Tác dụng của thuốc Twirla

Thuốc Twirla được bào chế dưới dạng miếng dán ngoài da, có thành phần chính là levonorgestrel và ethinyl estradiol. Thuốc được sử dụng ở phụ nữ với mục đích tránh thai chủ động.

1. Công dụng của thuốc Twirla

Thuốc Twirla có thành phần chính là levonorgestrel (một loại progestin) và ethinyl estradiol (một loại estrogen). Các thành phần này phối hợp với nhau để ngừa thai theo cơ chế hoạt động giống như hormone progesterone và estrogen tự nhiên trong cơ thể.

Twirla hoạt động bằng cách ngăn cơ thể rụng trứng. Nó cũng tạo 1 môi trường khiến tinh trùng khó di chuyển hơn, trứng đã thụ tinh khó bám vào tử cung và phát triển. Từ đó, thuốc giúp ngừa thai một cách chủ động.

Chỉ định sử dụng thuốc Twirla:

  • Sử dụng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản để ngừa thai;
  • Điều hòa kinh nguyệt, giảm tình trạng mất máu và đau bụng kinh, giảm nguy cơ u nang buồng trứng.

Chỉ định sử dụng thuốc Twirla:

  • Người đang mang thai;
  • Phụ nữ có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) trên 30.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Twirla

Cách dùng: Lấy miếng dán ra khỏi túi, dán theo chỉ định của bác sĩ lên vùng da sạch, khô ở bụng, mông hoặc phần trên cơ thể - những nơi không bị cọ xát bởi quần áo chật (ví dụ như thắt lưng).

Nếu đây là lần đầu tiên bạn sử dụng thuốc Twirla, hãy dán miếng dán trong 24 giờ đầu tiên của kỳ kinh nguyệt. Nếu bắt đầu sử dụng miếng dán sau ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, bạn nên sử dụng 1 hình thức ngừa thai không có nội tiết tố bổ sung (như bao cao su, chất diệt tinh trùng) trong vòng 7 ngày đầu tiên để tránh thai cho tới khi thuốc phát huy tác dụng. Nếu bắt đầu sử dụng miếng dán vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt thì bạn không cần sử dụng biện pháp tránh thai dự phòng trong tuần đầu tiên.

Một số lưu ý:

  • Không nên dán miếng dán lên ngực hay vùng da bị đỏ, bị kích ứng, có vết thương hở,...;
  • Không nên sử dụng nước thơm, kem, dầu, phấn hay các loại mỹ phẩm khác ở vị trí dán thuốc vì có thể làm miếng dán bị rơi ra;
  • Kiểm tra miếng dán sau khi bơi hoặc tiếp xúc với nước trong thời gian dài (trên 30 phút) để tránh miếng dán bị rời khỏi da;
  • Không dán nhiều hơn 1 miếng dán cùng 1 lúc;
  • Không được cắt nhỏ miếng dán tránh thai.

Bạn nên thay miếng dán Twirla 1 lần/tuần vào cùng 1 ngày trong tuần. Nên bỏ những miếng dán cũ đã sử dụng, dán lên 1 miếng mới. Mỗi lần nên dán miếng dán lên 1 khu vực khác để tránh gây kích ứng da. Sau khi dán miếng dán trong 3 tuần liên tiếp, bạn không dán vào tuần thứ 4 - theo chu kỳ bình thường thì đây là tuần bạn có kinh nguyệt.

Sau khi không dán miếng dán trong 1 tuần, bạn hãy dán miếng dán mới dù bạn có kinh nguyệt hay không. Nếu không có kinh nguyệt, chị em nên hỏi ý kiến của bác sĩ. Bạn đừng để quá 7 ngày mà không dán thuốc Twirla vì điều này sẽ làm tăng tỷ lệ mang thai.

Nếu miếng dán Twirla bị rơi ra, bạn hãy dán lại hoặc dán miếng mới trong vòng 24 giờ. Nếu không thay miếng dán trong vòng 24 giờ hoặc bạn không chắc rằng nó đã hết tác dụng trong bao lâu thì bạn hãy bắt đầu 1 chu kỳ mới bằng cách dán 1 miếng dán mới, kết hợp với 1 hình thức ngừa thai không có nội tiết tố bổ sung (như bao cao su, chất diệt tinh trùng) trong vòng 7 ngày tiếp theo để tránh mang thai.

Sau khi gỡ bỏ miếng dán tránh thai, bạn hãy gập đôi miếng dán lại để nó tự dính vào nhau, vứt vào thùng rác, tránh xa tầm tay của trẻ em hoặc phạm vi hoạt động của thú cưng. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc chuyển từ các hình thức ngừa thai khác sang sản phẩm này.

Quá liều: Thuốc Twirla có thể gây hại nếu nhai hoặc nuốt. Nếu đã dùng miếng dán Twirla quá liều, nên gỡ bỏ nó ngay. Nếu người dùng gặp các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở hoặc bất tỉnh thì nên gọi cấp cứu ngay.

Quên liều: Nếu miếng dán Twirla bị bong ra hoặc nếu bạn quên gỡ miếng dán vào thời điểm thích hợp thì hãy tham khảo thông tin trên gói sản phẩm hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ/dược sĩ. Bạn có thể sử dụng các biện pháp tránh thai dự phòng như chất diệt tinh trùng hoặc bao cao su để tránh thai.

Nếu gặp khó khăn trong việc phải nhớ thời điểm thay miếng dán Twirla hoặc nếu miếng dán thường xuyên bị bong ra thì bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc chuyển sang 1 biện pháp ngừa thai khác.

3. Tác dụng phụ của thuốc Twirla

Khi sử dụng miếng dán tránh thai Twirla, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Kích ứng da tại nơi dán thuốc, buồn nôn, ói mửa, nhức đầu, căng ngực, đầy bụng, sưng mắt cá chân/bàn chân (triệu chứng giữ nước) hoặc thay đổi cân nặng. Chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh (ra máu) hoặc mất kinh, kinh nguyệt không đều, đặc biệt là trong vài tháng đầu sử dụng thuốc Twirla. Nếu các tác dụng phụ này kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ. Nếu trễ 2 kỳ kinh liên tiếp hoặc 1 kỳ kinh nếu không sử dụng miếng dán đúng cách, chị em nên trao đổi với bác sĩ về việc thử thai;
  • Thuốc Twirla có thể làm tăng huyết áp. bạn nên thường xuyên kiểm tra huyết áp và báo lại cho bác sĩ nếu bị huyết áp cao;
  • Nên báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như: Khối u ở vú, thay đổi tâm trạng (vấn đề trầm cảm), thay đổi bất thường về chảy máu âm đạo (ra máu liên tục, chảy máu nặng đột ngột), triệu chứng lượng đường trong máu cao (khát nước, tiểu nhiều), dấu hiệu của các vấn đề về gan (buồn nôn, ói mửa không ngừng, đau bụng, chán ăn, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu);
  • Thuốc Twirla hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng (đôi khi gây tử vong) do cục máu đông, ví dụ như đau tim, huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, đột quỵ,... Người bệnh nên được cấp cứu ngay nếu bị khó thở, thở nhanh, đau ngực, đau hàm, đau cánh tay trái, lú lẫn, chóng mặt, đổ mồ hôi bất thường, ngất xỉu, đau hoặc sưng ở háng hay bắp chân, đau đầu đột ngột dữ dội, khó phát âm, thay đổi thị lực đột ngột, yếu 1 bên cơ thể;
  • Rất hiếm khi xảy ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc Twirla. Tuy nhiên, nếu nhận thấy triệu chứng dị ứng nghiêm trọng, người bệnh cần được cấp cứu ngay. Các triệu chứng đó là phát ban, ngứa hoặc sưng ở mặt/lưỡi/cổ họng, khó thở, chóng mặt nghiêm trọng.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Twirla

Một số lưu ý người dùng cần nhớ trước và trong khi sử dụng miếng dán tránh thai Twirla:

  • Hút thuốc làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, cục máu đông và huyết áp cao do kiểm soát sự sản sinh nội tiết tố. Nguy cơ mắc các vấn đề này tăng theo độ tuổi và số lượng thuốc lá mà bạn hút. Vì vậy, không sử dụng thuốc lá nếu bạn đang dùng thuốc Twirla;
  • Phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên không nên sử dụng thuốc Twirla. Nếu chỉ số BMI của bạn vượt quá giới hạn đó thì thuốc có thể không có nhiều hiệu quả và làm gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Bạn hãy báo cho bác sĩ về cân nặng, chiều cao hiện tại của bản thân và trao đổi về hình thức tránh thai phù hợp nhất với mình;
  • Trước khi sử dụng thuốc Twirla, bạn nên báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với ethinyl estradiol, levonorgestrel, các estrogen, progestin khác hoặc bất kỳ dị ứng nào khác. Thuốc Twirla có thể chứa các thành phần khác gây ra phản ứng dị ứng;
  • Trước khi sử dụng thuốc Twirla, bạn nên báo cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh lý của bản thân, đặc biệt là cục máu đông (ở chân, mắt, phổi), rối loạn đông máu (như thiếu protein S hoặc protein C), cao huyết áp, khám vú có dấu hiệu bất thường, ung thư (đặc biệt là ung thư vú hoặc ung thư nội mạc tử cung), nồng độ cholesterol hoặc mỡ máu cao, trầm cảm, tiểu đường, tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc 1 chứng rối loạn phù nề (phù mạch), vấn đề về túi mật, đau đầu/đau nửa đầu dữ dội, các vấn đề về tim (nhịp tim không đều, bệnh van tim, cơn đau tim trước đó), tiền tử vàng mắt/vàng da khi mang thai hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố, bệnh gan (gồm cả khối u), phù nề, đột quỵ, các vấn đề về tuyến giáp, chảy máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân,...;
  • Nếu bạn bị tiểu đường, thuốc Twirla có thể ảnh hưởng tới lượng đường trong máu. Chị em nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên vad thông báo cho bác sĩ. Bạn nên báo cho bác sĩ nếu có triệu chứng lượng đường trong máu cao như thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều lần. Bác sĩ có thể cần điều chỉnh liều dùng thuốc trị tiểu đường, chế độ ăn uống hoặc luyện tập của bạn;
  • Bạn có thể bị chảy máu đột ngột, đặc biệt là trong vòng 3 tháng đầu dùng thuốc Twirla. Do đó, bạn nên báo cho bác sĩ nếu bị chảy máu nhiều hoặc khi bạn bỏ lỡ 2 kỳ kinh trở lên;
  • Bạn nên báo cho bác sĩ nếu vừa trải qua hoặc sắp phải phẫu thuật hoặc bạn phải nằm trên giường/ghế trong 1 thời gian dài (như 1 chuyến bay dài). Những tình trạng này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, đặc biệt là nếu bạn đang sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố. Bạn có thể cần phải ngưng thuốc trong 1 thời gian hoặc áp dụng những biện pháp phòng ngừa đặc biệt;
  • Thuốc Twirla có thể gây nám da. Ánh sáng mặt trời có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này. Do đó, bạn nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài. Khi ra ngoài trời, bạn nên mặc quần áo dài, đeo kính râm, đội mũ rộng vành và thoa kem chống nắng;
  • nếu bị cận thị hoặc đeo kính áp tròng, có thể bạn sẽ gặp vấn đề về thị lực hoặc khó đeo kính áp tròng do dùng thuốc Twirla. Bạn nên liên hệ với bác sĩ nhãn khoa nếu gặp những vấn đề này;
  • Nếu sắp phải kiểm tra MRI, bạn nên trao đổi với nhân viên y tế rằng mình đang sử dụng miếng dán Twirla. Một số miếng dán có thể chứa kim loại, có thể gây bỏng nặng khi thực hiện chụp MRI. Do đó, bạn nên hỏi bác sĩ xem có cần gỡ bỏ miếng dán trước khi chụp MRI hay không;
  • Không được sử dụng thuốc Twirla trong thời kỳ mang thai. Nếu đang có thai hoặc nghi ngờ có thai, bạn nên báo ngay cho bác sĩ. Nếu bạn vừa mới sinh con, bị sảy thai hoặc phá thai sau 3 tháng đầu tiên thì nên hỏi ý kiến bác sĩ về những hình thức ngừa thai đáng tin cậy, tìm hiểu xem khi nào thì an toàn để sử dụng các biện pháp tránh thai có chứa 1 dạng estrogen như thuốc Twirla;
  • 1 lượng nhỏ thuốc Twirla đi vào sữa mẹ, có thể gây tác dụng phụ đối với trẻ bú mẹ. Đồng thời, thuốc này cũng có thể làm giảm sản xuất sữa mẹ. Do đó, bà mẹ đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng miếng dán tránh thai Twirla.

5. Tương tác thuốc Twirla

Một số tương tác thuốc của Twirla gồm:

  • Các thuốc có thể tương tác với miếng dán tránh thai Twirla là: Chất ức chế aromatase (như anastrozole, exemestane ), tamoxifen, ospemifene, tizanidine, axit tranexamic, một số sản phẩm kết hợp được sử dụng để điều trị viêm gan C mãn tính (paritaprevir, ombitasvir, ritonavir, dasabuvir);
  • Một số loại thuốc có thể khiến biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố kém hiệu quả hơn. Cơ chế là làm giảm lượng hormone kiểm soát sinh sản trong cơ thể. Hiệu ứng này có thể dẫn đến mang thai. Các thuốc đó là: Griseofulvin, modafinil, rifamycins (như rifampin, rifabutin), thuốc dùng để điều trị động kinh (như barbiturate, carbamazepine, felbamate, phenytoin, primidone, topiramate), thuốc HIV (như nelfinavir, nevirapine, ritonavir),...;
  • Thuốc Twirla có thể ảnh hưởng tới kết quả của một số xét nghiệm như xét nghiệm các yếu tố đông máu, xét nghiệm chức năng tuyến giáp,... Bệnh nhân nên báo cho nhân viên xét nghiệm và bác sĩ nếu đang sử dụng miếng dán tránh thai này.

Khi sử dụng thuốc Twirla, bạn nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và nhà sản xuất. Nên báo cho bác sĩ nếu bạn bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thuốc mới nào, xin ý kiến về biện pháp tránh thai dự phòng đáng tin cậy khác. Đồng thời, nếu bị chảy máu đột ngột thì bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy biện pháp tránh thai đang áp dụng hiện không có hiệu quả tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe