Ramol Syrup là một loại thuốc dạng bột pha siro có hàm lượng 30mg, thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp. Thuốc Ramol Syrup có tác dụng điều trị các bệnh về đường hô hấp do bất thường trong phế quản. Ngoài ra, Ramol Syrup còn được sử dụng để tránh các biến chứng ở phổi, viêm mũi, viêm xoang và viêm tai sau phẫu thuật, các bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt.
1. Thuốc Ramol Syrup là gì?
Ramol Syrup có thành phần hoạt chất chính là Ambroxol, thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp. Thuốc được bào chế dạng bột pha siro có hàm lượng 30mg và đóng gói trong mỗi hộp có 24 gói.
Thành phần Ambroxol có tác dụng điều hòa sự bài tiết của chất nhầy loại làm tan đờm, có tác dụng trên pha gel của chất nhầy bằng cách cắt đứt cầu nối disulfure của các glycoprotein. Do đó, quá trình long đờm trở nên dễ dàng hơn.
Về dược động học của thuốc Ramol Syrup được biết đến như sau:
- Thành phần Ambroxol được hấp thu chủ yếu qua đường tiêu hóa và đạt được nồng độ tối đa trong huyết tương sau khi uống khoảng 2 giờ.
- Thời gian bán hủy của thuốc khoảng 7,5 giờ.
- Ramol Syrup chủ yếu được đào thải ra ngoài qua nước tiểu dưới dạng kết hợp glucuronic. Quá trình đào thải của hoạt chất và các chất chuyển hóa diễn ra chủ yếu ở thận.
- Thuốc Ramol Syrup có thể tích phân phối cao chứng tỏ có sự khuếch tán ngoại mạch đáng kể.
2. Thuốc Ramol Syrup công dụng là gì?
Về tác dụng của thuốc Ramol Syrup:
- Ambroxol là thành phần chính của thuốc Ramol Syrup, là một chất chuyển hóa của Bromhexin, có tác dụng long đờm và làm tiêu chất nhầy nhưng chưa được nghiên cứu và chứng minh đầy đủ.
- Trong một số tài liệu, Ambroxol được biết đến là một chất giúp cải thiện các triệu chứng và làm giảm số đợt cấp tính trong viêm phế quản.
- Một số tài liệu mới đây cho rằng thuốc Ramol Syrup có tác dụng tương đối tốt đối với những bệnh nhân có tình trạng tắc nghẽn phổi nhẹ và trung bình nhưng không có tác dụng rõ rệt đối với những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn nặng.
- Khí dụng Ambroxol có tác dụng tốt đối với người bệnh bị ứ protein phế nang mà không chịu rửa phế quản.
Nhờ những tác dụng trên mà thuốc Ramol Syrup được các bác sĩ chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Điều trị các rối loạn về sự bài tiết ở phế quản, chủ yếu trong các bệnh phế quản cấp tính: Viêm phế quản cấp tính, đặc biệt trong cơ kịch phát của bệnh viêm phế quản mạn tính, viêm phế quản do hen suyễn, hen phế quản.
- Sử dụng thuốc để dự phòng các biến chứng ở phổi; viêm mũi, viêm tai, viêm xoang ở những bệnh bệnh nhân cần săn sóc đặc biệt và điều trị sau phẫu thuật.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Ramol Syrup
Thuốc Ramol Syrup được sử dụng theo đường uống. Bệnh nhân pha thuốc với nước và uống sau bữa ăn với liều lượng như sau:
- Đối với người lớn: Khi bắt đầu điều trị uống 1 gói x 3 lần/ngày.
- Đối với trẻ em từ 5 - 10 tuổi: Uống 1⁄2 gói x 2 -3 lần/ngày.
- Đối với trẻ em dưới 5 tuổi: Uống 1,2 - 1,6 mg/kg/ngày.
Tuy nhiên, liều lượng sử dụng thuốc Ramol Syrup trên chỉ mang tính chất tham khảo. Trước khi quyết định sử dụng, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.
4. Tác dụng phụ của thuốc Ramol Syrup
Thuốc Ramol Syrup hiếm khi gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng. Trong một số trường hợp có quan sát thấy: Phản ứng trên da hoặc niêm mạc, phù mặt, khó thở, tăng nhiệt độ của cơ thể cùng những cơn lạnh.
Các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy,... cũng hiếm khi xảy ra.
5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Ramol Syrup
- Ramol Syrup có chống chỉ định những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Sử dụng đồng thời Ramol Syrup với các kháng sinh như Amoxicilin, Cefuroxim, Erythromycin, Doxycycline làm tăng khả năng thấm của kháng sinh vào mô phổi.
- Trường hợp sử dụng thuốc Ramol Syrup trong thời gian dài, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Đối với bệnh nhân suy thận nặng, các chất chuyển hóa của Ambroxol tạo ra ở gan sẽ bị tích tụ. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Ramol Syrup đối với bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng.
- Sử dụng đồng thời Ramol Syrup cùng với các thuốc trị ho và/hoặc các chất làm khô như Antropine có thể sẽ gây kích ứng.
- Trong các thử nghiệm trên động vật, dùng liều cao Ramol Syrup không thấy gây độc cho phôi thai. Tuy nhiên, chỉ sử dụng thuốc Ramol Syrup trong giai đoạn mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu và giai đoạn đang cho con bú trong trường hợp thực sự cần thiết, vì hiện tại chưa có số liệu nghiên cứu trên người.
- Hiện tại cũng chưa có số liệu báo cáo về những ảnh hưởng của thuốc Ramol Syrup đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
Tóm lại, thuốc Ramol Syrup có tác dụng hiệu quả trong điều trị các bệnh đường hô hấp cấp tính và mạn tính do bất thường trong dịch tiết phế quản, đặc biệt là giai đoạn cấp của viêm phế quản mạn tính. Thuốc cũng mang lại hiệu quả trong điều trị sau phẫu thuật và dự phòng các biến chứng ở bệnh nhân cần săn sóc đặc biệt. Ramol Syrup là thuốc kê đơn nên người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.