Khi nào cần phối hợp kháng sinh?

Hầu như tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều khẳng định chỉ nên sử dụng kháng sinh khi thật sự cần thiết và nếu có thể nên giới hạn lượng kháng sinh đưa vào cơ thể. Tuy nhiên trên thực tế lâm sàng, không phải trường hợp nào dùng 1 loại kháng sinh cũng đẩy lùi được bệnh mà phải dùng đến kháng sinh phối hợp (kết hợp 2,3 loại thuốc khác nhau) để điều trị triệt để. Việc phối hợp kháng sinh trên lâm sàng cũng cần thiết đối với một số trường hợp nhất định.

1. Lợi ích khi phối hợp kháng sinh

Xung quanh ta có nhiều tác nhân gây bệnh, chủng loại vi khuẩn gây ra nhiều mầm bệnh khác nhau có thể làm tổn thương trên cùng 1 cơ quan. Tuy nhiên trên thực tế không có thuốc nào là đa năng có thể tiêu diệt được toàn bộ các loại vi khuẩn đó. Mỗi loại sẽ có một cơ chế tác dụng, dược lực nhất định với một số loại mầm bệnh. Trong trường hợp này, việc phối hợp 2 loại kháng sinh sẽ tốt hơn dùng đơn lẻ.

Dưới đây là 2 lợi ích chính cho việc kết hợp kháng sinh:

Việc kết hợp kháng sinh trong điều trị có thể tăng phổ tác dụng với các vi khuẩn có hại. Ví dụ: Bệnh viêm phổi và viêm đường hô hấp thường do nhóm vi khuẩn tụ cầu, liên cầu khuẩn gây ra, hoặc đôi khi là do vi khuẩn E.coli hay Klebsiella. Nếu chỉ dùng kháng sinh nhóm β-lactam thì chỉ có công hiệu mạnh với vi khuẩn tụ cầu, liên cầu. Nhưng nếu phối hợp thêm với kháng sinh nhóm Aminoglycosid thì tác dụng sẽ tăng lên áp dụng cả với những vi khuẩn đường ruột. Việc kết hợp kháng sinh như trên đặc biệt hữu hiệu nếu ta chưa có điều kiện xác định chính xác loại vi khuẩn gây bệnh.

Nhiều trường hợp phối hợp kháng sinh giúp tăng hiệu quả dược lực của thuốc lên nhiều lần. Ví dụ:

  • Kháng sinh Sulfamid: ức chế cạnh tranh với PABA, sau đó làm giảm tổng hợp dihydrofolat, một quá trình quan trọng trong tổng hợp DNA.
  • Kháng sinh Trimethoprim: có tác dụng ức chế enzym phân hủy dihydrofolat reductase.

Nếu phối hợp 2 loại kháng sinh này với nhau thì dược lực sẽ tăng lên 100 lần.

2. Nhược điểm của phối hợp kháng sinh

Có tác dụng đa trị liệu nên nhược điểm của phối hợp kháng sinh trên lâm sàng cũng tiềm ẩn nhiều tác hại. Về bản chất dùng 1 loại kháng sinh cũng đã gây một số ảnh hưởng nhất định cho người sử dụng. Nếu dùng đồng thời nhiều loại thuốc thì tác hại sẽ cộng hưởng lên nhiều lần. Ví dụ:

  • Kháng sinh Aminoglycosid: là nhóm thuốc gây ra tác dụng đầy hơi, buồn nôn và nôn.
  • Kháng sinh Metronidazol: loại kháng sinh có tác dụng phụ khiến người bệnh mệt mỏi.

Nếu kết hợp sử dụng 2 loại kháng sinh trên có thể gia tăng những phản ứng không mong muốn này trên cơ thể người bệnh. Rõ ràng sự phối hợp thuốc trong trường hợp này không tốt và người bệnh khó có đủ sức khỏe để theo đúng liệu trình điều trị.

Tương tác thuốc
Sự kết hợp kháng sinh cần được theo dõi bởi bác sĩ giàu kinh nghiệm

Trường hợp phức tạp hơn là 2 loại kháng sinh phối hợp lại có cơ chế không tương hỗ nhau. Ví dụ, nếu kết hợp Penicillin và Tetracyclin để điều trị viêm màng não cần cẩn thận. Tetracycline vốn là thuốc gây ức chế 30S của riboxom trong quá trình tổng hợp protein nhưng lại bị cản trở tác dụng nếu dùng thêm Penicillin. Do đó, chúng ta cần nắm vững nguyên tắc kết hợp kháng sinh trong điều trị và tránh phối hợp 2 kháng sinh đối kháng với nhau.

