Sử dụng kháng sinh dự phòng trong mổ lấy thai

Sử dụng kháng sinh dự phòng cho phụ nữ trong mổ lấy thai đã được chứng minh là mang lại lợi ích trong việc làm giảm nhiễm trùng đối với trường hợp nguy cơ cao (chuyển dạ sau khi vỡ ối), hoặc nguy cơ thấp (chưa chuyển dạ và còn màng ối).

1. Hiệu quả khi dùng kháng sinh dự phòng trong mổ lấy thai

Kháng sinh dự phòng đã được chứng minh là mang lại lợi ích đối với phụ nữ mổ lấy thai. Dùng một liều kháng sinh duy nhất trước khi tiến hành rạch da đem lại hiệu quả tương tự như khi dùng nhiều liều kháng sinh được tiêm trong phẫu thuật. Việc sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thủ thuật sản phụ khoa làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đến hơn 50% và giúp tiết kiệm chi phí.

Mục tiêu của điều trị kháng sinh dự phòng nhằm đạt được đủ nồng độ thuốc để phát huy tác dụng ức chế vi khuẩn tại thời điểm nhiễm trùng. Mặt khác, kháng sinh được lựa chọn cần có tác dụng lâu dài, ít tốn kém và hạn chế các tác dụng phụ từ kháng sinh. Chỉ định kháng sinh nhằm hỗ trợ làm giảm lượng vi khuẩn gây nhiễm trong quá trình phẫu thuật đến một mức độ vừa đủ có thể kiểm soát được bởi hệ miễn dịch bẩm sinh của bệnh nhân.

Ví dụ, Ampicillin đạt nồng độ vừa đủ ức chế Streptococcus nhóm B (GBS) trong máu dây rốn trong vòng 5 phút kể từ lúc tiêm. Cefazolin tiêm trong vòng 30 phút có thể đạt nồng độ tối thiểu để ức chế GBS trong máu của thai nhi.

2. Thời điểm tiêm kháng sinh dự phòng

Thông thường đối với mổ lấy thai, kháng sinh sẽ được tiêm tại thời điểm kẹp dây rốn để hạn chế nguy cơ tiếp xúc không cần thiết giữa thuốc và thai nhi. Kết quả nhiều nghiên cứu so sánh giữa thời điểm tiêm kháng sinh trước khi rạch da với sau khi kẹp rốn cho thấy rằng, kháng sinh dự phòng khi được tiêm trước phẫu thuật sẽ làm giảm đáng kể tổng số trường hợp nhiễm trùng và viêm nội mạc tử cung sau sinh, đồng thời không ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.

Như vậy, dựa trên các dữ liệu nghiên cứu, thời điểm tối ưu để sử dụng kháng sinh dự phòng trong mổ lấy thai là trước khi rạch da.

Thời điểm tiêm kháng sinh dự phòng
Thời điểm tiêm kháng sinh dự phòng là trước phẫu thuật

3. Lựa chọn kháng sinh thích hợp

Loại nhiễm trùng thường gặp sau phẫu thủ thuật sản khoa là nhiễm trùng đường sinh dục dưới, đặc biệt khi bị vỡ màng ối. Các loại vi khuẩn thường gặp trong nhiễm trùng sau mổ lấy thai chính là những tác nhân gây viêm âm đạo, chẳng hạn như Ureaplasma spp., Mycoplasma spp., các vi khuẩn thuộc nhóm yếm khí hoặc Gardnerella vaginalis. Khi những vi khuẩn này xuất hiện trong nước ối thì sẽ tăng nguy cơ từ 3-8 lần thai phụ bị viêm nội mạc tử cung hoặc nhiễm trùng vết mổ sau phẫu thuật mổ lấy thai. Vết mổ lấy thai rất nhạy cảm đối với các vi khuẩn trên da và những vi khuẩn gây viêm âm đạo. Phác đồ kháng sinh được dùng cần phải tác động hiệu quả trên các chủng vi khuẩn kể trên.

3.1. Trường hợp mổ lấy thai cấp cứu hoặc chủ động

Dùng liều Cefazolin 1g tiêm tĩnh mạch, trước rạch da trong vòng 30 phút.

Ghi chú:

  • Nếu thai phụ dị ứng Penicillin hay Cephalosporin: Thay thế bằng Clindamycin 600mg truyền tĩnh mạch trước rạch da.
  • Nếu máu mất trong lúc mổ từ 1000ml trở lên: Cần tiêm bổ sung 1g Cefazolin ngay sau phẫu thuật.
  • Đối với sản phụ béo phì (BMI ≥ 30 hoặc cân nặng ≥ 100 kg), cần tăng liều tiêm lên 2g Cefazolin trước rạch da.

3.2. Mổ lấy thai chủ động có cấy tụ cầu vàng kháng Methicillin (MRSA)

Sử dụng phối hợp kháng sinh dự phòng 1g Cefazolin và 1g Vancomycin, tiêm truyền tĩnh mạch trước phẫu thuật 60 phút.

Phẫu thuật mổ lấy thai thường có tỷ lệ nhiễm trùng cao hơn (nhiễm trùng chủ yếu tại vết mổ và đường tiết niệu) so với sinh thường qua ngã âm đạo. Sử dụng kháng sinh dự phòng trong mổ lấy thai với mức liều vừa đủ mang lại lợi ích trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan