Thuốc Papaverin 40mg có thành phần chính là Papaverine hydrochloride được chỉ định điều trị một số bệnh lý đường tiêu hóa. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
1. Thuốc papaverin là thuốc gì?
Thuốc papaverin là thuốc gì? Papaverin là thuốc thuộc nhóm chất Benzyl isoquinolin. Thuốc được chiết xuất từ cây anh túc và được phát hiện bởi một nhà khoa học người Đức.
Thuốc Papaverin được bào chế dưới dạng viên nén, viên nang và dung dịch tiêm. Theo đó, Papaverin có tác dụng ức chế sự co thắt cơ trơn bằng cách:
- Ức chế phosphoryl hóa do oxy hóa
- Ức chế kênh Canxi làm ức chế co cơ làm tăng cAMP.
Hoạt chất có trong Papaverin ít gây ức chế thần kinh trung ương nên thuốc không có tác dụng giảm đau.
Dược động học
- Hấp thu: Papaverin được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Theo đó, ở dạng giải phóng nhanh sẽ cho tác dụng nhanh chóng, Papaverin cũng có thể được bào chế dưới dạng giải phóng kéo dài và có thể duy trì tác dụng lên đến hơn 12 giờ đồng hồ.
- Phân bố: Papaverin sau khi được hấp thu sẽ ít phân bố vào các mô. Theo đó, tỷ lệ liên kết với protein huyết tương cao (khoảng 90%).
- Chuyển hóa: Papaverin được chuyển hóa tại gan bởi các enzym gan, ví dụ như CYP3A4, CYP2C9.
- Thải trừ: Papaverin được thải trừ nhiều qua nước tiểu ở dạng liên hợp với glucuronic. Thời gian bán thải khoảng 0,5 đến 1,5 giờ.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Papaverin
2.1. Chỉ định của thuốc Papaverin
Thuốc Papaverin có tác dụng ức chế trực tiếp co thắt cơ trơn. Do đó, thuốc Papaverin thường được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp sau đây:
- Người bệnh bị co thắt cơ trơn đường tiêu hóa,
- Đau bụng do co thắt dạ dày, ruột
- Đau co thắt đường dẫn mật
2.2. Chống chỉ định của thuốc Papaverin
Chống chỉ định sử dụng thuốc Papaverin trong những trường hợp sau đây:
- Người bệnh bị block nhĩ- thất hoàn toàn.
- Người bệnh bị quá mẫn hay dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc Papaverin
- Người mắc bệnh Parkinson.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Papaverin
Ở mỗi dạng bào chế thuốc Papaverin sẽ có cách điều trị khác nhau:
Đối với đường uống:
Người lớn: Mỗi lần dùng với liều thuốc từ 40 đến 100mg, mỗi ngày sử dụng khoảng 2 đến 3 lần.
Đối với trường hợp cần tác dụng kéo dài thì hãy dùng viên giải phóng kéo dài liều lượng 150mg, mỗi lần uống 1 viên, mỗi ngày sử dụng thuốc 2 lần.
Đối với đường tiêm:
- Người lớn: Sử dụng liều lượng thuốc Papaverin từ 30 đến 120mg tùy từng trường hợp cụ thể. Sau đó khoảng 3 đến 4 giờ thì hãy tiêm liều tiếp theo, có thể dùng đường tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.
- Đối với trẻ em: Sử dụng với liều thuốc Papaverin từ 4 đến 6 mg/kg, thể trọng mỗi 24 giờ chia thành 4 lần, có thể dùng đường tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.
Cần lưu ý, khi dùng đường tiêm thì cần tiêm chậm trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 phút để tránh gây rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.
4. Tác dụng phụ khi sử dụng Papaverin
Trong quá trình sử dụng Papaverin, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như sau:
- Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương: Đau đầu, Hoa mắt, chóng mặt
- Tác dụng trên hệ tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, Nôn mửa, Tiêu chảy, Táo bón, Rối loạn chức năng gan, Viêm gan do độc tính của hoạt chất có trong papaverin.
Tác dụng phụ nguy hiểm nhất có thể gặp khi sử dụng thuốc Papaverin là gây rối loạn nhịp tim, ngừng thở, thậm chí là nguy cơ tử vong khi sử dụng đường tiêm tĩnh mạch nhanh. Do đó, nếu trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào thì cần đến ngay các trung tâm y tế để thăm khám và có hướng xử trí thích hợp.
5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Papaverin
Trong quá trình sử dụng thuốc Papaverin thì người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:
- Người mắc bệnh tăng nhãn áp, viêm gan, rối loạn chức năng gan thì cần điều chỉnh lại liều lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe.
- Khi sử dụng thuốc bằng đường tiêm tĩnh mạch thì cần hết sức thận trọng, vì nếu tiêm nhanh có thể khiến người bệnh ngừng hô hấp và gây rối loạn nhịp tim, thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong.
- Dùng thuốc Papaverin cho bà bầu được không? Theo các chuyên gia, cần cân nhắc kỹ lưỡng những lợi ích và nguy cơ sử dụng thuốc Papaverin cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Vì thế tốt nhất những đối tượng này chỉ nên sử dụng thuốc khi được bác sĩ chỉ định và nhân viên y tế theo dõi sát sao.
6. Tương tác của thuốc Papaverin
Trong quá trình sử dụng, thuốc Papaverin có thể gây ra tình trạng tương tác thuốc với các loại thuốc khác và thực phẩm chức năng, cụ thể:
- Thuốc Papaverin làm giảm tác dụng của Levodopa do có tác dụng làm phong bế các thụ thể Dopamin. Từ đó, làm giảm đáng kể tác dụng điều trị của Levodopa đối với người bệnh Parkinson.
- Thuốc Papaverin tuy ít gây ra ức chế hệ thần kinh trung ương nhưng lại có tác dụng hiệp đồng với Morphin. Do đó, khi sử dụng đồng thời sẽ tăng ức chế thần kinh trung ương
- Thuốc Papaverin được chuyển hóa bởi các enzym gan. Vì vậy các thuốc gây ức chế enzym gan như kháng sinh thuộc nhóm macrolid:thuốc kháng nấm cấu trúc azol như itraconazol,clarithromycin,... sẽ gây tương tác và ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
7. Quá liều và xử trí quá liều Papaverin
Việc sử dụng quá liều thuốc Papaverin có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí tăng nguy cơ tử vong. Một số dấu hiệu quá liều thuốc mà người bệnh có thể phát hiện như sau:
- Buồn nôn, nôn mửa,
- Chóng mặt,
- Toát mồ hôi,
- Yếu cơ,
- Rối loạn vận mạch,
- Rối loạn nhịp tim,
- Ngừng thở và ngừng tim.
Khi người bệnh thấy có những dấu hiệu khởi phát như trên thì nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Khi xử trí quá liều, cần bảo vệ đường thở cho người bệnh, có thể hô hấp nhân tạo nếu trong trường hợp cần thiết. Nếu người bệnh xuất hiện co giật thì cần dùng thuốc an thần, gây mê.
Ở dạng uống, nếu người bệnh quên một liều thuốc thì cần uống ngay khi nhớ ra, tuy nhiên, nếu thời gian quên đã gần đến liều tiếp theo thì bỏ qua liều thuốc đã quên và uống liều thuốc mới như bình thường. Tuyệt đối không dùng gấp đôi liều để bù lại.
Tóm lại, thuốc Papaverin có thành phần chính là Papaverine hydrochloride được chỉ định điều trị một số bệnh lý đường tiêu hóa như co thắt cơ trơn, co thắt dạ dày. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.