3. Khi nào cần phối hợp kháng sinh?

Hiện nay các loại kháng sinh đều được sản xuất với dược tính cao, phổ tác dụng rộng nên những trường hợp nhiễm khuẩn vừa và nhẹ có thể không cần kết hợp kháng sinh trong điều trị. Tuy nhiên trong những trường hợp phức tạp hơn thì cần cân nhắc dùng kháng sinh phối hợp:

  • Bệnh nhân nhập viện với tình trạng bệnh nặng nhưng không kịp chờ kết quả xét nghiệm vi sinh.
  • Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn trong thời gian ở viện với những chủng tác nhân có tính kháng thuốc cao (viêm phổi, nhiễm khuẩn máu sau mổ....) hoặc nhiễm khuẩn hỗn hợp, nhiễm khuẩn lan tràn cần kết hợp kháng sinh để nới rộng phổ tác dụng.

Ví dụ phối hợp kháng sinh trên lâm sàng:

  • Nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn phổi nặng nên kết hợp 1 kháng sinh nhóm ß-lactam (như Co-amoxiclav, Cefotaxime, Cefuroxime, hay Ceftriaxone...) với 1 kháng sinh Macrolid như Clarithromycin được khuyên dùng vì chúng làm tăng cường tác dụng của nhau.
  • Với bệnh nhân bị nhiễm trùng ổ bụng do sự đồng nhiễm của vi khuẩn kỵ khí và ái khí, nên phối hợp kháng sinh Metronidazole kết hợp với một kháng sinh phổ rộng như Gentamicin, Cefotaxim, Ciprofloxacin để bao phủ hết mầm bệnh có thể là tác nhân gây bệnh. Đây là dạng nhiễm trùng nặng cần xử trí tốt tránh nguy cơ biến chứng hoặc tử vong.
  • Với bệnh nhân bị viêm màng trong tim, việc dùng kháng sinh phối hợp cũng thường được chỉ định ngay từ đầu.
  • Ngoài ra kết hợp giữa Penicillin và Gentamicin cũng được dùng để điều trị viêm nội tâm mạc do cầu khuẩn đường ruột hoặc tụ cầu khuẩn. Phác đồ này được đánh giá là có hiệu quả hơn so với việc dùng mỗi Penicillin đơn lẻ.
  • Đối với điều trị lao, kết hợp kháng sinh trong điều trị còn giúp giảm tỷ lệ kháng thuốc. Khi dùng kháng sinh Isoniazid thì tỷ lệ lao kháng thuốc là 1/106, dùng Rifampicin thì tỷ lệ kháng thuốc là 1/108 mầm bệnh. Còn khi kết hợp 2 loại trên thì tỷ lệ kháng thuốc giảm đến cách biệt. Để điều trị lao thành công thì phác đồ điều trị thường phải kết hợp 2-3 loại kháng sinh khác nhau, đây dường như là công thức bất di bất dịch.
Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Bác sĩ là người đưa ra phác đồ điều trị và cách phối hợp kháng sinh điều trị

Kết hợp kháng sinh trong điều trị còn có tác dụng tăng hoạt lực của thuốc để đối phó với những trường hợp vi khuẩn có độ kháng thuốc cao, thường được áp dụng khi điều trị cho bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch (AIDS), sau ghép cơ quan phải dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài... để tăng hiệu quả diệt khuẩn hoặc với nhiễm khuẩn nặng ở các vị trí khó thấm kháng sinh như viêm xương, viêm màng não, viêm màng trong tim...

Như vậy, việc phối hợp kháng sinh trên lâm sàng chỉ nên làm khi đã tiên lượng thấy khả năng dùng kháng sinh đơn lẻ không đủ hiệu quả chữa bệnh. Không nên sử dụng kháng sinh phối hợp tràn lan vì dễ gặp tương tác bất lợi do đối kháng...nếu không cẩn thận có thể xảy ra biến chứng khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan