Bài viết bởi Dược sĩ Huỳnh Xuân Lộc - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Solifenacin là thuốc được bác sĩ chỉ định điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.
1. Solifenacin có công dụng thế nào?
Solifenacin có tên biệt dược thường gặp là Vesicare, là thuốc thuộc nhóm kháng cholinergic được dùng để điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt. Thuốc giúp tăng khả năng lưu giữ nước tiểu tại bàng quang, nhờ đó giúp điều trị các chứng tiểu không tự chủ do thôi thúc (tiểu són) hoặc tiểu nhiều lần và tiểu gấp.
2. Sử dụng hợp lý thuốc Solifenacin
Solifenacin 5mg là thuốc kê đơn nên người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh cũng cần phải được đánh giá các nguyên nhân khác có thể gây tiểu nhiều lần như suy tim hoặc bệnh thận trước khi dùng Solifenacin.
Khi đến khám, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết nếu có các vấn đề như tiểu khó, bí tiểu, tình trạng rối loạn nghẽn dạ dày – ruột nghiêm trọng (phình đại tràng nhiễm độc), bệnh nhược cơ, giảm nhu động ruột, tăng nhãn áp giảm thị lực (glaucoma), bệnh gan, thận, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh thần kinh tự động hoặc tiền sử mẫn cảm với solifenacin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc. Nếu gặp phải một trong các trường hợp này, cần thận trọng khi sử dụng Solifenacin.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần liệt kê cho bác sĩ điều trị các loại thuốc đang hoặc đã dùng trong thời gian gần đây để tránh các tương tác bất lợi như:
- Các thuốc cùng tác dụng kháng cholinergic (tăng tác dụng và nguy cơ gặp phải tác dụng phụ);
- Thuốc tăng cường cholinergic (giảm/mất tác dụng Solifenacin);
- Thuốc kích thích nhu động dạ dày – ruột (như metoclopramid, cisaprid do làm giảm tác dụng các thuốc này);
- Thuốc chống loãng xương (các biphosphonate do làm tăng nguy cơ viêm ống thực quản của các thuốc này);
- Thuốc kháng nấm (ketoconazole, itraconazole giảm đào thải solifenacin);
- Thuốc kháng virus (ritonavir, nelfinavir giảm đào thải solifenacin);
- Thuốc chống loạn nhịp tim (verapamil, diltiazem giảm đào thải solifenacin);
- Thuốc kháng lao (rifampicin, tăng đào thải solifenacin);
- Thuốc chống động kinh (carbamazepine, phenytoin, giảm đào thải solifenacin)
Việc tăng hoặc giảm đào thải Solifenacin đều làm thay đổi nồng độ của thuốc trong máu dẫn đến thay đổi hiệu quả và khả năng gặp phải các tác dụng có hại của thuốc.
3. Tác dụng phụ thường gặp khi dùng Solifenacin
Như các thuốc khác, Thuốc điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt - Solifenacin cũng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn ở một số người dùng thuốc.
Solifenacin từng được báo cáo gây phù mạch kèm theo tắc nghẽn đường dẫn khí (khó thở) ở người bệnh. Nếu người bệnh xuất hiện các phản ứng dị ứng này hoặc phản ứng khác trên da như phát ban, đỏ da tróc vẩy ... cần báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá và điều trị kịp thời.
Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc là khô môi, khô miệng, đặc biệt khi thuốc được sử dụng lâu dài. Bên cạnh đó có thể gặp các triệu chứng như nhìn mờ, táo bón, buồn nôn, khó tiêu kèm theo các triệu chứng tiêu hóa như đầy hơi, đau bụng, ợ nóng và nôn nao dạ dày.
Các tác dụng không mong muốn ít gặp hơn bao gồm viêm nhiễm đường tiểu, viêm bàng quang, buồn ngủ, thay đổi vị giác, khô mắt kích ứng, khô mũi, trào ngược dạ dày thực quản, khô da, tiểu khó hoặc mệt mỏi, phù chân ... xuất hiện với tần suất ít hơn 1% số người sử dụng thuốc.
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ này khi tái khám định kỳ hoặc sớm hơn nếu các triệu chứng dai dẳng, khó chịu và gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, các rối loạn khác nghi ngờ do thuốc cũng nên được báo cáo để có hướng xử trí phù hợp.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Solifenacin
Để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn và đúng liều dùng của bác sĩ chỉ định. Thông thường, thuốc được dùng 1 lần mỗi ngày với liều 5mg hoặc 10mg tùy theo tình trạng bệnh. Người bệnh cũng không được tự ý tăng liều thuốc sử dụng mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị.
Thuốc Solifenacin không được khuyên dùng ở trẻ em do độ an toàn và hiệu quả ở trẻ em chưa được xác định. Để điều trị tiểu dầm hoặc các bệnh tương tự ở trẻ em cần phải có tư vấn của bác sĩ chuyên khoa nhi phù hợp.
Liều thuốc có thể được bác sĩ cân nhắc gia giảm nếu người bệnh bị suy gan, suy thận nặng hoặc dùng đồng thời các thuốc làm tăng nồng độ solifnacin trong máu như ketoconazole, itraconazole, ritonavir, nelfinavir ... Do vậy, cần thông báo cho bác sĩ điều trị nếu người bệnh đang hoặc đã dùng các thuốc này trong thời gian gần đây.
Thuốc được nuốt nguyên viên với nước hoặc thức uống lỏng khác, không nhai nghiền. Có thể uống thuốc kèm hoặc không kèm thức ăn.
Nếu quên 1 liều thuốc, người bệnh có thể uống lại ngay khi nhớ ra. Nếu đã quá 24h kể từ thời điểm thường dùng thuốc, uống liều thuốc của ngày mới; không uống bù liều đã quên và không uống quá 1 liều thuốc mỗi ngày.
Khi có nghi ngờ người bệnh uống quá liều do nhầm lẫn hoặc trẻ em vô tình uống thuốc, cần báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ và đưa người bệnh hoặc trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để có xử trí kịp thời. Các triệu chứng quá liều thuốc có thể gồm đau đầu, khô môi, chóng mặt, ngủ gà, nhìn mờ, ảo giác, co giật, khó thở, nhịp tim nhanh, giãn đồng tử ... cần được xử trí trong thời gian sớm nhất.
Khi ngừng thuốc, bệnh có thể trở lại hoặc tăng nặng hơn, vì vậy người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định ngừng điều trị. Thuốc không nên dùng cho phụ nữ có thai trừ khi có chỉ định và cân nhắc của bác sĩ chuyên khoa điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
- Vesicare 5mg film-coated tablets, Patient information leaflet, https://www.medicines.org.uk/emc/product/5559/pil
- Vesicare 5mg, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc