Thuốc Itamekacin là một kháng sinh dùng bằng đường tiêm để điều trị các nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn gram âm gây ra hoặc kết hợp với kháng sinh khác để làm tăng hiệu quả của thuốc trong nhiễm khuẩn nặng. Thuốc được dùng dưới chỉ định của bác sĩ và chỉ dùng khi các kháng sinh ít độc hơn bị kháng thuốc hay dị ứng.
1. Thuốc Itamekacin có tác dụng gì?
Thuốc Itamekacin có thành phần chính là Amikacin và tá dược vừa đủ. Thuốc Itamekacin 1000 có thành phần hoạt chất chính là Amikacin với hàm lượng 1000mg được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm 1000mg/ 4mg và Itamekacin có hoạt chất chính là Amikacin hàm lượng 500mg, bào chế dạng ống tiêm 500mg/ 2ml.
Amikacin là kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh bán tổng hợp Aminoglycosid, có hoạt tính diệt khuẩn. Cơ chế tác dụng diệt khuẩn của Amikacin là liên kết vào tiểu đơn vị 30S của ribosom, từ đó ngăn chặn quá trình tổng hợp Protein của vi khuẩn. Thuốc có tác dụng trên trực khuẩn Gram âm ưa khí, thuốc này đa phần không hiệu quả trên vi khuẩn Gram dương. Cho nên, nhóm kháng sinh này được lựa chọn ưu tiên khi nghi ngờ nhiễm vi khuẩn gram âm. Ngoài ra, có đặc tính hậu kháng sinh, sau khi xuống dưới nồng độ ức chế tối thiểu của thuốc vẫn có tác dụng diệt khuẩn.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Itamekacin
2.1. Chỉ định
Thuốc Itamekacin được dùng để điều trị ngắn hạn trong các nhiễm khuẩn nặng, bao gồm những trường hợp sau:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp, hệ thần kinh trung ương (kể cả tình trạng viêm màng não), nhiễm khuẩn xương và khớp, nhiễm khuẩn trong ổ bụng (kể cả viêm phúc mạc), nhiễm trùng hậu phẫu và nhiễm khuẩn do bỏng.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu nặng và tái diễn. Không được sử dụng thuốc này trong giai đoạn đầu khi mới phát hiện và vẫn đang nhạy cảm với kháng sinh ít độc hơn.
- Nghi ngờ hoặc đã xác định tình trạng nhiễm khuẩn do tụ cầu gây ra hoặc nhiễm khuẩn do cả vi khuẩn Gram âm, tụ cầu gây ra hoặc dùng ở những người dị ứng với kháng sinh khác.
- Nhiễm khuẩn huyết: Nên kết hợp với kháng sinh Penicillin có hiệu quả diệt vi khuẩn gram dương để có tác dụng tối ưu.
- Thuốc Itamekacin đồng thời còn có hiệu quả trên vi khuẩn Gram âm, chủng kháng với Tobramycin, Gentamicin. Được dùng trên nhiễm khuẩn do các vi khuẩn kháng thuốc này.
2.2. Chống chỉ định
Thuốc Itamekacin không được sử dụng cho những trường hợp sau:
- Tiền sử dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong công thức hoặc có tiền sử dị ứng với kháng sinh aminoglycosid khác.
- Mắc bệnh nhược cơ.
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Itamekacin
3.1. Cách sử dụng
Thuốc được dùng bằng đường tiêm bắp, tĩnh mạch. Trong trường hợp cần thiết có thể truyền tĩnh mạch. Dung môi pha truyền tĩnh mạch là dung dịch Dextrose 5%, Ringer lactate hoặc NaCl 0,9%.
Trong quá trình sử dụng người bệnh cần uống nhiều nước để giảm độc tính trên thận. Không tự ý chỉnh tốc độ truyền dịch khi truyền tĩnh mạch, dùng đúng tốc độ được chỉnh phù hợp.
Nếu Amikacin được chỉ định dùng đồng thời với các thuốc kháng sinh khác thì không được pha trộn chúng với cùng một bơm tiêm hoặc trong cùng một chai truyền dịch, cần theo dõi các phản ứng dị ứng, sốc phản vệ của thuốc trong khi truyền nhất là những liều đầu.
3.2. Liều dùng
Theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể tham khảo liều như sau:
- Trẻ em trên 12 tuổi và người lớn: Dùng với liều 15mg/ kg/ ngày và chia 2 - 3 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau 8 - 12 giờ.
- Trẻ em từ 4 tuần đến 12 tuổi: Liều khuyến cáo cho tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, truyền tĩnh mạch chậm ở trẻ em có chức năng thận bình thường là tưt 15 - 20 mg/ kg/ ngày, có thể dùng 15 - 20 mg/ kg, ngày 1 lần, hoặc liều 7.5 mg/ kg mỗi 12 giờ. Trong bệnh viêm nội tâm mạc và ở những bệnh nhân sốt giảm bạch cầu trung tính, nên dùng liều hai lần mỗi ngày
- Trẻ đẻ non và trẻ sơ sinh: Có thể khởi đầu với liều 10mg/ kg. Sau đó tăng liều lên 15mg/ kg/ ngày chia 2 lần cách nhau 12 giờ.
- Trường hợp nhiễm khuẩn nặng: Có thể 500mg/ lần. Liều tối đa 1.5g/ ngày trong 10 ngày.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu không do Pseudomonas: Dùng với liều 7.5 mg/ kg/ ngày chia 2 lần cách nhau 12 giờ.
- Thời gian điều trị: Khi tiêm tĩnh mạch 3 - 7 ngày, tiêm bắp 7 - 10 ngày. Nhiễm trùng ít trầm trọng thấy có hiệu quả sau 24 - 48 giờ tiêm. Nếu không cải thiện sau 4 - 5 ngày cần điều chỉnh lại liều hay thuốc cho hợp lý.
Bệnh thận: Cần phải giảm liều phù hợp và tăng khoảng cách giữa các liệu cho thích hợp để tránh hiện tượng tích lũy thuốc.
Truyền tĩnh mạch: Đảm bảo dùng với lượng thuốc có thể truyền trong 30 60 phút với người lớn, truyền trong 1 - 2 giờ với trẻ em.
3.3. Quá liều
Khi quá liều có thể xuất hiện các triệu chứng như tê liệt cơ bắp, dẫn đến phong bế hệ thần kinh cơ hoặc có thể gây ra tê liệt hệ hô hấp, đặc biệt cần kiểm soát khi sử dụng đồng thời với nhóm phong bế hệ thần kinh hoặc gây mê. Có thể điều trị quá liều bằng muối Canxi.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Itamekacin
Thuốc Itamekacin có thể gây ra tác dụng không mong muốn, bao gồm:
- Tác dụng phụ chủ yếu gây độc trên đôi dây thần kinh sọ số VIII và trên thận như nước tiểu có bạch cầu, Albumin niệu, tăng Ure huyết, hồng cầu và trụ niệu, thiểu niệu.
- Hiếm khi xảy ra: Gây ra sốt, dị cảm, nổi mẩn da, đau đầu, tăng bạch cầu ưa eosin, buồn nôn và nôn, hạ huyết áp, thiếu máu, sốc phản vệ cũng có thể xảy ra;
Nếu thấy bất kỳ tác dụng phụ nào trong khi dùng thuốc thông báo ngay cho bác sĩ hoặc y tá có chuyên môn để được xử lý kịp thời.
5. Lưu ý khi dùng thuốc Itamekacin
Amikacin có nguy cơ gây ra độc trên thận và tai, đặc biệt đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ. Phải theo dõi chức năng thính giác và thận, tránh dùng thuốc kéo dài hoặc dùng thuốc lặp lại nhiều lần, không dùng thuốc quá liều. Để tránh nguy cơ gây độc cho tai và thận.
Cần phải đánh giá chức năng của thính lực trước và trong khi sử dụng thuốc ở những người suy thận cần điều trị trên 5 ngày. Ngừng điều trị nếu thấy giảm thính lực hoặc xuất hiện triệu chứng ù tai.
Cần giám sát chức năng thận trước và trong quá trình điều trị, tăng cường uống nước nếu xuất hiện các tổn thương thận như trụ niệu, nước tiểu có bạch cầu, hồng cầu,...
Ngừng điều trị bằng thuốc Amikacin nếu giảm bài tiết nước tiểu, ure huyết tăng.
Khi dùng thuốc này có thể xuất hiện tình trạng kháng chéo với kháng sinh Aminoglycosid khác. Để đảm bảo không lạm dụng thuốc và làm tăng nguy cơ kháng thuốc thì trước khi điều trị cần làm kháng sinh đồ, chỉ sử dụng trước khi có kết quả nếu nghi ngờ do nhiễm khuẩn Gram âm. Sau đó dựa trên kết quả kháng sinh đồ, mức độ bệnh và đáp ứng để có thể quyết định có tiếp tục hay không.
Có thể gây ra nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn kháng thuốc hay không nhạy cảm với kháng sinh này, trong trường hợp này cần xây dựng một phương pháp điều trị phù hợp.
Phụ nữ mang thai: Hiện tại, chưa được chứng minh mức độ an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc sử dụng cho con bú. Tuy nhiên một số kháng sinh trong nhóm Aminoglycosid đã cho thấy làm tăng tỷ lệ dị tật ở thai nhi. Do đó chỉ sử dụng khi nhiễm khuẩn đe doạ tính mạng và lợi ích dùng thuốc cao hơn so với nguy cơ cho thai nhi.
Bà mẹ cho con bú: Do thuốc có thể được bài xuất vào trong sữa mẹ. Cân nhắc giữa việc ngừng cho con bú hoặc ngừng dùng thuốc
Tương tác thuốc: Một số tương tác đã được báo cáo, bao gồm
- Thuốc khác cũng gây ra độc với thận và thính giác như các kháng sinh Viomycin, Polymyxin B, Gentamicin, Tobramycin, Neomycin, Kanamycin, Streptomycin, Cephaloridine. Tăng nguy cơ gây độc trên thận và tai.
- Không dùng chung với thuốc lợi tiểu như Acid ethacrynic, Furosemid, lợi tiểu thẩm thấu Mannitol do làm tăng nguy cơ gây độc với tai, tăng độc tính của kháng sinh nhóm Aminoglycosid.
Điều kiện bảo quản: Nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh ánh sáng. Để xa tầm nhìn và tầm với của trẻ. Không sử dụng khi hết hạn sử dụng in trên bao bì.
Thuốc Itamekacin là một kháng sinh được dùng dưới chỉ định của bác sĩ. Khi dùng thuốc nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.