể bị khó ngủ hơn.

Khi sử dụng, cần nuốt viên nang với một ít nước mà không cần nhai. Thuốc Atomoxetine không có tương quan với thức ăn nên không quan trọng việc uống trước hoặc sau bữa ăn. Không mở viên nang để lấy bột ra, vì có thể làm cay mắt. Nếu chẳng may đã tách viên nang, người bệnh nên rửa tay thật sạch. Nếu bột thuốc dính vào mắt, hãy rửa sạch bằng nước và đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Người bệnh sẽ chưa thể nhận được đầy đủ lợi ích của việc dùng atomoxetine trong bốn đến sáu tuần. Khi đã thấy hiệu quả của việc dùng atomoxetine cho rối loạn tăng động giảm chú ý, bác sĩ có thể sẽ chỉ định nên dùng thuốc trong ít nhất sáu tháng đến một năm.

Nếu quên uống một liều, người bệnh cần uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu quên uống vào buổi tối chỉ cần bắt đầu lại vào ngày hôm sau mà không dùng liều gấp đôi. Trong trường hợp quên uống thuốc trong một vài ngày, các triệu chứng có thể quay trở lại.

Atomoxetine không cần phải uống mãi mãi. Điều quan trọng là bác sĩ phải xem xét phương pháp điều trị này ít nhất một lần mỗi năm để xem liệu người bệnh có còn cần điều trị hay không.

Bác sĩ có thể thảo luận với bệnh nhân và gia đình về việc tạm dừng dùng thuốc để xem điều này ảnh hưởng đến người bệnh như thế nào. Đối với trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý, việc ngưng thuốc có thể được thực hiện trong các kỳ nghỉ ở trường học để không làm gián đoạn việc học của trẻ.

Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Người bệnh nên sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị

3. Những lưu ý gì khi dùng thuốc Atomoxetine?

Trong quá trình sử dụng thuốc Atomoxetine, cần lưu ý và cho bác sĩ biết nếu xảy ra các điều sau đây:

  • Nghi ngờ dị ứng thuốc
  • Đã từng có suy nghĩ về việc tự tử hay đã từng cố gắng lấy đi cuộc sống của chính mình trong quá khứ
  • Có vấn đề tim mạch hoặc cảm giác nhịp tim tăng lên
  • Bị huyết áp cao hay thấp
  • Chính bản thân hay một thành viên trong gia đình có tiền sử bệnh tim hoặc đột quỵ
  • Có vấn đề về gan
  • Đã từng có các triệu chứng rối loạn tâm thần bao gồm ảo giác (nghe thấy giọng nói hoặc nhìn thấy những thứ không có ở đó), tin những điều không có thật hoặc thêm nghi ngờ
  • Đã từng bị hưng cảm (cảm thấy phấn khích hoặc quá phấn khích, gây ra hành vi bất thường và kích động)
  • Đã có cảm giác hung hăng, không thân thiện hoặc tức giận bất thường
  • Có tiền sử bệnh động kinh hoặc bị co giật vì bất kỳ lý do nào khác
  • Có tâm trạng thất thường
  • Đã từng bị co giật lặp đi lặp lại ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể mà không thể kiểm soát hoặc lặp lại âm thanh và từ ngữ
  • Bị bệnh tăng nhãn áp góc hẹp
  • Bị u tuyến thượng thận

Nếu đang dùng một chất kích thích hệ thần kinh trung ương như methylphenidate, bác sĩ thường sẽ khuyên nên dùng thuốc này với atomoxetine trong một vài tuần khi người bệnh được chuyển đổi phương pháp điều trị. Điều này cho phép atomoxetine tích tụ trong hệ thống của cơ thể và có cơ hội bắt đầu hoạt động trước khi ngừng chất kích thích.

