Harocto là thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý liên quan đến đường hô hấp có kèm tăng tiết dịch phế quản. Để sử dụng thuốc đúng cách, mang lại hiệu quả điều trị cao nhất, bạn có thể tham khảo thông tin liên quan trong bài viết dưới đây.
1. Thuốc Harocto có tác dụng gì?
Thuốc Harocto có chứa thành phần chính là Ambroxol hydroclorid 30mg. Đây là chất có khả năng phá vỡ cấu trúc đờm tương tự như Bromhexin. Cơ chế hoạt động của Ambroxol hydroclorid là kích thích tăng tiết chất nhầy phế quản, góp phần kích thích hoạt động của thể mi. Điều này sẽ góp phần tạo điều kiện hình thành chất tiết và chuyển chúng ra ngoài phế nang và thanh quản.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu được thực hiện trước đây, Ambroxol hydroclorid có khả năng làm long đờm và tiêu chất nhầy, góp phần giảm được mức độ bệnh và làm giảm tần suất các đợt cấp trong bệnh viêm phế quản mạn. Thuốc còn phát huy tốt hiệu quả với những trường hợp tắc nghẽn phổi mức độ nhẹ và trung bình. Tuy nhiên, với bệnh nhân mắc bệnh ở mức độ nặng thì không thấy hiệu quả rõ ràng.
Thêm nữa, một số nghiên cứu còn phát hiện đặc tính chống viêm và chống oxy hóa của của Ambroxol hydroclorid khi tiến hành lâm sàng cho bệnh nhân ngứa rát họng, bệnh nhân viêm họng.
2. Chỉ định và chống chỉ định
Với thành phần chính là Ambroxol hydroclorid, Harocto được chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:
- Bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp cấp và mạn tính có kèm tăng tiết dịch phế quản như viêm họng, viêm xoang. Đặc biệt thuốc phát huy tốt hiệu quả trong đợt cấp của viêm phế quản mạn, hen phế quản, viêm phế quản dạng hen.
- Sử dụng trong dự phòng biến chứng ở phổi cho bệnh nhân sau mổ và cấp cứu.
- Hỗ trợ điều trị các rối loạn bài tiết dịch đờm ở mũi, họng, phế quản.
Harocto chống chỉ định cho người quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc, đặc biệt là với những bệnh nhân loét dạ dày tá tràng tiến triển.
3. Liều lượng và cách dùng
3.1. Liều dùng
- Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Sử dụng 1 muỗng cafe tương tương với 5ml siro/ lần, ngày sử dụng 3 lần. Một số trường hợp bệnh nặng có thể tăng liều lên 10ml/ lần, ngày 2 lần.
- Trẻ nhỏ từ 6 - 12 tuổi: Sử dụng 1 muỗng cafe tương đương với 5ml siro/lần, ngày sử dụng 3 lần.
- Trẻ từ 2 - 6 tuổi: Sử dụng 1⁄2 muỗng cafe tương đương với 2,5ml siro/lần, ngày uống 2 - 3 lần.
- Trẻ em dưới 2 tuổi: Sử dụng 1,25ml/lần, ngày 2 lần và chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thời gian dùng thuốc tùy theo mức độ bệnh, tình trạng cải thiện bệnh, theo yêu cầu bác sĩ.
3.2. Cách dùng
Thuốc Harocto được bào chế dạng siro có vị ngọt thanh, mùi vị dễ chịu nên người bệnh có thể uống trực tiếp. Tuyệt đối không nên pha loãng thuốc hay uống kèm theo đồ ăn, thức uống khác để đảm bảo hiệu quả trong điều trị bệnh.
4. Tác dụng phụ
Harocto ít gây ra tác dụng phụ cho người sử dụng. Tuy nhiên một số trường hợp ghi nhận các phản ứng như đầy bụng, đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy. Khi đó, bạn cần giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc để hạn chế những tác dụng không mong muốn này. Nếu thấy các triệu chứng diễn biến nặng hơn, bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
5. Tương tác thuốc
Hiện vẫn chưa có báo cáo đầy đủ về tương tác của thuốc. Tuy nhiên, một số tài liệu cho biết bệnh nhân cần thận trọng khi dùng thuốc cùng với các kháng sinh như Amoxicillin, doxycyclin, cefuroxim,...
Để đảm bảo an toàn, bạn hãy liệt kê tất cả thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng cho bác sĩ để tránh những tương tác có thể xảy ra.
6. Thận trọng khi dùng Harocto
- Kiểm tra kỹ bao bì thuốc Harocto trước khi sử dụng, tuyệt đối không dùng khi sản phẩm hết hạn, có mùi vị và màu sắc thay đổi.
- Thận trọng và cần theo dõi đặc biệt khi sử dụng thuốc Harocto cho người có tiền sử không dung nạp Lactose, Glucose – galactose.
- Thận trọng với các bệnh nhân có tiền sử viêm loét đường tiêu hóa kèm xuất huyết.
- Không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ bởi có thể gây dị tật ở trẻ.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về thuốc Harocto mà bạn đọc có thể tham khảo. Bạn cần chú ý sử dụng thuốc đúng liều theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tăng hoặc giảm liều điều trị.