Teravox một loại kháng sinh tổng hợp thường được chỉ định trong các bệnh lý nhiễm khuẩn do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa, tiết niệu- sinh dục, da và mô mềm,...
1. Teravox là thuốc gì?
Teravox chứa thành phần chính là Levofloxacin - kháng sinh nhóm quinolon (dẫn chất fluoroquinolon). Cơ chế tác dụng của Levofloxacin là ức chế các enzym xúc tác quá trình sao chép, phiên mã và chỉnh sửa DNA của vi khuẩn, từ đó ngăn cản quá trình sinh sản và nhân lên của vi khuẩn.
Teravox có phổ tác dụng trên các chủng vi khuẩn Gram âm, Gram dương và vi khuẩn kỵ khí như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, vi khuẩn đường ruột, Haemophilus influenzae,...
Thuốc được hấp thu hoàn toàn sau khi uống, phân bố rộng rãi khắp các mô và dịch trong cơ thể như mô phổi, da, tuyến tiền liệt, niêm mạc phế quản, phế nang và khó qua dịch não tủy. Nồng độ đỉnh trong máu đạt được sau 60 - 120 phút uống thuốc, gắn với protein huyết tương khoảng 30 - 40 %.
2. Chỉ định của thuốc Teravox
Thuốc Teravox được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn sau:
- Bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm xoang, viêm phế quản cấp, viêm phổi cộng đồng,....
- Nhiễm khuẩn tuyến tiền liệt.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng, viêm thận - bể thận.
- Các bệnh lý nhiễm trùng da và mô mềm, viêm mô tế bào, mụn nhọt, lở loét,...
3. Chống chỉ định của thuốc Teravox
Không sử dụng thuốc Teravox trong các trường hợp sau đây
- Bệnh nhân dị ứng với thành phần Levofloxacin hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Bệnh nhân đang điều trị động kinh.
- Bệnh lý gân cơ do fluoroquinolon.
- Thuốc qua được nhau thai và sữa mẹ, nguy cơ tổn thương sụn khớp trên trẻ em. Vì vậy, trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai và đang cho con bú không có chỉ định dùng thuốc Teravox.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Teravox
- Bệnh nhân có bệnh lý viêm gân gót chân (gân Achille) khi dùng thuốc có thể làm xuất hiện bệnh ở cả 2 chân và có nguy cơ dẫn tới đứt gót chân.
- Bệnh nhân lớn tuổi (trên 65 tuổi), bệnh nhân dùng corticoid (kể cả dạng hít) dài ngày để điều trị các bệnh lý tự miễn, bệnh nhân có chức năng thận suy giảm cần theo dõi chức năng thận trước và trong quá trình điều trị bằng Teravox.
- Theo dõi thận trọng ở những bệnh nhân nhược cơ, xơ cứng não, bệnh lý hệ thần kinh trung ương khi sử dụng vì thuốc có nguy cơ làm nặng nề các triệu chứng bệnh.
- Bệnh nhân đang sử dụng thuốc điều trị tiểu đường nên thận trong do nguy cơ gây rối loạn chuyển hóa đường.
- Sử dụng kháng sinh Teravox hay bất cứ loại kháng sinh phổ rộng nào khác cần tuân thủ về liều lượng và cách dùng do nguy cơ viêm đại tràng màng giả do Clostridium difficile hay các bội nhiễm do vi khuẩn và nấm khác.
- Tránh tiếp xúc với ánh sáng mạnh, tia UV trong suốt thời gian điều trị đến khi ngưng thuốc 48 giờ do thuốc tăng nguy cơ mẫn cảm với ánh sáng.
- Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch (khoảng QT kéo dài trên điện tâm đồ, thiếu máu cơ tim nên, nhịp tim chậm), bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống loạn nhịp nhóm IA, III, hạ kali máu, thận trọng do thuốc làm kéo dài khoảng QT.
- Khi nghi ngờ hoặc xác định các nhiễm khuẩn do chủng vi khuẩn MRSA gây ra không sử dụng Teravox.
- Teravox có thể gây một số tác động lên hệ thần kinh trung ương như chóng mặt, đau đầu, nhìn mờ, ảo giác,... Vì vậy lái xe, người vận hành máy móc, người làm các công việc tập trung, tỉ mỉ khi dùng thuốc cần thận trọng.
4. Tương tác thuốc của Teravox
- Khi sử dụng đồng thời Teravox với các thuốc Antacid, multivitamin, ion kim loại, sucralfat, didanosin có thể làm giảm hấp thu của thuốc.
- Hiệu chỉnh liều Theophylin khi dùng chung với Teravox.
- Teravox làm tăng tác dụng của Warfarin và các thuốc chống đông kháng vitamin K.
- Phối hợp với các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có thể tăng nguy cơ co giật, kích thích thần kinh trung ương.
- Nguy cơ rối loạn đường huyết ở bệnh nhân sử dụng đồng thời thuốc hạ đường huyết và Teravox.
- Các vacxin kháng lao BCG, vắc xin thương hàn, mycophenolate, sulfonylurê làm giảm tác dụng của thuốc.
- Phối hợp với Fenbufen, Ciclosporin làm tăng nồng độ của Teravox trong huyết tương.
- Sử dụng chung với các thuốc Probenecid, cimetidin làm giảm bài tiết thuốc qua ống thận, tăng nguy cơ độc tính trên thận.
- Các thuốc chống trầm cảm ba vòng, kháng sinh nhóm macrolid, chống loạn nhịp, thuốc chống loạn thần làm kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ khi dùng chung với Teravox.
5. Liều dùng và cách dùng thuốc Teravox
Cách dùng
Thuốc Teravox được bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Uống nguyên viên với nước, không tách rời hoặc bẻ nát viên thuốc.
Liệu trình sử dụng thuốc kéo dài từ 7 - 10 ngày.
Liều dùng
- Bệnh lý viêm xoang cấp, viêm phổi cộng đồng, nhiễm khuẩn da hoặc mô mềm: 1 viên (500mg)/ lần/ ngày.
- Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính: 1⁄2 - 1 viên (500mg)/ lần/ ngày.
- Bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu: 1⁄2 viên (500mg)/ lần/ ngày.
6. Tác dụng phụ của thuốc Teravox
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Teravox
Tác dụng phụ thường gặp
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy,...
- Đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ.
- Tăng men gan (SGOT, SGPT, phosphatase kiềm, GGT).
Tác dụng phụ ít gặp
- Bội nhiễm nấm và vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc.
- Rối loạn số lượng các dòng tế bào máu, giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ưa acid.
- Chán ăn, khó tiêu, rối loạn vị giác.
- Lo lắng, kích động, lú lẫn, run.
Tóm lại, thuốc Teravox là kháng sinh có phổ tác dụng rộng trên nhiều chủng vi khuẩn Gram âm và Gram dương được kê đơn bắt buộc bởi bác sĩ. Để đề phòng tình trạng bội nhiễm, kháng thuốc và các tác dụng không mong muốn cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định về thời gian và liều lượng.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.