Cảm giác đau họng, khó chịu khi nuốt nước bọt là 1 hiện tượng khá phổ biến khi người bệnh bị tổn thương ở khu vực vùng hầu họng. Vậy đau họng nuốt nước bọt đau uống thuốc gì hiệu quả? Có thể điều trị tại nhà được không?
1. Vì sao nuốt nước bọt lại đau họng?
Hiện tượng đau họng khi nuốt nước bọt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Khi ăn uống, các cơ siết họng sẽ co bóp để đẩy thức ăn xuống thực quản một cách suôn sẻ. Tuy nhiên khi “nuốt không”, tức nuốt nước bọt thì niêm mạc họng sẽ trực tiếp chà sát với nhau. Nếu niêm mạc của bạn “khỏe mạnh” thì không có vấn đề gì xảy ra. Ngược lại, nếu bị viêm loét, tổn thương hoặc có vật cản thì sự co thắt và chà xát này sẽ khiến cảm giác đau tăng lên. Việc xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp bạn sớm có quyết định để xử lý tình trạng này 1 cách hiệu quả.
6 nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng đau họng khi nuốt nước bọt:
- Viêm họng do virus;
- Viêm họng do vi khuẩn (viêm họng do liên cầu khuẩn, viêm amidan);
- Viêm thanh thiệt;
- Viêm họng do nhiễm nấm;
- Viêm thực quản;
- Tổn thương cổ họng khi ăn uống.
2. Nuốt nước bọt đau họng uống thuốc gì?
Tình trạng đau rát họng, khó nuốt có thể khiến nhiều người thấy khó chịu và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Sau khi biết được một số nguyên nhân gây ra tình trạng trên, nhiều người bệnh sẽ thắc mắc: “Nuốt nước bọt đau họng thì uống thuốc gì?”
Tùy theo từng nguyên nhân và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương thức điều trị khác nhau. Ngoài những trường hợp nghiêm trọng cần can thiệp bằng ngoại khoa thì bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị bằng thuốc tại chỗ hoặc toàn thân kết hợp điều trị bệnh nền. Vậy nuốt nước bọt đau họng thì uống thuốc gì tại nhà hiệu quả?
Đối với dạng đau họng mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng tạm thời một số cách như sau:
- Sử dụng thuốc xịt sát khuẩn họng, thuốc ngậm, thuốc súc họng không kê toa có tính chất giảm đau, làm dịu, sát khuẩn vùng hầu họng;
- Súc họng với nước muối sinh lý ấm nhiều lần trong ngày.
Với những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể cần dùng các thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc chống viêm và phù nề, thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh trong trường hợp đặc biệt. Người bệnh nên thận trọng, tránh mua thuốc dùng theo phỏng đoán chủ quan mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Ngoài ra, để việc điều trị đau họng khi nuốt nước bọt hiệu quả, người bệnh nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng và chăm sóc cá nhân như sau:
- Uống đủ nước để tránh cổ họng bị khô rát, khó nuốt do cơ thể bị mất nước. Nên ưu tiên uống nước ấm thay vì nước lạnh;
- Vệ sinh răng miệng sau khi ăn, súc họng bằng nước muối sinh lý thường xuyên để diệt khuẩn, chống viêm vùng họng.
- Có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ vitamin C, vitamin nhóm B..., ăn nhiều rau quả, nhiều chất xơ để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Hạn chế hút thuốc, sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Để phòng ngừa tình trạng đau họng khi nuốt nước bọt, bạn có thể hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh sau khi đã biết rõ những nguyên nhân kể trên. Đặc biệt đối với những tác nhân virus lây truyền qua đường hô hấp gây ra các triệu chứng như sốt ho nuốt nước bọt đau họng nghiêm trọng, điển hình là Covid-19 thì bạn cần tuân thủ 5K và tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Tóm lại, triệu chứng đau họng khi nuốt nước bọt có thể không nguy hiểm, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ban đầu cho những vấn đề nghiêm trọng hơn, cần được chẩn đoán và điều trị triệt để. Do đó, bạn không nên chủ quan mà cần nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể, tránh những biến chứng đáng tiếc và vô tình bỏ sót những bệnh lý nguy hiểm.