Cúm do vi rút là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng, tùy theo loại vi rút gây bệnh mà mức độ nặng của cúm khác nhau. Có nhiều loại thuốc điều trị bệnh cúm, trong đó có Amantadine. Vậy Amantadine là thuốc gì và sử dụng loại thuốc này như thế nào?
1. Amantadine là thuốc gì?
Amantadine là thuốc gì? Đây là nhóm thuốc sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị một số loại cúm nhất định (như cúm A). Nếu bệnh nhân nhiễm cúm, thuốc điều trị cúm này sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh và giúp bệnh nhân mau khỏi bệnh hơn.
Dùng Amantadine cho người đã hoặc sẽ tiếp xúc với bệnh cúm còn có thể giúp ngăn ngừa việc mắc bệnh. Thuốc amantadine là thuốc kháng vi rút, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi rút cúm, tuy nhiên đây không phải một loại thuốc có tác dụng chủng ngừa cúm. Để tăng đề kháng với vi rút cúm, quan trọng nhất vẫn là tiêm phòng cúm mỗi năm một lần vào đầu mỗi mùa cúm.
Xem thêm: Tại sao cần tiêm phòng cúm hàng năm?
Ngoài ra, amantadine còn được sử dụng để điều trị bệnh Parkinson, các tác dụng phụ do thuốc gây ra (như các triệu chứng ngoại tháp do thuốc) hoặc điều trị một số bệnh lý khác.
Trong trường hợp này, thuốc Amantadine giúp cải thiện tầm hoạt động và khả năng tập thể dục của bệnh nhân, do Amantadine giúp khôi phục sự cân bằng của các chất hóa học tự nhiên (các chất dẫn truyền thần kinh) có trong não bộ con người.
2. Cách sử dụng Amantadine
Thuốc amantadine được sử dụng theo đường uống, có thể có hoặc không kèm thức ăn, sử dụng 1-2 lần/ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân dùng thuốc điều trị cúm 2 lần/ngày và gặp phải hiện tượng khó ngủ sau khi uống thì nên dùng thuốc cách vài giờ trước khi đi ngủ.
Đối với thuốc Amantadine dạng lỏng cần định liều cẩn thận bằng dụng cụ hoặc thìa đặc biệt, không được sử dụng thìa gia dụng vì liều lượng thuốc nhận được có thể không chính xác.
Liều lượng thuốc phụ thuộc tình trạng sức khỏe và mức độ đáp ứng với liệu pháp điều trị của từng bệnh nhân khác nhau. Ở trẻ em, liều lượng thuốc được tính theo trọng lượng cơ thể và tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhiều hơn so với hướng dẫn của bác sĩ.
Tác dụng của thuốc điều trị cúm Amantadine đạt được cao nhất khi nồng độ thuốc trong máu duy trì ở mức ổn định. Do đó, bệnh nhân cần dùng thuốc một cách đều đặn cả ngày và đêm để thuốc phát huy hiệu quả.
Nếu dùng thuốc amantadine để điều trị cúm do vi rút, hãy bắt đầu dùng càng sớm càng tốt và sử dụng đủ số lượng thuốc quy định, ngay cả khi các triệu chứng khó chịu đã biến mất sau vài ngày dùng thuốc. Ngừng thuốc quá sớm có thể làm nhiễm trùng tái phát.
Trong điều trị bệnh Parkinson, tác dụng của thuốc điều trị cúm Amantadine có thể không đầy đủ trong vài tuần đầu tiên. Tuy nhiên, không vì vậy mà mà bệnh nhân đột ngột ngừng thuốc do các triệu chứng bệnh hoặc tác dụng phụ có thể trầm trọng hơn.
Bệnh nhân cần được giảm liều dần dần trước khi ngưng thuốc. Tác dụng của thuốc có thể sụt giảm hoặc mất sau khi dùng thuốc kéo dài vài tháng. Hãy báo cho bác sĩ nếu thuốc này mất tác dụng.
3. Phản ứng phụ của thuốc Amantadine
Các tác dụng phụ của thuốc Amantadine có thể xảy ra, bao gồm:
- Mờ mắt;
- Buồn nôn hoặc khó chịu ở dạ dày;
- Buồn ngủ;
- Chóng mặt hoặc đau đầu;
- Khô miệng;
- Táo bón;
- Căng thẳng hoặc khó ngủ.
Một số tác dụng phụ ít gặp nhưng nghiêm trọng và cần đến trợ giúp y tế như: nổi đốm đỏ trên da, sưng mắt cá chân, bàn chân, tiểu khó, thay đổi thị lực.
Ngoài ra, thuốc amantadine có thể gây ra một số phản ứng phụ hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng như: khó thở, thay đổi tâm thần tâm trạng (như trầm cảm, suy nghĩ hoặc cố gắng tự tử), cứng cơ, cử động cơ không kiểm soát, đổ mồ hôi bất thường, nhịp tim nhanh, sốt không rõ nguyên nhân, một số bất thường khác như tăng ham muốn cờ bạc, tăng ham muốn tình dục), co giật.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc điều trị cúm Amantadine rất khó xảy ra, thân nhân người bệnh phải gọi cấp cứu ngay nếu người bệnh xuất hiện một số dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng bao gồm: phát ban, ngứa hoặc sưng mặt, môi, lưỡi, chóng mặt nghiêm trọng và khó thở.
Một số bệnh nhân điều trị cúm sử dụng Amantadine có thể đột ngột buồn ngủ trong các hoạt động hằng ngày (như buồn ngủ khi nói chuyện điện thoại hoặc lái xe). Trong một số trường hợp, giấc ngủ có thể xảy ra đột ngột mà không có cảm giác buồn ngủ trước đó.
Tác dụng phụ gây ngủ có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi sử dụng Amantadine, gặp cả khi bệnh nhân đã sử dụng trong một thời gian dài. Nếu cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn hoặc buồn ngủ trong ngày thì bạn không nên lái xe hoặc tham gia các hoạt động nguy hiểm. Nguy cơ rối loạn giấc ngủ tăng lên khi sử dụng rượu hoặc các loại thuốc có thể gây buồn ngủ khác.
4. Các biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ Amantadine
Trước khi sử dụng thuốc này để điều trị cúm, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng dị ứng với các thuốc Amantadine, Rimantadine hoặc bất kỳ bệnh lý dị ứng nào khác.
Trước khi sử dụng thuốc điều trị cúm này, tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ nếu đang mắc một số loại bệnh về mắt (như tăng nhãn áp góc đóng chưa được điều trị).
Trước khi dùng thuốc Amantadine để điều trị cúm, trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về các tình trạng như: sưng tay chân (phù ngoại vi), các vấn đề về tim (như suy tim sung huyết), rối loạn huyết áp (như chóng mặt khi đứng), bệnh thận, bệnh gan, tình trạng tâm thần tâm trạng (như trầm cảm, rối loạn tâm thần), tình trạng động kinh, bất thường về da (viêm da dạng eczema).
Thuốc amantadine có thể làm bệnh nhân chóng mặt, buồn ngủ hoặc mờ mắt. Không lái xe, sử dụng máy móc hoặc các công việc cần sự tỉnh táo hoặc tầm nhìn rõ ràng cho đến khi có thể làm điều đó một cách an toàn.
Để giảm và ngăn ngừa chóng mặt và choáng váng, thay đổi tư thế từ từ khi chuyển từ đứng sang ngồi hoặc nằm.
Nếu dùng thuốc Amantadine cho bệnh Parkinson, hãy cẩn thận không hoạt động thể chất quá mức vì có thể làm tăng nguy cơ té ngã. Tham khảo ý kiến bác sĩ về kế hoạch tăng dần hoạt động thể chất của bệnh nhân khi các triệu chứng được cải thiện.
Chức năng thận suy giảm theo tuổi, thuốc Amantadine được thải trừ qua thận. Do đó, người cao tuổi có nhiều nguy cơ mắc các tác dụng phụ hơn khi dùng thuốc Amantadine.
Thuốc điều trị cúm Amantadine chỉ nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai khi thật cần thiết. Hiếm có các báo cáo về dị tật tim ở trẻ sơ sinh có mẹ dùng Amantadine trong thai kỳ. Tuy nhiên, các sản phụ vẫn cần phải thảo luận về những rủi ro và lợi ích với bác sĩ điều trị.
Thuốc Amantadine đi vào sữa mẹ và có thể có những ảnh hưởng không mong muốn đến trẻ sơ sinh bú mẹ, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi để bệnh nhân cho con bú.
5. Tương tác thuốc amantadine
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi cách hoạt động hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Giữ danh sách tất cả các sản phẩm đang sử dụng (bao gồm thuốc theo đơn, không kê đơn và các sản phẩm thảo dược) và chia sẻ với bác sĩ và dược sĩ.
Không tự ý bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc, trong đó có thuốc điều trị cúm khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Amantadine làm giảm tác dụng của một số loại vắc xin, chẳng hạn như vắc-xin cúm hít qua mũi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tiêm ngừa cúm theo khuyến cáo của bác sĩ.
Gọi cấp cứu nếu sử dụng quá liều và có các triệu chứng bao gồm nhịp tim nhanh hoặc không đều, buồn ngủ nghiêm trọng, khó thở, thay đổi lượng nước tiểu, thay đổi tâm thần tâm trạng (như lo lắng, hung hăng, lú lẫn, ảo giác)
Bệnh nhân Parkinson sử dụng thuốc Amantadine có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư da. Nếu bệnh nhân Parkinson dùng thuốc này để điều trị, báo ngay cho bác sĩ khi nhận thấy sự thay đổi về hình dạng hoặc kích thước của nốt ruồi hoặc xuất hiện những thay đổi bất thường trên da.
Nếu bạn bỏ lỡ một liều, hãy dùng nó ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến thời điểm của liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên, không dùng gấp đôi liều để bù lại.
Bảo quản thuốc Amantadine ở nhiệt độ phòng (khoảng 25 độ C), tránh ánh nắng trực tiếp và độ ẩm cao. Được phép bảo quản ở mức nhiệt từ 15-30 độ C và để thuốc xa tầm tay trẻ em, vật nuôi.
Thuốc Amantadine là nhóm thuốc sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị một số loại cúm nhất định. Bên cạnh đó còn được chỉ định điều trị bệnh Parkinson. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách có thể để lại một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì thế, khi có bệnh lý và dấu hiệu không thuyên giảm, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Thực tế, thuốc Amantadine không có tác dụng chủng ngừa cúm, vì thế để phòng tránh bệnh cúm, điều quan trọng cần làm nhất là phải tiêm chủng ngừa vắc-xin cúm hàng năm.
Hiện tại tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đầy đủ các loại vắc-xin phòng cúm. Toàn bộ vắc-xin tại Vinmec đều được nhập khẩu chính ngạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được bảo quản lạnh trong môi trường đạt chuẩn. Vì thế, Quý khách hàng có nhu cầu tiêm vắc-xin phòng cúm, có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com