Từ lâu, tình trạng dính gạc vào vết thương mỗi khi băng bó đã trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Để khắc phục tình trạng này thì gạc mỡ là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến nhất. Vậy cần lưu ý những gì khi dùng gạc mỡ băng vết thương để chống dính?
1. Gạc mỡ băng vết thương là gì?
Gạc băng bó vết thương là sản phẩm dùng để băng các vết thương có nguy cơ hoặc dấu hiệu nhiễm khuẩn tại chỗ. Có 2 loại vết thương thường phải dùng gạc để băng lại là: các vết thương mãn tính (vết loét do tỳ đè, vết loét ở chân) và các vết thương cấp tính (vết thương do chấn thương, vết mài mòn da, vết thương thương do phẫu thuật,...)
Tuy nhiên, khi tháo gạc băng bó vết thương sẽ dễ xuất hiện tình trạng dính gạc vào vết thương và gây đau đớn. Để xử lý vấn đề này thì gạc mỡ là phương pháp tối ưu bởi vì bản chất của gạc mỡ có thành phần chất béo không gây dính và gạc lưới thông thoáng, linh hoạt. Nhờ vậy mà việc thay băng trở nên dễ dàng, không hại mô tân sinh và không gây đau đớn đối với bệnh nhân.
2. Những lưu ý khi dùng gạc mỡ băng vết thương để chống dính
Sử dụng gạc băng bó vết thương hở là vô cùng cần thiết, giúp bảo vệ vết thương tránh bị nhiễm trùng do tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Để gạc mỡ phát huy tốt công dụng thì cần chú ý, thận trọng trong quá trình băng bó và tháo gạc. Dưới đây là một số điều cần nắm rõ khi dùng gạc mỡ băng vết thương:
2.1 Gạc lưới (UrgoTul) dễ bị dính vào găng mổ latex
Tuy không dính vào da và vết thương nhờ thành chất béo nhưng gác lưới lại dễ bị dính vào găng tay mổ có chất liệu từ latex. Để tránh trường hợp này thì đơn giản là chỉ cần dùng nước muối sinh lý làm ẩm găng tay, nhờ đó mọi thao tác với gạc lưới sẽ trở nên dễ dàng.
2.2 Sử dụng dầu mù u trước khi băng vết thương
Nếu không dùng gạc mỡ mà dùng gạc thường thì có thể thấm dầu mu u trước khi băng để không bị dính khi tháo ra. Dầu mù u vừa có tác dụng chống nhiễm trùng tốt, hạn chế dính khi gỡ, vừa giúp vết thương lành nhanh mà ít để lại sẹo. Dầu mù u có giá rất rẻ, được bán nhiều ở các nhà thuốc và hiệu quả đem lại vô cùng cao.
2.3 Cách xử lý khi dính gạc vào vết thương
Nếu lỡ dùng gạc thường hoặc gạc mỡ bị dính vào vết thương thì bạn nên bình tĩnh giải quyết, hạn chế việc cố gắng tháo nhanh băng gạc. Để xử lý vấn đề, trước tiên bạn cần thấm một ít nước muối sinh lý lên băng, băng gạc sẽ từ từ mềm và dễ tháo ra. Động tác gỡ gạc cần tiến hành chậm rãi và nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến vết thương. Nếu giật mạnh có thể kéo theo các mô tế bào vừa mới hình thành, gây ảnh hưởng lớn đến quá trình hồi phục, nặng hơn có thể gây chảy máu và để lại sẹo. Bạn có thể dễ dàng mua nước muối sinh lý ở các cửa hiệu thuốc tây với giá rất rẻ.
2.4 Làm sạch vết thương
Trước khi băng lại cần chú ý làm sạch vết thương bằng các thao tác như sát khuẩn, rửa sạch,... Việc này sẽ giúp bề mặt vết thương được sát khuẩn và khi băng gạc lại sẽ không bị nhiễm trùng do còn vi khuẩn.
2.5 Không tiệt trùng gạc lưới (UrgoTul)
Không nên tiệt trùng hay sát khuẩn gạc lưới bằng bất kỳ hình thức nào. Bởi việc này sẽ dễ khiến thành phần của gạc lưới bị biến đổi và có thể sẽ làm giảm hiệu quả bảo vệ của gạc mỡ đối với vết thương.
2.6 Đối với các vết thương lỗ rò và vết thương sâu
Đối với 2 trường hợp này thì khi dùng gạc mỡ băng bó phải chừa lại một phần miếng băng để có thể nhìn thấy được, nhờ đó việc thay băng về sau sẽ trở nên dễ dàng hơn.
2.7 Nên dùng gạc mỡ băng vết thương dưới sự theo dõi y tế:
Khi dùng gạc mỡ để băng vết thương cần theo dõi sát tình hình của vết thương. Nếu tình trạng xấu không may xảy ra thì người bệnh có thể kịp thời nhờ nhân viên y tế xử lý ngay.
2.8 Thay băng định kỳ mỗi ngày
Người bệnh nên thay băng khoảng từ 2 - 4 lần mỗi ngày tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng và loại vết thương đang băng. Gạc lưới (UrgoTul) có thể cố định trong khoảng 7 ngày tùy vào tình trạng vết thương và tình trạng điều trị của bệnh nhân.
Việc dùng gạc mỡ băng bó vết thương không chỉ giúp tháo băng dễ dàng mà còn giúp vết thương được bảo vệ an toàn khỏi những vi khuẩn bên ngoài môi trường. Để gạc mỡ phát huy được công dụng chống dính thì người băng cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng và những lưu ý mà bài viết đã đề cập ở trên.
Với những lưu ý trên hy vọng đã giúp bạn có thêm được kiến thức về sơ cứu để vết thương chóng lành và hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.