Aticef 500 mg và Aticef 250 mg là thuốc được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thông tin về sản phẩm thuốc Aticef, tuy nhiên còn chưa đầy đủ. Vậy thuốc Aticef nên được sử dụng thế nào?
1. Thuốc Aticef 500 mg và Aticef 250 mg là thuốc gì?
1.1. Thuốc Aticef 500mg
Thuốc Aticef 500mg có thành phần chính là Cefadroxil. Thuốc dùng để điều trị nhiễm khuẩn nhẹ và vừa ở đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục, da - mô mềm,...
Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang cứng với thành phần:
- Cefadroxil Monohydrat thì tương ứng với Cefadroxil 500 mg.
- Tá dược (như Magie Stearat, bột Talc, Aerosil...) vừa đủ 1 viên.
1.2. Thuốc Aticef 250 mg
Dạng bào chế là thuốc bột pha hỗn dịch uống. Thuốc Aticef 250 có thành phần gồm:
- Cefadroxil Monohydrat tương đương với hàm lượng 250mg Cefadroxil.
- Tá dược vừa đủ 1 gói.
2. Công dụng thuốc Aticef là gì?
Thuốc Aticef được bác sĩ kê đơn sử dụng trong các trường hợp điều trị nhiễm khuẩn từ mức độ nhẹ đến vừa, do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra bao gồm:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Viêm amidan, viêm mũi - xoang, viêm tai giữa, viêm họng, viêm thanh quản. Viêm phế quản cấp và mạn tính, viêm phế quản - phổi, viêm phổi thùy, viêm mủ màng phổi, áp xe phổi, viêm màng phổi.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục: Viêm bàng quang, viêm thận – đài bể thận cấp và mạn tính, viêm niệu đạo, nhiễm khuẩn phụ khoa.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm: viêm quầng, mụn nhọt, viêm mô tế bào, viêm hạch bạch huyết, áp xe, loét ép do nằm lâu, viêm vú.
- Các nhiễm khuẩn khác: Viêm xương tủy, viêm cơ xương, viêm xương khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn trong sản khoa.
2.1. Tác dụng của thuốc Aticef 250 mg
Cefadroxil chính là một kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm Cephalosporin. Hoạt chất này còn có thời gian hoạt động kéo dài do có thời gian bán phân hủy dài trong huyết thanh.
Cefadroxil ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn, vì thế Cefadroxil có tác dụng chính là điều trị nhiễm khuẩn, ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn. Phổ tác dụng rộng trên vi khuẩn gram dương và gram âm và tương tự với phổ tác dụng của kháng sinh Cephalosporin thế hệ I:
- Cefadroxil có thể có tác dụng trên một số vi khuẩn gram dương như: Streptococcus pyogenes, Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus tan huyết nhóm A,...
- Cefadroxil có thể có tác dụng trên vi khuẩn gram âm như: E.coli, Klebsiella pneumoniae, H. influenzae,...
2.2. Tác dụng của thuốc Aticef 500mg
Thuốc được chỉ định sử dụng trong các trường hợp điều trị nhiễm khuẩn từ nhẹ đến vừa do các vi khuẩn nhạy cảm bao gồm:
Viêm amidan, viêm họng, viêm tai giữa, viêm mũi xoang và viêm thanh quản.
- Viêm phế quản, viêm phổi, viêm phổi thùy, viêm phế quản cấp tính và mãn tính, áp xe phổi, viêm mủ màng phổi và viêm màng phổi.
Cefadroxil không bị chuyển hóa. Hơn 90% liệu sử dụng thải trừ ở trong nước tiểu ở dạng không đổi trong vòng 24 giờ qua lọc cầu thận và bài tiết ở ống thận. Cefadroxil cũng được đào thải nhiều qua thẩm tách thận nhân tạo.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu và sinh dục: Viêm thận, bể thận cấp và mạn tính, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, nhiễm khuẩn phụ khoa.
Nhiễm khuẩn da và mô mềm: Nhọt, viêm quầng, viêm hạch bạch huyết, áp xe, viêm mô tế bào, loét do nằm lâu và viêm vú.
Các nhiễm khuẩn khác: Viêm cơ xương, viêm xương tủy, viêm xương khớp nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn trong sản khoa.
Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một vài phản ứng phụ như: Buồn nôn, nôn, viêm lưỡi, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy, ngứa, mẩn ngứa, dị ứng ngoại ban, mày đay. Lúc này cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.
3. Cách sử dụng thuốc Aticef 500 mg và Aticef 250 mg hiệu quả
3.1. Cách dùng
Aticef cũng khuyên dùng bằng đường uống thuốc trước hoặc trong bữa ăn.
3.2. Liều dùng
Đối với người lớn và trẻ em có cân nặng trên 40kg
- Trẻ trên 40kg và người lớn: mỗi ngày uống 2 lần và mỗi lần 1 - 2 viên.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp và xương khớp: mỗi ngày uống 2 lần và mỗi lần 1 viên. Trường hợp nặng uống mỗi ngày 2 lần và mỗi lần 2 viên.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm: mỗi ngày uống 1 lần 2 viên.
- Trẻ trên 6 tuổi: mỗi ngày uống 2 lần và mỗi lần 1 viên.
- Người suy thận: cần phải hiệu chỉnh liều nếu độ thanh thải Creatinin < 50ml/ phút. Liều khởi đầu: uống mỗi lần 1 đến 2 viên. Liều duy trì như sau:
- Độ thanh thải Creatinin 0 - 10 ml/phút: uống mỗi lần 1 - 2 viên và cách nhau 36 tiếng.
- Độ thanh thải Creatinin 11 - 25 ml/phút: uống mỗi lần 1 - 2 viên và cách nhau 24 tiếng.
- Độ thanh thải Creatinin 26 - 50 ml/phút: Liều 500 - 1000 mg (1 - 2 viên) và cách mỗi 12 giờ.
- Thời gian điều trị ít nhất là từ 5 - 10 ngày.
3.3. Cách xử trí khi quên liều và quá liều
Quên liều: Uống bù liều đã quên ngay khi bạn đã nhớ ra. Nếu lúc nhớ ra gần với liều sử dụng thuốc tiếp theo thì bỏ qua liều cũ và uống liều kế tiếp theo đúng như kế hoạch đã định. Không được uống gấp đôi liều.
Quá liều: Nếu sử dụng quá liều có thể dẫn đến tiêu chảy, buồn nôn, co giật. Cần phải tiến hành rửa dạ dày và điều trị triệu chứng kết hợp với các biện pháp hỗ trợ. Tốt hơn hết là hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đưa người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất để được xử trí thích hợp.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc và cách bảo quản thuốc
4.1. Sử dụng trên phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú
Hiện nay vẫn chưa xác nhận được tính an toàn khi dùng cho các đối tượng này. Chỉ sử dụng khi thật cần thiết. Tham khảo ý kiến bác sĩ.
4.2. Những người lái xe và đang vận hành máy móc
Thuốc hiếm khi gây nên ảnh hưởng đến sự tập trung và khả năng làm việc. Có thể sử dụng an toàn đối với người lái xe và vận hành máy móc.
4.3. Lưu ý khác
- Thận trọng khi sử dụng cho người nhạy cảm với Penicillin, người bị bệnh ở đường tiêu hóa, viêm đại tràng, tiêu chảy nặng.
- Sử dụng thuốc dài ngày có thể sẽ gây bội nhiễm. Ngưng sử dụng nếu bạn gặp phải tình trạng này.
- Chưa có kinh nghiệm sử dụng thuốc cho trẻ sơ sinh.
4.4. Điều kiện bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời và nhiệt độ không quá 30 độ C.
Để tránh xa khỏi tầm với của trẻ em và vật nuôi trong nhà.
Với những chia sẻ trên đây về thuốc Aticef 500 mg và Aticef 250 mg sẽ giúp quá trình sử dụng cho người bệnh được hiệu quả và an toàn hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.