Nếu muốn mang thai, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết. Những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý khi muốn mang thai phải đối mặt với những quyết định quan trọng. Bởi lẽ rối loạn tăng động giảm chú ý nếu không được điều trị sẽ mang đến những rủi ro cho thai nhi cũng như người mẹ. Điều quan trọng là phải thảo luận về những rủi ro và lợi ích của việc điều trị với bác sĩ và những người chăm sóc. Về việc cho con bú, nên thận trọng vì không biết liệu atomoxetine có đi vào sữa mẹ hay không.

4. Các tác dụng phụ có thể có của Atomoxetine là gì?

Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Atomoxetine là:

  • Khó chịu vùng bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn, táo bón, khô miệng, nhức đầu
  • Cảm thấy buồn ngủ, uể oải hoặc yếu vào ban ngày, khó ngủ vào ban đêm
  • Giảm ham muốn tình dục hoặc tác dụng phụ tình dục
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, bí tiểu, bốc hỏa, đổ mồ hôi, mệt mỏi nghiêm trọng, cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng. Đây đều là những triệu chứng hiếm gặp.
  • Tăng nhịp tim và huyết áp
  • Nguy cơ chuyển sang hưng cảm và hưng cảm, đặc biệt ở những người bị rối loạn lưỡng cực
  • Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể gây độc tính gan, làm tăng suy nghĩ và hành vi tự tử, phù mạch và các biến chứng tim mạch

5. Những loại thuốc có thể tương tác với Atomoxetine?

Atomoxetine không nên dùng cùng với hoặc trong vòng hai tuần với thuốc chống trầm cảm ức chế monoamine oxidase (MAOIs), bao gồm cả phenelzine (Nardil®), Tranylcypromine (Parnate®), selegiline (Emsam®), isocarboxazid (Marplan®), hoặc kháng sinh linezolid (Zyvox®). Dùng atomoxetine cùng hoặc trong vòng 2 tuần sau MAOIs có thể dẫn đến co giật, sốt hoặc huyết áp cao nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.

Những loại thuốc sau có thể làm tăng hàm lượng và tác dụng của atomoxetine:

  • Paroxetine (Paxil®), Fluoxetine (Prozac®) và Quinidine (Quinidex®)
  • Thuốc điều trị hen suyễn / khó thở (ví dụ, albuterol) có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao và nhịp tim nhanh (nhịp tim nhanh) khi dùng atomoxetine.

Do tác dụng có thể có của atomoxetine đối với huyết áp, nên sử dụng thận trọng với các thuốc làm tăng hoặc giảm huyết áp khác.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần nên tránh uống rượu hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp trong khi đang dùng thuốc này. Chúng có thể làm giảm lợi ích (ví dụ: làm trầm trọng thêm tình trạng của bạn) và tăng tác dụng phụ (ví dụ: an thần) của thuốc.

Tương tác thuốc
Người bệnh không nên tự ý phối hượng thuốc vì chúng có thể gây tương tác với nhau

Tóm lại, thuốc Atomoxetine là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Thuốc atomoxetine được sử dụng ngoài các phương pháp điều trị không dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý. Vì có thể mất vài tuần trước khi nhận thấy những lợi ích đầy đủ của thuốc này, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ dẫn dùng thuốc của bác sĩ và vẫn phải tiếp tục dùng atomoxetine theo chỉ dẫn nhằm đạt hiệu quả kiểm soát bệnh.

Đối với những người mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, bác sĩ cũng có thể kết hợp thêm các phương pháp trị liệu tâm lý nhằm giúp tình trạng sức khỏe bệnh nhân cải thiện theo chiều hướng tốt nhất.

Phòng khám Tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City có chức năng khám, tư vấn, điều trị ngoại trú các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần. Với trang thiết bị hiện đại cùng với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, phòng khám có khả năng triển khai các trắc nghiệm tâm lý, liệu pháp tâm lý chuyên sâu phục vụ công tác khám chữa bệnh. Vì thế, khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng và chất lượng thăm khám và điều trị tại bệnh viện.

Nguồn tham khảo: nami.org - youngminds.org.uk - webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan